Chỉ sợ bay qua những thân thiết cuộc đời

NGUYỄN TRI THỨC 25/07/2023 15:28

Quen biết nhà báo - TS Nguyễn Tri Thức nhiều năm, từ hồi anh ở báo Lao động. Đã đọc ghi chép - phóng sự của anh, rồi sau này là đọc những bài viết thể thao, gần đây đọc những bài bình luận - phê phán…

Biết về một ngòi bút linh hoạt với sự hiểu sâu, biết kỹ ở nhiều lĩnh vực, đề tài. Nhưng khi cầm trên tay cuốn “Chỉ sợ bay qua những thân thiết cuộc đời” (NXB Thông tin và Truyền thông, 6/2023), tôi mới biết hóa ra không chỉ có vậy. Anh còn làm thơ và viết tản văn. Nếu những thể loại báo chí kia là nơi tác giả kể “chuyện người”, thì trong thơ và tản văn, những câu “chuyện mình” được hé lộ.

Xin giới thiệu tản văn “Hôi cá”, “Tàu chợ” và bài thơ được lấy là tựa đề chung của cuốn sách “Chỉ sợ bay qua những thân thiết cuộc đời” của nhà báo - TS Nguyễn Tri Thức. (N.T.B)

Hôi cá

Bìa cuốn sách mới của TS Nguyễn Tri Thức.

Tôi đoan chắc rằng, không nhiều người, nhất là những ai sinh từ thập niên 1980 trở lại đây, biết đến từ hôi cá, nói gì đến chứng kiến và trực tiếp tham gia vào việc này một cách say mê, háo hức. Điều ấy dễ hiểu thôi, bởi việc hôi cá đã chấm dứt từ lâu. Vả lại đời sống kinh tế của người dân cũng ngày một khấm khá, bữa ăn có cá không còn là nỗi lo thường trực hay niềm mong ước nữa. Nhưng ai đã từng đi hôi cá, hay chứng kiến thôi, cũng không thể nào quên được.

Đi hôi cá, những người ngồi trên bờ mắt chăm chú háo hức nhìn xuống dưới lòng đầm (thi thoảng có hồ, ao) hợp tác hay nhà ai đó thầu. Chỉ đợi lệnh “tháo khoán” được phát ra là mọi người ngồi đợi bốn xung quanh bờ nhào xuống, mang theo đủ cả giỏ, rổ, rá, xô, chậu, túi bóng các loại. Nhiều người từ lúc trên bờ đã chăm chú quan sát xem có con nào nấp dưới lớp bùn, vũng nước, hốc đất nào đó thì lập tức lao ngay đến chỗ đã định. Không ai bảo ai, nhưng cũng có nhiều người chăm chú thế gặp nhau, nên ai nhanh chân tay hơn thì bắt được con mồi. Tất nhiên, cũng có những con to lấp ở chỗ kín, thế mà nhà chủ cũng phát hiện ra, làm nhiều người trên bờ ngẩn ngơ tiếc rẻ buông những tiếng thở dài thườn thượt…

Vào dịp áp tết, những cái đầm to rộng thường được tát cạn để thu hoạch lấy tiền tiêu tết, trang trải nợ nần. Chủ đầm đoán chừng lượng nước, theo kinh nghiệm những năm trước rồi căn giờ đặt máy bơm dầu diesel chạy xình xịch. Có khi đến mấy ngày vì đầm rộng lắm. Khi gần cạn, máy bơm nước không thể hoạt động, cũng là lúc gầu dây, gầu sòng được bắc lên để người dân tát tay. Dù thế nào thì chủ đầm cũng căn giờ để làm sao đến tờ mờ sáng thì nước cạn, lái buôn thu mua còn lại bao nhiêu mang ra chợ bán cho kịp.

Chủ đầm tính toán thế, người đi hôi cá cũng chủ đích canh đến khi đầm gần cạn thì lục tục kéo đến. Cũng có người, nhất là bọn trẻ, háo hức đến sớm để chứng kiến không khí sôi động, ồn ã tiếng nói cười, bàn tán. Và quan trọng nhất là được thấy lúc đầm dần cạn, cá tôm các loại tụ về từng vũng, quẫy nhảy rộn ràng, tung tóe. Nhiều nhất chỉ là cá trắm đen, cá mè, cá chép, cá trôi. Những lúc ấy, các chủ đầm cũng có thể đã ước được vụ cá năm đó thắng hay thua. Gương mặt mỗi người vì thế cũng biểu lộ rõ rệt, hoặc tươi vui phấn khởi hoặc ỉu xìu buồn thiu.

