Trong khi một số lượng nhạc sĩ miệt mài theo đuổi phong cách âm nhạc cập nhật với giới trẻ thế giới và khu vực như Âu Mỹ, Hàn Quốc thì vẫn song song tồn tại một xu hướng khai thác chất liệu dân gian vào sáng tác của mình. Đáng nói, nhiều sáng tác đã tạo nên thành công nhất định.
Từ ca khúc thông thường
Còn nhớ, suốt nửa cuối năm 2021 kéo dài cho tới những tháng ngày đầu năm 2022 khi mọi hoạt động nghệ thuật biểu diễn còn bị ngưng trệ bởi ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, giới âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc dành cho thế hệ Gen Z (những bạn trẻ sinh trong giai đoạn cuối 1990 đầu 2000) vẫn sôi động trên mạng internet.
Trong khi chủ yếu các sản phẩm âm nhạc vẫn đang xoáy vào guồng quay của những sản phẩm mang motive Hàn Quốc kiểu trữ tình ballad hay nhịp điệu sôi động rộn ràng kèm theo vũ đạo của thời âm nhạc điện tử thì một sản phẩm đi ngược dòng, đầy tính dân gian, đậm chất dân dã, quê quê, xuất hiện và làm mưa gió trong đời sống âm nhạc không chỉ dành cho thế hệ Gen Z mà còn “phủ sóng” rộng hơn thế, đó là “Rồi tới luôn” của Nal (Hồ Phi Nal).
Chỉ cần nghe mấy nhịp điệu đầu tiên, câu hát đầu tiên có thể thấy ngay đây là một bản nhạc kiểu nhạc đám cưới miền Tây. Nhịp điệu cha cha cha vốn từng dậy sóng cách nay vài thập niên bỗng hiện hữu trở lại trong phần lời ca nói về lời cầu hôn chân chất thật thà của chàng trai với người mình yêu: “Em đang cô đơn, thì bàn tay đâu đưa đây”, “Em ơi em ở đâu anh mang trầu cau qua rước dâu luôn”, “Trên dưới phu thê, hai đứa về bên nhau”, “Mai đây ta sang giàu, quá xá to thịt kho rau muống”...
Không chỉ thế, ca khúc còn sử dụng những ca từ đậm chất trai quê miền Tây: Đoạn ca từ “Em nè em có muốn đi về làm dâu/ Đừng có bắt anh phải buồn rầu/ Xập xình xập xình nhạc đong đưa...” rất rộn ràng, dân dã. Thậm chí còn sử dụng câu hò và nét dân ca trong bài: “Ơi hò ơi! Hò ơi! Ra Giêng em nên lấy chồng...”.
Nghe vậy đừng vội chê bản nhạc dành cho giới trẻ này là quê mùa. Trên thực tế, những câu hát, điệu nhạc vừa kể trên đây chứa đựng đậm đà chất liệu dân gian mà giới trẻ làm âm nhạc đã khéo léo khai thác và đưa vào.
Ở đó, việc khai thác được thể hiện ở nhiều cách khác nhau, từ văn hóa dân gian thông qua cách dùng câu từ đến chất liệu âm nhạc, chủ yếu toát lên màu sắc âm nhạc rộn ràng đầy tính động của đồng bào Kh’mer lại kết hợp với câu hò, làn điệu dân ca của vùng sông nước Nam bộ.
Việc sáng tác này có thể là chủ ý, có thể là vô tình nhưng rõ ràng nó có giá trị, được giới trẻ đón nhận có nghĩa là đáp ứng được nhu cầu và có độ lan tỏa. Đồng thời nó cho thấy chất liệu dân gian vẫn là kho tàng quý giá và hết sức phong phú giúp cho giới trẻ thỏa sức khai thác và sử dụng trong tác phẩm âm nhạc theo cách sáng tạo của mình.
Đến rap
Ở một tác phẩm khác, thể loại âm nhạc khác cũng đã được giới trẻ đón nhận và những người hoạt động chuyên môn ở thế hệ đi trước nhìn vào cảm thấy thích thú, đó là bài rap “Chọn bạn mà chơi” của Rtee.
Bài rap này ra mắt những ngày cuối năm 2022 và chỉ 10 ngày sau đó, ngay trong những ngày đầu năm mới 2022 “Chọn bạn mà chơi” đạt gần 3 triệu lượt xem và có mặt trong top 10 một trong số những bảng xếp hạng nghe nhạc trực tuyến đình đám nhất Việt Nam.
Cái hay ở chỗ, đây là một bài rap, âm nhạc rất mới, rất xu hướng và đang thịnh hành trong giới trẻ, chủ yếu những bài rap cho thấy cá tính và sự hiện đại của giới trẻ trong cuộc sống thì “Chọn bạn mà chơi” vẫn trên nền màu sắc âm nhạc đó, nhưng nó lại đậm chất dân gian.
Chất dân gian hiện hữu ngay trong tên bài hát. Nó là một câu tục ngữ mà cha ông ta luôn khuyên dạy con cháu từng ngày. Không chỉ có thế, trong ca từ tác giả đã khai thác câu chuyện cổ tích “Thạch Sanh”. Ở đó, sau khi ca từ đầu tiên, chính là tiêu đề ca khúc, cũng là thông điệp chính của tác phẩm được xuất hiện liên tiếp 3 lần thì đến ca từ tiếp theo bổ sung cho sự khẳng định về thông điệp muốn nói: “Thạch Sanh thì ít Lý Thông thì nhiều”.
