Chỉ 60% đội xung kích diệt bọ gậy hoạt động hiệu quả

Đức Trân 25/08/2017 21:54

Chiều ngày 25/8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh đã có cuộc họp tại Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay: Tại Hà Nội, số bệnh nhân đang điều trị nội trú tại bệnh viện là 2.304 người, xu hướng giảm so với các tuần trước (tuần trước trung bình 2.700 bệnh nhân/ngày, tuần này trung bình 2.400 bệnh nhân/ngày). Từ ngày 1/1/2017 đến ngày 23/8/2017, Hà Nội ghi nhận 19.962 bệnh nhân mắc SXH, 7 trường hợp tử vong.

Ông Phu cho biết thêm: Trong 8 tháng đầu năm 2017, phát hiện 28 trường hợp nhiễm bệnh do virus Zika tại 7 tỉnh/thành phố trong tổng số 677 mẫu xét nghiệm, cao nhất là tại TP HCM với 18 trường hợp nhiễm.

Đối với bệnh tay chân miệng, cả nước ghi nhận 51.218 trường hợp mắc tại 63 tỉnh/thành phố, trong đó có 23.272 trường hợp nhập viện, không có trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số mắc tăng ở 3 khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên.

Tại cuộc họp, đại diện Sở Y tế Hà Nội thừa nhận vẫn còn nhiều thiếu sót trong công tác diệt bọ gậy như: số lượng đội xung kích còn thiếu so với quy định nên một đội xung kích phải phụ trách nhiều hộ gia đình; đã kiểm tra nhưng còn để sót ổ bọ gậy; số thành viên đội xung kích nhiều hơn quy định nhưng chưa phân công cụ thể hộ gia đình cần phụ trách, chưa nắm rõ nhiệm vụ cần phải làm...

Theo đánh giá độc lập của Đoàn chuyên gia thuộc Bộ Y tế cho thấy phun hóa chất và diệt bọ gậy chưa được triệt để: 10% nhà đóng cửa không tiếp cận được vào nhà, 35% các hộ gia đình không chấp nhận phun hết các tầng, tỷ lệ hộ chỉ cho phun tầng 1 còn cao khoảng 50-60%.

Mỗi đội phun chỉ có một người phun là không hợp lý, bởi khi chống dịch phải leo lên các tầng với thời gian lâu, do đó người phun dễ dẫn đến ngại leo sau khi đã thấm mệt (theo quy định mỗi đội phun phải gồm 02 cán bộ phun và 01 cán bộ kỹ thuật). Nhiều đội viên đội ngũ đội xung kích diệt bọ gậy sức khỏe chưa đáp ứng với yêu cầu công việc. Đặc biệt, 98% đội diệt bọ gậy đã hoạt động nhưng chỉ 60% đội xung kích diệt bọ gậy hoạt động có hiệu quả.

Lý giải lý do thời gian qua, nhiều người dân thắc mắc vì sao phun thuốc diệt muỗi rồi lại có muỗi xuất hiện, PGS.TS Trần Như Dương- Phó Giám đốc Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết: Theo khảo sát, đánh giá của các chuyên gia của Viện, về mặt virus học, không có sự đột biến hay thay đổi gì của virus so với năm 2016. Theo khảo sát 24 giờ sau khi phun thuốc diệt muỗi, 100% muỗi trưởng thành đều đã chết. Tuy nhiên, kiểm tra cho thấy, số bọ gậy, loăng quăng sau khi đã thực hiện các biện pháp tiêu diệt vẫn còn ở mức cao.

Vì vậy, PGS.TS Dương nhận định, diệt bọ gậy mới là vấn đề mang tính quyết định, sống còn để phòng, chống sốt xuất huyết.

Cán bộ phường bị hành hung khi đi phun thuốc diệt muỗi

Chiều 24/8, chị Lê Thị Toan cùng với các cán bộ UBND phường, cộng tác viên, cán bộ TTYT quận Cầu Giấy (Hà Nội) đi phun thuốc diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết tại tổ 4, ngõ 125 Nguyễn Ngọc Vũ.

Trong lúc mọi người ngồi nghỉ chờ pha thuốc và chị Toan đang tư vấn cho người dân quanh đấy phối hợp trong phòng chống dịch sốt xuất huyết thì một thanh niên xuất hiện và có lời nói khiếm nhã, hành hung một cán bộ UBND phường và chị Toan. Chị Toan đã bị thương ở miệng và phải khâu 5 mũi tại Bệnh viện Giao thông vận tải.

Ngay khi xảy ra vụ việc, TTYT quận đã báo cáo UBND quận, UBND phường. Hiện tại, Công an quận Cầu Giấy và phường Trung Hòa đang tiến hành điều tra để làm rõ.

Ngày 25/8, lãnh đạo Sở Y tế đã thăm hỏi, động viên chị Lê Thị Toan, nhân viên y tế phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy. Lãnh đạo Sở Y tế đã động viên chị Toan sớm ổn định sức khỏe, lấy lại tinh thần và tiếp tục tham gia công tác phòng chống dịch trên địa bàn, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Đ.Trân

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chỉ 60% đội xung kích diệt bọ gậy hoạt động hiệu quả