Rồi việc của chủ đầm cũng hết. Ấy là lúc những người đi hôi cá tràn xuống đầm. Ai cũng cật lực đi đi lại lại, mò mò bới bới. Ai đó còn đè cả người lên để giữ những con cá to sót lại, cũng là để người khác không phát hiện ra. Không ít người bị những chú cá rô già vây sắc nhọn hay chú cá trê ngạnh sắc vẫy vùng làm chảy máu. Đau nhói nhưng quyết không buông tay…

Một lát quần thảo với đáy đầm, ai nấy bùn đất lấm lem cả đầu, cả mặt. Tanh nồng, nhưng không ai bỏ cuộc, trái lại rất hào hứng, háo hức, hăm hở kiếm tìm được bất cứ thứ gì có thể về nhà làm bữa tươi hôm đó, thậm chí cả mấy ngày sau. Là hôi cá, nhưng thực ra bất kể con gì có thể ăn được mọi người cũng đều bắt hết, từ cua, tôm, cá các loại đến chạch, trai, ốc, ếch, hến… Thời buổi khó khăn, cơm độn ngô, khoai, sắn còn không đủ no, nữa là có thêm thức ăn tươi “miễn phí”. Nên hôi cá không chỉ vui, mà còn để cải thiện bữa ăn, đỡ đần chi tiêu cho nhiều gia đình trong vài ngày chứ ít đâu…

Chẳng biết có phải vì thế không mà ký ức hôi cá dù đã ngái xa vẫn cứ thản nhiên xuất hiện mỗi khi đi qua đầm, qua chợ thấy hàng cá…

Tàu chợ

Nhà tôi nằm sát đường tàu, cách đó không xa là ga xép nhỏ bé, vắng lặng, buồn hiu hầu như cả ngày. Chỉ những khi có tàu, nhà ga mới huyên náo tiếng người í ới gọi nhau, thúc giục công việc. Cả những tiếng hò hét, chửi thề. Vì vội vã. Vì lo sợ không kịp tàu, nhỡ hàng, nhỡ chuyến...

Ga xép, chỉ có tàu hàng và tàu chợ đỗ vài phút rồi tất bật ngược xuôi. Những người đi tàu còn tất bật hơn vạn lần con tàu chỉ biết theo hiệu lệnh, thời gian rồi hú còi dừng lại, rời đi trong chốc lát. Khách đi tàu chợ chủ yếu là bà con nông dân, những tiểu thương buôn bán nông sản. Đủ các loại rau, củ, quả, lúa, gạo, thậm chí cả gia súc, gia cầm... cũng đều được bà con nông dân, người đi buôn mang đến ga, đưa lên tàu để chuyển tới những miền quê nơi núi rừng 2 tỉnh Yên Bái, Lào Cai rồi tỏa đi khắp các làng quê chật vật thiếu thốn đủ đường.

Người dân quê tôi nhớ như in khi qua ga Hướng Lại tàu sẽ dừng ở các ga Bạch Hạc, Việt Trì, Phủ Đức, Tiên Kiên, Phú Thọ, Chí Chủ, Vũ Ẻn, Ấm Thượng, Đoan Thượng, Văn Phú, Yên Bái, Cổ Phúc, Ngòi Hóp, Mậu A, Mậu Đông, Trái Hút, Lâm Giang, Lang Khay, Lang Thíp, Bảo Hà... Nhiều ga mang tên địa danh mà nhà ga đứng chân. Tôi không rõ ga Hướng Lại quê tôi mang ý nghĩa gì, hỏi thì cũng không có được thông tin thêm, chỉ biết đó là một nhà ga xe lửa tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, là một điểm của tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai và nối giữa ga Vĩnh Yên và ga Bạch Hạc.

Nhưng tôi chắc sẽ nhớ mãi một lần được các chị gái cho đi tàu chợ, như một sự khen thưởng vì thành tích học tập, vì ngoan ngoãn. Nhà tôi bố mẹ đều là công chức, nhưng lương “ba cọc ba đồng” không đủ nuôi sống cả nhà, nên mọi công việc đồng áng mẹ và chị em tôi đều thạo, kể cả buôn ngược bán xuôi.

Lần đầu được đi tàu, sự háo hức hiển hiện. Tôi cứ như cái đuôi bám nhằng nhẵng các chị. Không rời nửa bước, mặc cho các chị túi bụi, tất bật, khó nhọc khuân khuân, vác vác những bao tải gạo nặng trĩu vần lên tàu để mang bán trên miền núi. Lên tàu, dù chỉ được đứng một chân, chen vai thích cánh, nhưng tôi vô cùng háo hức ngó nghiêng, nghe ngóng, dõi mắt nhìn phía làng quê tĩnh mịch, tối om leo lét ánh đèn dầu. Các chị thì lo ngay ngáy giữ các bao tải, có bao phải buộc vào thanh nắm cửa lên xuống tàu. Rồi tàu chợ cũng nhọc nhằn đến ga Yên Bái.

