Bệnh nhân tiểu đường thường phải dùng thuốc uống kiểm soát đường huyết để giữ mức đường huyết ở mức an toàn. Tuy nhiên vẫn có những cách kiểm soát đường huyết không dùng thuốc vừa an toàn vừa hiệu quả trong mọi trường hợp.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội Tổng Quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
Để kiểm soát đường huyết tại nhà an toàn và hiệu quả, người bệnh nên áp dụng các biện pháp sau:
Uống nhiều nước hàng ngày
Trong cơ thể người bị đái tháo đường, lượng đường huyết tăng dẫn đến quá trình đào thải nước tiểu gia tăng với mục đích đưa lượng đường ra ngoài cơ thể. Lượng nước tiểu bài tiết ra ngoài nhiều có thể dẫn tới mất nước cơ thể.
Khi cơ thể bệnh nhân tiểu đường mất nước có thể dẫn đến tình trạng cô đặc máu, tăng nồng độ chất hòa tan gây khó khăn cho việc đào thải lượng đường thừa và các chất cặn bã khác, dẫn đến nguy cơ hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu máu và nhiễm toan ceton.
Trung bình một người khỏe mạnh cần uống từ 1,5-2,5 lít nước mỗi ngày. Đối với bệnh nhân đái tháo đường cần uống nhiều hơn để bù lại lượng nước bị mất đi. Việc bổ sung lượng nước giúp làm tăng lưu lượng máu, cải thiện tốc độ tuần hoàn ngoại vi, ngăn sự phát sinh và phát triển các biến chứng do bệnh đái tháo đường gây ra.
Bổ sung nhiều chất xơ
Nhiều nghiên cứu cho rằng nếu ăn nhiều chất xơ sẽ giúp đường huyết ổn định hơn. Chất xơ không tạo năng lượng, làm mau no, giúp làm chậm hấp thu các chất bột đường trong ruột, kích thích hoạt động co bóp của ruột và tiêu hóa các thức ăn khác.
Chất xơ thường có nhiều trong các loại rau lá xanh, củ quả, trái cây có vỏ, các loại đậu, khoai, gạo lứt...Theo khuyến cáo của Hiệp hội đái tháo đường thế giới, những người mắc bệnh đái tháo đường nên bổ sung ít nhất 25g chất xơ hàng ngày, điều này giúp insulin hoạt động tốt hơn và làm thức ăn chậm xuống ruột hơn, giúp đường máu sau ăn không tăng nhanh.
Nếu chưa có thói quen ăn chất xơ thì nên khởi đầu bằng lượng nhỏ, sau đó tăng dần lượng kết hợp với uống nhiều nước (ít nhất 1,5-2 lít mỗi ngày) sẽ giảm đầy bụng, khó tiêu, giảm chỉ số HbA1c ngăn ngừa các biến chứng của bệnh đái tháo đường.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Trong việc điều trị đái tháo đường thì chế độ ăn giữ vai trò rất quan trọng. Nhiều bệnh nhân thường trải qua tình trạng mức đường huyết tăng cao sau bữa ăn, do vậy cần đặc biệt lưu ý:
Chia nhỏ các bữa ăn, tốt nhất nên chia thành 3 bữa chính, 1-3 bữa phụ với lượng calo phân bổ trong các bữa ăn hợp lý.
Duy trì ăn đúng giờ và đều đặn giữa các bữa, không bỏ ăn ngay cả khi bệnh nặng hoặc không muốn ăn.
Giữ lượng tinh bột ổn định ( chiếm 50-60% nhu cầu) và phù hợp bằng cách thay thế thức ăn giàu chất bột đường (gạo trắng, bánh mì, xôi, mì tôm..) bằng cách chọn dùng thức ăn có chỉ số đường huyết thấp như gạo lứt, khoai sọ, khoai tây, ngũ cốc thô.
Không dùng đồ ăn, đồ uống có đường hóa học như nước ngọt có gas, bánh kẹo, bia rượu, sữa chế biến, trái cây đóng hộp...
Nên ưu tiên bổ sung trái cây (chín ươm),rau xanh để cung cấp vitamin. Tuy nhiên nên tránh các loại hoa quả chin, mềm có độ ngọt quá cao như: xoài, nhãn, sầu riêng...
Hạn chế tối đa chất béo từ động vật, thay thế bằng dầu thực vật như dầu olive, dầu đậu nành, dầu mè... nên hạn chế đồ chiên xào, độ béo cao.
Thường xuyên vận động, thể dục
Việc rèn luyện thể lực, vận động giúp gia tăng sức chịu đựng cho tim và điều hòa đường huyết tốt hơn. Tùy vào khả năng và thể trạng từng người mà bác sĩ khuyến nghị nên hoạt động thể dục, thể thao tối thiểu 30 phút/ngày.
Tập thể dục rất cần thiết cho bệnh nhân tiểu đường vì hoạt động này giúp cơ thể tiêu thụ glucose dễ dàng hơn, giảm lượng đường trong máu. Bệnh nhân có thể cân nhắc những bộ môn như: đi bộ, chạy chậm, đi xe đạp, bơi lội... tùy theo sở thích và khả năng của mình.
Kiểm soát tốt stress
Lượng đường huyết cũng bị tác động nếu có sự căng thẳng tâm lý, stress ở bệnh nhân đái tháo đường. Khi bị stress, cơ thể có xu hướng tăng tiết cortisol - 1 loại hormone đối kháng làm giảm nhạy insulin, dẫn tới đường huyết có xu hướng gia tăng.
Tình trạng stress cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi người bệnh, dẫn tới những thói quen có hại như: tiêu thụ cafe, thuốc lá, rượu bia, đồ ăn nhanh, ngại tập thể dục vận động... càng khiến cơ thể khó ổn định đường huyết hơn.
Bệnh nhân đái tháo đường nên có lối sống lạc quan, thư giãn, vui chơi, giải trí lành mạnh, tập thể dục thường xuyên hoặc thiền để giúp cân bằng tâm lý, cảm xúc tốt hơn.