Hôm nay (10/1) Quốc hội sẽ thảo luận trực tuyến về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 trước khi bấm nút thông qua vào chiều 11/1. GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã trao đổi với Đại Đoàn Kết xung quanh việc thi công dự án.
PV: Thưa ông, số tiền để thi công đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông là rất lớn, sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 146.990 tỷ đồng. Dự kiến sẽ lấy 72.497 tỷ đồng từ gói chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ý kiến của ông về việc này?
GS.TS Hoàng Văn Cường: Đường bộ cao tốc Bắc - Nam là việc cần ưu tiên đầu tư. Nếu như chúng ta sử dụng ngân sách, có ưu điểm là có sẵn nguồn tiền ngay. Bản thân nguồn tiền cho gói hỗ trợ phục hồi kinh tế đang đặt trọng tâm vào giai đoạn giải ngân trong 2 năm: 2022-2023. Trong khi đó, cao tốc Bắc - Nam phía Đông phấn đấu giữa năm 2023 mới có thể khởi công. Rõ ràng nguồn tiền này đầu tư vào đó sẽ không đem lại hiệu quả ngay cho chương trình phục hồi kinh tế, mà chỉ có ý nghĩa như đầu tư công thông thường.
Trong các gói của cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Chính phủ đã đánh giá có nhiều đoạn có thể huy động đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Nhưng Chính phủ cũng e ngại phần vốn của nhà nước đầu tư vào sẽ quá 50%. Tôi cho rằng, đây là vấn đề chúng ta cần quan tâm nhiều hơn. Bởi vốn vượt quá 50% là do chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tính trong giá trị gói đó. Nếu chúng ta tách riêng đền bù giải phóng mặt bằng thành dự án riêng, khi đó giá trị của phần giải phóng mặt bằng không được tính vào trong giá trị của xây lắp nữa. Lúc đó, phần đóng góp của nhà nước vào gói đó sẽ không bị giới hạn bởi quy định 50%.
Đền bù giải phóng mặt bằng là trách nhiệm của nhà nước, phải tạo mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư.
Thưa ông, trước đây chúng ta đã tính đầu tư PPP nhưng sau đó lại chuyển sang đầu tư công. Ông nghĩ sao khi chuyển các dự án sang đầu tư công thay vì huy động PPP?
- Như tôi đã đề cập ở trên. Chính phủ tính tổng mức tham gia của nhà nước sẽ vượt quá 50%, cỡ từ 54% đến hơn 60%. Như vậy là vi phạm vào Luật PPP, vì trong đó quy định nhà nước không đầu tư quá 50%. Tuy nhiên, hiện chúng ta đang tính cả chi phí giải phóng mặt bằng vào trong tổng mức đầu tư nên mới bị vượt lên như thế. Còn nếu tách riêng nhà nước thực hiện trọn gói giải phóng mặt bằng thì chỉ còn lại phần đầu tư xây lắp công trình. Như thế, phần nhà nước tham gia đầu tư vào sẽ không bị vượt quá 50% nữa. Lúc đó thực hiện theo PPP, và nhà đầu tư tư nhân hoàn toàn có thể tham gia vào dự án. Bởi vậy, nên tách dự án giải phóng mặt bằng ra để kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân tham gia phần xây lắp. Lúc đó PPP sẽ thực hiện được.
Nhượng quyền thu phí để hoàn trả ngân sách sau khi dự án đưa vào sử dụng liệu có khả thi không thưa ông?
- Hiện nay chúng ta tính phương án nhà nước đầu tư công, sau đó sẽ nhượng quyền thu phí cho các nhà đầu tư tư nhân. Đây cũng là yếu tố đặt ra vấn đề đó là chúng ta chưa có khuôn khổ luật pháp về nhượng quyền thu phí. Còn khuôn khổ đầu tư PPP thì đã có rồi. Nếu như ta đã tính nhượng quyền thu phí cho tư nhân vận hành thu phí, vậy tại sao không cho họ vay vốn, rồi cho họ đầu tư xây dựng? cho họ vận hành, thu tiền sau đó họ trả lại vốn cho ta? Tại sao ta phải làm rồi mới cho họ thuê lại? Đó chính là điều có thể tính toán.
Chúng ta đã thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhưng lần này giao cho Bộ Giao thông vận tải đầu tư. Còn các địa phương chỉ giải phóng mặt bằng. Theo ông điều này có hợp lý?
- Trong đề án về phục hồi kinh tế đã có đề xuất giao cho địa phương thực hiện cả giai đoạn đầu tư chứ không chỉ có mỗi giải phóng mặt bằng. Cơ chế hiện nay là phân cấp cho địa phương nhiều hơn. Giải phóng mặt bằng giao cho địa phương là đúng vì đó là trách nhiệm của địa phương. Nhưng bên cạnh giải phóng mặt bằng thì theo tôi trong đầu tư xây dựng, những địa phương nào đủ năng lực, đủ khả năng quản trị chúng ta cũng nên phân cấp cho địa phương đó đứng ra làm chủ đầu tư. Như vậy, Bộ Giao thông vận tải trở thành đơn vị kiểm tra, giám sát, đôn đốc, đánh giá. Làm như thế sẽ độc lập, khách quan hơn.
Năm ngoái trong thi công tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chúng ta đã xử lý 36 cán bộ do “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Vậy lần này chúng ta cần triển khai như thế nào để tránh tiêu cực?
- Chúng ta có nhiều cơ quan thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát. Các cơ quan này phải thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải tăng cường tính công khai, minh bạch ngay từ khâu thiết kế, dự toán, chọn nhà đầu tư, kiểm tra để toàn dân, toàn xã hội biết và giám sát. Nếu thực hiện tốt khâu công khai minh bạch thì không nhất thiết phải đấu thầu. Chúng ta hoàn toàn có thể chỉ định thầu với cơ chế có sự công khai, minh bạch.
Trân trọng cảm ơn ông!