Tôi lẽo đẽo theo các chị mua bán. Ai cũng vội vã, hối hả, khuôn mặt vàng vọt dưới ánh điện leo lét. Sự nhọc nhằn, khắc khổ, lam lũ bao trùm. Bán hết hàng, các chị tôi cũng như mọi người, mua khoai, sắn, gia cầm... ở miền ngược mang về bán ở chợ quê. Khi về, vẫn tàu chợ. Vẫn chen chúc, vội vàng. Tôi còn nhớ thêm một điều rất sâu nặng rằng, các chị tôi bị người xấu dọc đường cắt mất bao tải sắn. Vậy là bao công sức, mồ hôi kiếm lời lãi được mấy đồng đã thâm hụt. Mắt các chị đỏ hoe vì tiếc của.

Sau này, tôi cũng nhiều lần đi tàu chợ, nhưng là đi ngược tuyến thời tuổi thơ duy nhất một lần được các chị cho “bám đuôi”, để xuống Hà Nội học. Tàu chợ giá vé rẻ đã đành, nhưng có lúc cũng phải đánh đu theo một số người leo lên nóc tàu, qua khỏi ga khi tàu còn đang chậm rề xuất phát, để hồi hộp, liều lĩnh nhảy tàu trốn vé vì bần cùng không một xu dính túi...

Bây giờ, tàu chợ vẫn còn. Nhà tôi vẫn ở sát đường tàu. Thi thoảng, tôi cũng tản bộ ra xem tàu chợ, nhưng không còn đông đúc, chật ních người và hàng nữa. Không còn những bao tải lúa, ngô, khoai, sắn... treo lủng lẳng ở các cửa tàu và người đi chợ tháo xuống khi tàu sắp vào ga. Vừa cho kịp giờ, cũng là vừa trốn cước hàng hóa. Đồng tiền không dễ kiếm khiến con người ta đôi khi cũng phải “đánh mất mình” như thế...

Thời bao cấp, chả riêng gì tàu chợ, phương tiện giao thông nào cũng hiếm hoi, ít ỏi, cũng như nêm người, nêm đồ đạc, hàng hóa. Cũng đều những phận người tất bật, nhếch nhác, lo toan. Ngoảnh lại, thấy sự đổi thay là rất lớn, rất nhanh. Chả mấy chốc, tôi cũng đến khi nghỉ chế độ, về với quê hương, với đường tàu. Và nhớ về những chuyến tàu chợ xưa với biết bao cảm xúc, sự biết ơn...

Chỉ sợ bay qua những thân thiết cuộc đời

Tôi đã bay qua biết bao vùng trời khắp năm châu bốn biển

ban ngày, ban đêm, lúc ngủ, khi mơ

những mệt mỏi, âu lo nối chuyến đợi chờ...

Tôi đã bay qua biết bao vùng trời khắp năm châu bốn biển

nghe nhạc, xem phim, điện tử, hoạt hình

như biết bao khuôn mặt lạ quen chật chội bên mình

có lúc nào bất chợt đinh ninh

vợi cao khung trời trong xanh bên ngoài có gì hứng thú

lạ quen bên mình có số phận nào đáng nhớ

có điều gì trăn trở, bất ổn vu vơ

có nỗi gì tỉnh thức giữa tầng không...

Tôi đã bay qua biết bao những dòng sông

một đích đến cuối cùng chỉ là rộng sâu biển cả

dẫu ngắn dài khúc khuỷu gần xa...

Tôi đã bay qua biết bao đất nước đủ màu da

dân tộc nào cũng cầu mong khát khao hạnh phúc

dẫu giàu sang, nghèo đói hay tao loạn chiến tranh...

Tôi đã bay qua biết bao những khúc quanh

nhìn trên bản đồ bay dẫu ngắn nhưng thấy rõ

dưới Trái đất là gì hẳn nhiên mờ tỏ

là quan tâm, hiểu biết hay thờ ơ

vì có ai chuẩn xác suốt bao giờ

như bàn tay tôi muốn mà không thể nắm mãi...

Tôi đã bay qua những âu lo, sợ hãi

những quốc gia hay số phận mỗi con người...

Tôi đã bay khắp góc bể chân trời

chưa khi nào không nghĩ về quê mẹ

chưa khi nào thôi nghĩ về gia đình nhỏ bé

về những gì mình đang mến yêu

biết đủ ở đâu giới hạn của bao điều...

Tôi đã bay qua những làng mạc đồng quê sớm hay chiều

bao phố thị cả bốn bể năm châu trù phú hay tiêu điều

những dân tộc khác màu da, số phận, gia đình...

Tôi đã bay ngắn dài khắp hành tinh

chuyến bay nào cả trong mơ cũng thường trực

chỉ sợ có khi nào mình chợt vô thức

chỉ sợ bay qua những thân thiết cuộc đời...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chỉ sợ bay qua những thân thiết cuộc đời

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO