Đã qua tuần đầu tháng 7 nhưng nhiệt độ tại các quốc gia châu Âu vẫn tiếp tục chạm mốc kỷ lục, nắng nóng và cháy rừng đang hoành hành nhiều nơi.
Một khảo sát được hãng tin Bloomberg thực hiện cho rằng Hy Lạp, Tây Ban Nha và Italy là 3 quốc gia thuộc EU sẽ phải trải qua mùa hè nóng nhất trong tháng 7. Trong khi đó, lượng mưa tiếp tục giảm, kể cả với Đức, Pháp và Anh.
Trước đó, tháng 6, cháy rừng đã bùng phát tại nhiều nơi ở khắp Hy Lạp, khi nhiệt độ tăng vượt quá 40 độ C. Chưa hết, giới chuyên gia thời tiết tiếp tục cảnh báo tuần thứ hai của tháng 7, các hòn đảo nổi tiếng khu vực Santorini và Mykonos lẫn Thủ đô Athens có nguy cơ cao xảy ra thêm nhiều vụ cháy rừng. Hy Lạp là nơi nhiều du khách quốc tế chọn lựa ghé lại vào mùa hè. Du lịch đóng góp 41 tỷ USD, chiếm gần 20% nền kinh tế đất nước này. Chính vì thế, với cái nóng gay gắt và liên tiếp các vụ cháy rừng, Hy Lạp lo ngại năm nay sẽ là một mùa hè du lịch thất bát.
Christos Efstratiou - Phó Thống đốc quần đảo Dodecanese (nhóm gồm 12 đảo lớn và 150 đảo nhỏ thuộc chủ quyền của Hy Lạp tại biển Aegea) cho biết, khi đám cháy rừng lan đến ngôi làng ven biển Kardamaina trong đêm, cư dân đã trú ẩn tại một trung tâm thể thao và một số địa điểm khác. Thời tiết ngày càng khô nóng hơn và nhiều gió hơn đã làm tăng tần suất và cường độ của các trận cháy rừng.
Trên đảo Chios, chính quyền đã phải bố trí 170 lính cứu hỏa thường trực với đầy đủ thiết bị chuyên dụng và 10 máy bay trực thăng nhằm thả những quả bom nước xuống để dập lửa. Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã gọi mùa hè 2024 là một mùa hè nguy hiểm.
Trong khi đó, Ủy ban Du lịch châu Âu (ETC) cũng đưa ra dự đoán tương lai du khách sẽ ghé thăm châu Âu ít hơn, nếu như tiểu lục địa này tiếp tục nóng lên.
Hãng hàng không Air France cũng đưa ra cảnh báo Thế vận hội Olympic có thể thiệt hại hơn 200 triệu USD do giảm lượng khách đến Paris trong mùa hè, cũng bởi nắng nóng. Trên thực tế, tháng 6 năm nay, du khách quốc tế đến Paris giảm 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái và tính chung các khách sạn giảm 15% doanh thu.
Còn với Matxcơva, thủ đô nước Nga cũng đã phải hứng chịu đợt nắng nóng chưa từng thấy trong hơn một thế kỷ. Cơ quan giám sát thời tiết Rosgidromet của Nga cho biết nhiệt độ ở Moskva trong ngày 3/7 đạt 32,5 độ C; xô đổ mức nhiệt kỷ lục được thiết lập vào năm 1917. Trong khi nền nhiệt độ thông thường trong tháng 6 hàng năm ở Nga từ 13 - 15 độ C.
Không chỉ với Matxcơva, sóng nhiệt còn tấn công các khu vực phía nam và phía tây của Kursk, Belgorod và Voronezh. Tại Tây Siberia, nắng nóng đã phá vỡ các kỷ lục trong khoảng 50 năm qua.
Bà Natalia Kichanova - người đứng đầu cơ quan dự báo thời tiết thuộc Sở Khí tượng thủy văn và theo dõi môi trường Tây Siberia cho biết, một số khu vực, đặc biệt là các tỉnh Novosibirsk và Kemerovo, cùng với vùng Altai và Cộng hòa Altai, đã ghi nhận nhiệt độ vượt qua các kỷ lục được thiết lập vào những năm 1970 và 1980. Theo bà Kichanova, nguyên nhân dẫn đến nhiệt độ cao bất thường là do các khối không khí ấm di chuyển từ Trung Á, các vùng áp cao ở tầng đối lưu góp phần làm gia tăng nhiệt độ.
Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), châu Âu đang nóng lên nhanh gấp đôi mức trung bình toàn cầu. Trong tương lai, các đợt nắng nóng sẽ còn kéo dài với cường độ mạnh hơn. Đợt sóng nhiệt hồi tháng 7/2023 đã khiến khoảng 41% diện tích khu vực Nam Âu rơi vào tình trạng “stress nhiệt” ở mức mạnh, rất mạnh hoặc cực đoan. Khái niệm “stress nhiệt” để chỉ nhiệt gây ra đối với cơ thể con người, là nền nhiệt độ cao hơn mức cơ thể có thể bình thường chịu đựng.
Vẫn theo WMO, 23 trong số 30 đợt sóng nhiệt được coi là tồi tệ đã xảy ra ở châu Âu trong vòng 20 năm qua. Cùng thời gian, châu Âu ghi nhận số ca tử vong liên quan đến nắng nóng tăng khoảng 30%.
Nhà khoa học Rebecca Emerton thuộc Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của EU ước tính, thời tiết cực đoan ở châu Âu có thể gây thiệt hại khoảng 13,4 tỷ euro (14,3 tỷ USD) 1 năm.
Trong lúc nhiệt độ tăng cao, thì cũng tại châu Âu, nhiều quốc gia lại hứng chịu lũ lụt và lở đất. Chính quyền Ba Lan đã phải huy động các dịch vụ khẩn cấp khi các con đường và tầng hầm bị ngập lụt ở thị trấn Zakopane và các vùng lân cận. Lực lượng cứu hỏa Ba Lan đã được huy động tới hỗ trợ người dân ở nhiều nơi. Còn tại Áo, dông bão kèm theo mưa lớn tấn công các thành phố Waldkirchen và Rappolz gần biên giới với Cộng hòa Czech. Trong khi đó, tại Slovenia, những cơn bão bắt nguồn từ Italy đã tràn vào nước này trong tuần đầu của tháng 7. Mưa lớn cũng đã trút xuống Thụy Sĩ. Thung lũng du lịch Lavizzara phải hạn chế đón khách để tránh tai nạn do mưa lũ, sạt lở có thể xảy ra.