Trận động đất xảy ra hôm 8/9 đã gây ra sự tàn phá khủng khiếp ở Maroc, nơi số người chết và bị thương tiếp tục gia tăng khi các đội cứu hộ vẫn cố gắng tìm kiếm những người còn sống và đã chết trong những ngôi làng bị biến thành đống đổ nát.
Thiệt hại nặng nề
Các nhân viên thực thi pháp luật và cứu trợ - cả người Maroc và quốc tế - đã đến khu vực phía Nam thành phố Marrakech, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi trận động đất mạnh 6,8 độ Richter vào tối ngày 8/9 và một số dư chấn.
Tâm chấn của trận động đất nằm trên dãy núi Atlas, cách thành phố Marrakech thuộc tỉnh Al Haouz khoảng 72km về phía Tây Nam, nơi một số tòa nhà lịch sử ở thành phố cổ - Di sản Thế giới được UNESCO công nhận - bị hư hại. Trận động đất cũng gây thiệt hại lớn cho Nhà thờ Hồi giáo Tinmel có ý nghĩa lịch sử thế kỷ 12.
Theo tin tức được phát trên truyền hình nhà nước Maroc vào cuối ngày 11/9, số người chết đã tăng lên 2.862, trong khi 2.562 người khác bị thương. Do phần lớn vùng động đất nằm ở những khu vực khó tiếp cận nên chính quyền Maroc chưa đưa ra bất kỳ ước tính nào về số người mất tích.
Tại làng Tinmel, hầu hết mọi ngôi nhà đều bị nghiền nát và toàn bộ cộng đồng trở thành vô gia cư. Họ đã phải ngủ ngoài trời đến nay là 4 đêm từ khi trận động đất lịch sử xảy ra. Mùi hôi thối của xác chết từ hàng chục động vật bị chôn vùi dưới đống đổ nát lan khắp ngôi làng.
Đối với những cư dân như ông Hamid Idsalah - một hướng dẫn viên leo núi 72 tuổi đến từ Thung lũng Ouargane - không rõ tương lai sẽ ra sao, bởi công việc của ông Idsalah phụ thuộc vào khách du lịch trong nước và quốc tế đến thăm khu vực do nó gần với cả Marrakech và Toubkal, đỉnh núi cao nhất Bắc Phi và là điểm đến lý tưởng cho những người đam mê đi bộ đường dài và leo núi.
“Tôi không thể xây dựng lại ngôi nhà của mình. Tôi không biết mình sẽ làm gì. Tuy nhiên, tôi vẫn còn sống nên tôi sẽ đợi”, ông Idsalah nói khi các đội cứu đi qua con đường trải nhựa xuyên qua thung lũng vào cuối tuần trước.
Ông Mohammed - 50 tuổi, đến từ thị trấn Ouirgane - mất 4 thành viên của gia đình trong trận động đất. “Tôi cùng hai con đã thoát ra ngoài an toàn nhưng bị lạc mất những người còn lại. Nhà tôi không còn nữa” - ông Mohammed nói.
Theo ông Mohammed, hoạt động cứu hộ vẫn đang được tiếp tục. “Rất nhiều người đã được chuyển đến bệnh viện trước mặt tôi. Chúng tôi đang hy vọng vào điều kỳ diệu từ đống đổ nát” - ông Mohammed kể.
Trận động đất làm rung chuyển hầu hết Maroc và gây thương tích cũng như tử vong lớn. Trong số hơn 2.800 trường hợp tử vong được báo cáo, có 1.351 trường hợp tập trung ở Al Haouz, khu vực có dân số khoảng 570.000 người (theo điều tra dân số năm 2014 của Maroc). Những ngôi làng xây dựng trên sườn núi đều bị phá hủy.
Khẩn trương công tác cứu trợ
Các nhân viên cứu hộ khẩn cấp đã được triển khai đến các khu vực bị ảnh hưởng sau trận động đất. Chính quyền Maroc đã triển khai xe cứu thương, đội cứu hộ và binh lính tới khu vực để hỗ trợ các nỗ lực ứng phó khẩn cấp. Tuy nhiên, một quan chức chính phủ Maroc cho biết, những con đường dẫn đến các ngôi làng bị phá hủy đang khiến việc viện trợ đến một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trở nên khó khăn. Một số ngôi làng hẻo lánh dưới chân núi rất khó tiếp cận.
“Các nỗ lực cứu hộ cố gắng để tiếp cận những khu vực khó khăn. Trận động đất xảy ra ở các khu vực miền núi nằm rải rác về mặt địa lý và trong một số trường hợp rất khó tiếp cận những khu vực này”, quan chức này nói với CNN và cho biết, nhà chức trách đang sử dụng máy bay trực thăng để tiếp cận những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất và sử dụng máy móc để dọn đống đổ nát trên những con đường.
Hiện nay, chính phủ Maroc chưa đưa ra lời kêu gọi giúp đỡ rộng rãi và chỉ chấp nhận hỗ trợ hạn chế từ nước ngoài. Theo Bộ Nội vụ Maroc, họ đang chấp nhận viện trợ quốc tế tập trung vào tìm kiếm và cứu hộ từ Tây Ban Nha, Qatar, Anh và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: “Mỹ sẵn sàng cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết cho người dân Maroc”.
