Quốc hội

Chỉ rõ trách nhiệm qua giám sát

H.Vũ 15/04/2024 07:05

Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023, đã giám sát trực tiếp tại các địa phương, và làm việc với các bộ, ngành. Vấn đề đặt ra sau giám sát chính là đưa ra các kiến nghị để tháo gỡ những vướng mắc, chỉ rõ trách nhiệm.

anh-bai-tren.jpg
Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết 43. Ảnh: Phạm Thắng.

Cùng chuyển động

Đoàn Giám sát của Quốc hội đã giám sát trực tiếp tại 10 tỉnh, thành phố; làm việc với 12 bộ, ngành, cơ quan; đồng thời làm việc với Chính phủ. Có thể khẳng định, việc ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022 là quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội trong bối cảnh tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.

Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 cho thấy, việc xây dựng, ban hành và chấp hành chính sách, pháp luật liên quan đến Nghị quyết 43 đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương chủ động, khẩn trương triển khai nghiêm túc, đúng thẩm quyền, đưa chính sách đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, đúng đối tượng, tránh trục lợi. Qua đó, đã góp phần không nhỏ hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và tạo nền tảng phát triển sau đại dịch Covid-19.

Sự chuyển động không chỉ đến từ Chính phủ, các bộ, ngành mà đã được các địa phương hưởng ứng vào cuộc triển khai mạnh mẽ góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) sớm vượt qua khó khăn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch.

Tại Hà Nội, năm 2022 đã có 12.186 DN được gia hạn thuế VAT là 6.966 tỷ đồng, gia hạn thuế thu nhập DN 5.702 tỷ đồng; 167 số hộ kinh doanh và người nộp thuế thu nhập cá nhân được gia hạn là 15 tỷ đồng; 1.162 đối tượng được gia hạn tiền thuê đất là 872 tỷ đồng. Đến năm 2023, có 17.002 DN, được gia hạn thuế VAT là 9.168 tỷ đồng, gia hạn thuế thu nhập DN là 5.082 tỷ đồng; 213 số hộ kinh doanh và cá nhân được gia hạn là 25 tỷ đồng; 2.060 người nộp thuế được gia hạn tiền thuê đất là 1.396 tỷ đồng.

Theo Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Vũ Duy Tuấn, về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, thành phố đã tiếp nhận, phê duyệt hồ sơ và tổ chức hỗ trợ tiền thuê nhà cho 429.454 lượt lao động của 13.908 đơn vị (bao gồm các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh) với số tiền 224,916 tỷ đồng.

Trong khi đó, tại Đồng Nai cũng đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm thực hiện Nghị quyết 43 và các nghị quyết của Quốc hội về các dự án quan trọng quốc gia như: sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 3 - TPHCM. Qua đó, từng bước phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống người dân.

Tương tự, tại tỉnh Sóc Trăng nhờ triển khai thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội thì tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đã có sự phục hồi và phát triển tích cực. Trong hai năm 2022-2023, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực. Tốc độ tăng trưởng GRDP có mức tăng trưởng cao, tăng lần lượt 7,79% và 5,77%; các khu vực kinh tế đều đạt mức tăng trưởng tốt: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,34% và 2,65% khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,10% và 7,38%, khu vực dịch vụ tăng 11,89% và 8,76%.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh, việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội đã góp phần hỗ trợ cho các DN khắc phục khó khăn, dần khôi phục và mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, góp phần đẩy nhanh việc triển khai các công trình hạ tầng giao thông kết nối quan trọng, như việc triển khai thực hiện xây dựng tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ cũng như của địa phương trong thời gian tới.

Nhanh chóng gỡ bất cập

Điều đáng nói là qua giám sát, Đoàn giám sát cũng thấy được những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện Nghị quyết 43. Ví như tại tỉnh Đồng Nai, những vướng mắc, bất cập một phần do chính sách pháp luật, phần do tổ chức thực hiện. Đến nay, kết quả thực hiện một số chính sách chưa như mong muốn, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, phát sinh nhiều khó khăn trong giảm thuế giá trị gia tăng, hộ kinh doanh nhỏ.

Đoàn giám sát cũng nhận thấy, nhìn chung 9/11 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 đều chậm khoảng một năm so với Nghị quyết của Quốc hội khi đưa vào vận hành có điều kiện; 2 dự án thành phần dự kiến trong quý II/2024 đưa vào khai thác. Bên cạnh đó, công tác lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng như báo cáo khả thi một số dự án, dự án thành phần còn chậm, chưa đảm bảo yêu cầu của Chính phủ, cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.

Từ những vấn đề trên, qua giám sát, Đoàn giám sát đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải cho biết rõ nguyên nhân và trách nhiệm khi tất cả các dự án thành phần đều chậm.

Đặc biệt, làm việc với Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước, Đoàn giám sát đề nghị cần phải đánh giá tổng quát hơn về việc tuân thủ pháp luật trong việc thực hiện Nghị quyết 43, như: phân bổ nguồn lực có đúng trật tự ưu tiên, nguyên tắc phân bổ hay không? Các dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình có đáp ứng yêu cầu về việc hấp thụ và vận hành ngay vào nền kinh tế hay không? Quy định pháp luật nào tạo ra lỗ hổng, sơ hở trong quá trình thực hiện?

Đã nhiều lần, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng chỉ rõ, thay vì hầu hết là hậu kiểm, các chuyên đề giám sát trong nhiệm kỳ này đã tập trung vào các nội dung đang trong quá trình thực hiện. Trong giám sát, nếu không cá thể hóa được trách nhiệm của tổ chức, cơ quan có liên quan thì sau này tình hình vẫn thế.

Chỉ rõ trách nhiệm sau mỗi cuộc giám sát đang là vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm. Hiện kết quả giám sát của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” đang được hoàn thiện, trình xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 32 (từ 15-22/4) trước khi trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 7.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chỉ rõ trách nhiệm qua giám sát