Trước bối cảnh đà lây nhiễm Covid-19 tại châu Âu đã tăng trở lại sau 6 tuần giảm tốc liên tục, Liên minh châu Âu (EU) đang tìm mọi giải pháp để bảo vệ sức khỏe người dân, tăng cường khả năng chống dịch, trong đó, kiểm soát xuất khẩu vaccine là một biện pháp đang được khối này thúc đẩy.
Kiểm soát
Hiện Ủy ban châu Âu (EC) đang có kế hoạch gia hạn Cơ chế minh bạch và kiểm soát xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19 sau khi chính thức hết hiệu lực vào ngày 31/3 tới. Thời gian gia hạn dự kiến kéo dài tới cuối tháng 6 và có thể sẽ gây ra những phản ứng trái chiều giữa các nước trong và ngoài Liên minh châu Âu (EU).
Trên thực tế, ngày 4/3, Italy trở thành quốc gia đầu tiên trong EU sử dụng cơ chế cấm xuất khẩu vaccine của khối này để ngăn lô hàng 250.000 liều vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca được sản xuất tại Italy xuất khẩu sang Australia.
Trong thông cáo được đưa ra sau khi ra lệnh cấm xuất khẩu 250.000 liều vaccine của Hãng dược phẩm AstraZeneca, Bộ Ngoại giao Italy cho biết, quyết định này được đưa ra “do việc thiếu hụt vaccine thường xuyên tại Italy và EU, sự chậm trễ của Hãng dược AstraZeneca trong việc giao hàng cho Italy và EU cũng như số lượng lớn liều vaccine mà Hãng này muốn xuất khẩu”.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Italy cũng cho biết “Australia không được coi là quốc gia đang gặp nhiều khó khăn”.
Đây là lần đầu tiên một quốc gia trong EU sử dụng cơ chế cấm xuất khẩu vaccine do Ủy ban châu Âu đưa ra nhằm cấm xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19 được sản xuất trong lãnh thổ EU. Cơ chế cấm này chủ yếu nhằm vào Hãng dược phẩm AstraZeneca bởi thời gian qua EU và Hãng dược phẩm này đã có những tranh cãi gay gắt khi AstraZeneca cho biết chỉ có thể cung cấp được 40 triệu liều vaccine cho EU trong quý 1/2021, dù trước đó đã cam kết sẽ cung cấp 120 triệu liều.
Một quan chức trong khối cho biết, EC không phản đối quyết định của Italy và coi cơ chế kiểm soát xuất khẩu vaccine là cách thức “tự vệ chính đáng” của EU trước những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 cũng như tình trạng khan hiếm vaccine hiện nay.
Tuy nhiên, nhiều nước bên ngoài EU đang phản đối cơ chế này. Tại phiên họp Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vừa kết thúc, một số nước cho rằng EU đang “phát tín hiệu xấu” trong cuộc chiến vaccine, đồng thời kêu gọi EU chấm dứt cơ chế kiểm soát này.
Nguyên nhân
Sau hơn 3 tháng triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19, các nước EU đang có dấu hiệu rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine, khiến chỉ có khoảng trên 10% dân số EU được tiêm vaccine, trong khi con số này tại Anh là trên 30%.
Ngoài việc thiếu hụt nguồn cung vaccine, sự chậm trễ trong việc phê duyệt các loại vaccine mới, chiến lược tiêm vaccine trong tổng thể EU cũng đang bị chỉ trích gay gắt vì sự thiếu đồng bộ và truyền thông thất bại.
Tại các nước như Đức, Pháp, đa số người dân không tin tưởng vaccine của Hãng dược AstraZeneca nên đến đầu tháng 3/2021, có đến gần 2/3 số vaccine của AstraZeneca tại Đức và Pháp chưa được sử dụng. Chính quyền Pháp và Đức trước đó cũng từng ra khuyến cáo không tiêm vaccine AstraZeneca cho người trên 65 tuổi.
Tuy nhiên, sau khi có các kết quả khả quan tại Anh và Scotland, các nước Pháp, Đức, Bỉ đã thay đổi quyết định. Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel cho biết nước này sẽ sớm cho phép tiêm vaccine AstraZeneca cho những người cao tuổi.
“Có rất nhiều khả năng nhóm chuyên gia về sử dụng vaccine tại Đức sẽ phê chuẩn vaccine của AstraZeneca cho các nhóm người cao tuổi hơn và chúng tôi sẽ vui vẻ tuân theo chỉ dẫn đó. Các nghiên cứu mới nhất đã đưa ra bằng chứng cho việc này” - Thủ tướng Angela Merkel nói.
Hành động đơn lẻ và nguy cơ rạn nứt
Trước sự chậm trễ và bị động của Ủy ban châu Âu, một số nước thành viên EU đã đơn phương hành động. Các nước như Hungary, CH Czech đã cho sử dụng vaccine Sputnik V của Nga dù loại vaccine này mới chính thức được Cơ quan dược phẩm châu Âu tiến hành nghiên cứu để phê duyệt từ ngày 4/3. Hai nước Đan Mạch và Áo đã bắt tay với Israel để nghiên cứu, sản xuất vaccine mới.
Trong khi đó, việc Chính phủ Slovakia nhận 2 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga hồi đầu tuần đã khiến liên minh chính phủ Slovakia đối mặt với nguy cơ sụp đổ.
Trước tình thế này, ngày 5/3, các nhà sản xuất vaccine Sputnik V của Nga cho biết, sẽ sẵn sàng hủy hợp đồng cung cấp 2 triệu liều vaccine đã ký với Slovakia vô điều kiện nếu hợp đồng này có thể gây bất lợi cho liên minh chính phủ Slovakia.
Xác nhận điều này, Thủ tướng Slovakia Igor Matovic cho biết, các nhà cung cấp vaccine của Nga đã đề nghị với ông rằng, trong tình huống hợp đồng vaccine với Nga trở thành lý do khiến liên minh chính phủ Slovakia có nguy cơ sụp đổ, phía Nga sẵn sàng hủy bỏ toàn bộ thỏa thuận mà không yêu cầu bất kỳ sự bồi thường nào.
Sự việc bắt nguồn từ một video trên Facebook của Thủ tướng Matovic, trong đó, ông xin lỗi các đối tác trong liên minh vì đã quyết định ký hợp đồng mua vaccine với Nga sau lưng họ. Tuy nhiên, ông Matovic vẫn cho rằng, hành động của mình là hợp lý. Bởi với tư cách là Thủ tướng, ông có trách nhiệm quyết định mọi việc trong khả năng để cứu sống và bảo vệ sức khỏe của người dân.
Đại diện các đối tác liên minh cho rằng, việc nhập khẩu một loại vaccine vẫn chưa được phê duyệt bởi Cơ quan Dược phẩm châu Âu là một sự rủi ro và nó coi thường hệ thống tiêm chủng ở Slovakia. Bộ trưởng Ngoại giao Slovakia Ivan Korcok thậm chí còn cho rằng, việc chuyển giao vaccine Sputnik V của Nga cho Slovakia là có mục đích chính trị.
Những diễn biến trên diễn ra trong bối cảnh Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, đà lây nhiễm Covid-19 tại châu Âu đã tăng trở lại sau 6 tuần giảm tốc liên tục. Giới chức ghi nhận đà tăng mới ở Trung Âu và Đông Âu, trong khi nhiều nước Tây Âu vốn có tỷ lệ lây nhiễm cao cũng đang chứng kiến xu hướng tương tự.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khu vực châu Âu gồm 53 quốc gia thành viên, trong đó 45 nước đã triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19. Thống kê của AFP cho thấy 2,6% dân số Liên minh châu Âu đã được tiêm đủ hai liều vaccine, trong khi 5,4% người dân nhận được một liều.
Moldova ngày 4/3 đã tiếp nhận lô vaccine Covid-19 đầu tiên được phân phối thông qua nền tảng COVAX và trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên nhận được vaccine miễn phí thông qua cơ chế này. Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Sandu cũng gửi lời cảm ơn các quốc gia và tổ chức quốc tế đã tài trợ cho sáng kiến COVAX.