Các nỗ lực ứng phó khẩn cấp có thể sẽ tiếp tục khi các đội băng qua những con đường núi để đến những ngôi làng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi trận động đất. Nhiều cộng đồng đang thiếu lương thực, nước, điện và nơi ở. Nhưng một khi các đội cứu trợ và binh lính rời đi, hàng trăm ngàn người coi khu vực này là nhà của họ có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn hơn.
Trong và ngoài Marrakech, nhiều người dân đã phải trải qua những đêm ngủ trên đường phố vì họ sợ phải trở về nhà. Tại ngôi làng bị ảnh hưởng nặng nề Moulay Brahim, phía Nam Marrakech trên dãy núi Atlas, CNN tìm thấy một gia đình sống trong một lán trại dựng tạm trên một sân bóng đá. Chính quyền cho biết, phải một tuần nữa họ mới có thể về nhà.
CNN trích nguồn tin từ truyền thông Nhà nước Maroc M2 cho hay, tối 11/9, quân đội nước này đã đến Ighil - tâm chấn của trận động đất. Xe tải quân sự chở hàng viện trợ và binh sĩ cùng thiết bị đã tới thị trấn vài ngày sau khi trận động đất xảy ra. Theo một phóng viên của 2M, các binh sĩ đang lên núi để tiếp cận địa hình và một chiếc máy ủi đã có mặt tại hiện trường để dọn đống đổ nát chặn đường đến các ngôi làng khác.
Thành phố Ighil có dân số 5.000 người và nằm ở tỉnh Al Haouz, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi trận động đất, với ít nhất 1.400 người thiệt mạng. Video được chia sẻ trên phương tiện truyền thông nhà nước cho thấy rõ hình ảnh đống đổ nát từ những ngôi nhà và tòa nhà bị phá hủy, trong khi các phương tiện chở hàng viện trợ xếp hàng dài vào thị trấn. Một máy bay trực thăng quân sự đã thả hàng viện trợ xuống các ngôi làng trong thị trấn kể từ sau trận động đất.
Chính phủ Maroc cho biết, họ đã huy động mọi nguồn lực sẵn có để giải quyết hậu quả của trận động đất và kêu gọi người dân “tránh hoảng loạn”. Vua Mohammed VI của Maroc đã ra lệnh thành lập một ủy ban cứu trợ để phân phát viện trợ cho những người sống sót, bao gồm trẻ mồ côi và những người mất nhà cửa.
Nhà vua cũng tuyên bố 3 ngày quốc tang và ra lệnh cho các nhà thờ Hồi giáo trên toàn quốc tổ chức lễ tang, được gọi là lễ cầu nguyện “Janazah”, vào trưa ngày 10/9 cho những người thiệt mạng.
Hiện nay, Maroc đã chấp nhận lời đề nghị viện trợ từ Tây Ban Nha và Anh - cả hai đều gửi các chuyên gia tìm kiếm và cứu hộ cùng với chó đánh hơi - cũng như từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Qatar. Algeria cho biết, họ đã bố trí 3 máy bay để vận chuyển nhân viên cứu hộ và viện trợ. Truyền hình nhà nước cho biết, sau này Chính phủ Maroc có thể chấp nhận các đề nghị cứu trợ từ các nước khác.
Nhìn lại lịch sử
Trận động đất hôm 8/9 là trận động đất mạnh nhất ở Maroc trong hơn 1 thế kỷ qua, mặc dù những cơn địa chấn mạnh như vậy rất hiếm nhưng đây không phải là trận động đất nguy hiểm nhất ở đất nước này. Hơn 60 năm trước, Maroc đã rung chuyển bởi một trận động đất mạnh 5,8 độ richter khiến hơn 12.000 người thiệt mạng ở bờ biển phía Tây (thuộc thành phố Agadir) và phía Tây Nam Marrakech sụp đổ.
Trận động đất đó đã thúc đẩy những thay đổi trong quy định xây dựng ở Maroc, nhưng nhiều tòa nhà, đặc biệt là nhà ở nông thôn, không được xây dựng để chịu được những cơn chấn động như vậy.
Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ, chưa có bất kỳ trận động đất nào mạnh hơn 6 độ Richter trong bán kính 500km kể từ trận động đất hôm 8/9 trong ít nhất 1 thế kỷ. Bắc Maroc hứng chịu các trận động đất thường xuyên hơn, bao gồm các trận động đất có cường độ 6,4 độ Richter năm 2004 và 6,3 độ Richter năm 2016.
Ở những nơi khác trong năm nay, một trận động đất mạnh 7,8 độ Richter làm rung chuyển Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đã giết chết hơn 21.600 người.
Các trận động đất tàn khốc nhất trong lịch sử gần đây đều có cường độ trên 7 độ Richter, bao gồm trận động đất năm 2015 ở Nepal khiến hơn 8.800 người thiệt mạng và trận động đất năm 2008 khiến 87.500 người thiệt mạng ở Trung Quốc.