Ca khúc cũng khai thác những ca từ quen thuộc trong chuyện cổ tích: “Đàn kêu tích tịch tình tang/ Ai mang công chúa dưới hang trở về” và dựa vào đó tiếp tục biến tấu: “Đàn kêu tích tịch tình tang/ Ai mang câu hát thẫn thờ sớm khuya” và dấu ấn Gen Z hiện hữu ở ca từ nối tiếp: “Kiếm tiếng thơm thì khó/ Đành cất tiếng đàn thở than”.
Cũng khai thác chất liệu dân gian cả trong nội dung và âm nhạc, cũng là một bài rap nhưng “Nam quốc sơn hà” của Erik và Phương Mỹ Chi thể hiện lại có cách khai thác hoàn toàn khác so với “Chọn bạn mà chơi”.
Ở “Nam quốc sơn hà” mượn áng thơ nổi tiếng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm giữ yên bờ cõi của dân tộc ta để nhân lên tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống. Bên cạnh phần ca từ phát triển từ nội dung văn thơ dân tộc thì bài rap còn khai thác chất liệu dân gian Nam bộ trong lời hát ru: “Con ơi con ngủ cho tròn/ Để mẹ ngồi vót cho rồi bó chông/ Chông này gìn giữ non sông/ Chông này góp sức diệt quân bạo tàn”. Việc xuất hiện đoạn giai điệu này khiến cho bài hát đang căng trở nên mềm đi, nó thể hiện sự cân bằng giữa các tính chất âm nhạc tưởng chừng như tương phản tạo nên điểm nhấn khiến người nghe nhớ.
Và nhiều hơn thế
“Trò chơi í a trời cho” là sản phẩm âm nhạc mới nhất của cặp đôi ca sĩ Hà Myo và Thế Phương VBK. Sau những thành công bước đầu khi thể nghiệm khai thác hát xẩm kết hợp với rap và EDM thì cặp đôi âm nhạc này tiếp tục khám phá âm nhạc hát xoan. Được các chuyên gia âm nhạc dân tộc tư vấn và chọn làn điệu bài bản từ hai điệu hát cổ một bài nằm trong hệ thống hát xoan và một là dân ca cổ ở khu vực đất Tổ vua Hùng. Ngoài ra, bài hát còn khai thác những câu đồng dao “Chi chi chành chành” quen thuộc, cùng với đó là sự kết hợp khá nhuyễn với rap tạo nên những âm hưởng vừa mới vừa quen với người nghe.
Trước đó, phải kể tới những sản phẩm của Hoàng Thùy Linh như “Để Mị nói cho mà nghe” ra mắt thời điểm năm 2019 và nhiều ca khúc khác cũng của nữ ca sĩ này như: “Tứ phủ”, “Bánh trôi nước”, “Kẻ cắp gặp bà già”, “Gieo quẻ”... đã tạo được thành công bất ngờ và sự đón nhận nồng nhiệt từ khán giả.
Nhiều nghệ sĩ khác như Sao Mai Sèng Hoàng Mỹ Lam ra mắt loạt sản phẩm mang đặc trưng Tây Bắc, Sao Mai Quách Mai Thy ra mắt các sản phẩm mang màu sắc đồng bằng Bắc bộ và nhiều cái tên trong làng giải trí như: Bích Phương, Yến Lê, Đức Phúc... cũng có những sản phẩm khai thác chất liệu dân gian, truyền thống dân tộc. Điều đó có tác động chung đến giới trẻ hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc đã tạo nên những sản phẩm vừa bắt tai lại vừa đậm đà màu sắc dân tộc.
Tất nhiên, chất liệu dân gian thì các thế hệ tiền bối cũng đã khai thác và tạo những dấu ấn vững chắc góp phần vào sự phong phú cho ca khúc Việt Nam nói riêng, âm nhạc Việt Nam nói chung.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của xu hướng khai thác chất liệu dân gian vào sản phẩm âm nhạc dành cho thế hệ trẻ như hiện nay vẫn là tín hiệu vui là điều cần thiết cho sự phát triển và nối dài truyền thống mà thế hệ cha anh đã đặt nền móng. Một mặt khác, việc khai thác chất liệu truyền thống trong giới trẻ khá đa dạng, từ âm nhạc dân tộc các vùng miền cho đến ca dao, tục ngữ, văn học dân tộc tới văn hóa dân gian... Điều đó cho thấy sự phong phú trong cách khai thác.
Việc khai thác chất liệu dân gian vào các ca khúc dành cho thế hệ Gen Z có sự khác biệt so với cách khai thác của các nhạc sĩ thế hệ cha anh ở đặc điểm chất dân gian không đậm đặc bằng.
Trong khi, nó lại được pha trộn, kết hợp hài hòa với xu hướng âm nhạc đang thịnh hành trong giới trẻ Việt Nam cũng như khu vực và thế giới. Điều đó tạo nên sự tương đồng với âm nhạc của giới trẻ nói chung hiện nay, đồng thời tạo nên những nét riêng không trộn lẫn trong âm nhạc đại chúng dành cho giới trẻ Việt Nam. Xu hướng này cần được khuyến khích và phát huy ngay ở thời điểm hiện tại và trong tương lai.