Với khả năng “biết tuốt”, nói chuyện như người thật, có thể soạn một giáo án chỉ trong 6 phút, ChatGPT khiến nhiều người bày tỏ lo ngại về những tác động tiêu cực với ngành giáo dục.
Vị trí người thầy có bị thay thế?
ChatGPT nhanh chóng thu hút sự chú ý trên toàn cầu từ đầu tháng 12 năm ngoái với hơn 1 triệu người đăng ký chỉ sau một tuần. Sau 2 tháng ra mắt, ChatGPT tiếp tục gây bão khi thông báo cán mốc 100 triệu người dùng chỉ sau 2 tháng ra mắt, trong khi đó, TikTok mất 9 tháng, Intagram mất 2 năm.
ChatGPT là sản phẩm của Công ty khởi nghiệp OpenAI (Mỹ), chuyên nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo. Với khả năng cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc, hàng triệu người dùng đã thích thú trải nghiệm công cụ này.
Thay vì mất nhiều giờ làm việc để soạn giáo án thì ChatGPT chỉ mất 6 phút. Đây là con số khiến nhiều giáo viên, chuyên gia giáo dục bất ngờ khi trải nghiệm ứng dụng này.
Bên cạnh những lợi ích mà ChatGPT mang lại, nhiều người đang lo ngại về việc ChatGPT sẽ thay thế vị trí của người thầy.
Đánh giá về ChatGPT, ông Ngô Văn Hiển - Trưởng phòng GDĐT huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn cho rằng, ChatGPT ra đời sẽ là trợ thủ giúp thúc đẩy giáo viên cập nhật, ứng dụng công nghệ sáng tạo trong bài giảng để tạo sự hấp dẫn, hứng thú cho học sinh, đồng thời hỗ trợ, rèn luyện chuyên môn tốt hơn.
Tuy nhiên, ông Hiển khẳng định, công nghệ này không thể thay thế vị trí, vai trò của người thầy trong việc giáo dục học sinh.
Sở dĩ ông Hiển khẳng định như vậy bởi đặc thù học sinh nơi ông đang công tác là học sinh miền núi. Khi mới đến trường, nhiều em nói tiếng phổ thông chưa rõ, đôi khi các em còn nói bằng tiếng dân tộc.
Lúc này, thầy cô chính là người hướng dẫn, dạy các em cách giao tiếp tiếng phổ thông, giúp các em hòa đồng, tham gia các hoạt động giáo dục… Để truyền tải tốt bài giảng, cô giáo còn phải dạy song ngữ là tiếng phổ thông và tiếng dân tộc.
Mặt khác, theo ông Hiển, việc tiếp xúc công nghệ của học sinh miền núi cũng còn nhiều hạn chế, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng đủ. Nhiều thầy cô có tuổi ít được tiếp xúc với công nghệ, có tư duy ngại đổi mới cũng phần nào khó khăn trong khai thác và sử dụng ứng dụng này.
“Giáo dục là ngành đặc biệt, liên quan đến hình thành năng lực, phẩm chất, kỹ năng của con người. Do đó, một cỗ máy hay công nghệ vô tri vô giác không thể dạy được vai trò của người thầy”, ông Hiển cho hay.
Khả năng “biết tuốt” tiềm ẩn nhiều rủi ro
Phân tích về lợi ích và nguy cơ từ ChatGPT, thầy Ngô Huy Tâm, chuyên gia giáo dục, Chủ nhiệm chương trình quốc tế Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa cho rằng, với lĩnh vực giáo dục, ChatGPT có thể trở thành trợ thủ đắc lực cho cả giáo viên và học sinh nếu được tận dụng đúng cách, đúng mục đích.
ChatGPT có thể hỗ trợ người học đưa ra các câu trả lời nhanh chóng với độ chính xác cao, giúp giảm tải khối lượng kiến thức cần phải ghi nhớ hay thuộc lòng. Thay vào đó, người học có thể tập trung vào các mục tiêu giáo dục ở cấp nhận thức cao hơn là tổng hợp, phân tích, đánh giá và sáng tạo.
Ngoài ra, ChatGPT được đào tạo bằng máy học để có thể giúp học sinh, sinh viên cải thiện kỹ năng viết. Một trong những tiềm năng đột phá của ChatGPT về quy trình viết học thuật là có thể giúp học sinh, sinh viên lên cấu trúc và hình thành ý tưởng cũng như suy nghĩ của mình.
Tuy nhiên, thầy Tâm cho rằng, khả năng “biết tuốt” của ChatGPT cũng tiềm ấn nhiều rủi ro mà nó mang lại một khi ứng dụng này được phổ biến rộng rãi. Đầu tiên là tính chính xác của thông tin.
Theo thầy Tâm, dù là cỗ máy thông minh nhưng ChatGPT không có khả năng sao chép kỹ năng phân tích, phản biện của một người thật. Bên cạnh đó, cơ chế đưa ra các câu trả lời của ChatGPT nằm ở 175 tỷ tham số và việc xử lý hàng tỷ từ chỉ trong một giây để có thể đưa ra câu trả lời tối ưu nhất, với xác suất chính xác cao nhất.
Vì thế chất lượng câu trả lời và độ chính xác mà ChatGPT đưa ra phụ thuộc vào chất lượng của hệ thống dữ liệu đầu vào. Trong bối cảnh tin giả xuất hiện ngày càng nhiều, việc học sinh, sinh viên phụ thuộc hay sao chép hoàn toàn từ ChatGPT sẽ đưa các em đến nguy cơ hiểu sai, hiểu nhầm kiến thức và sự thật.
Thầy Tâm cũng bày tỏ lo ngại về sự ảnh hưởng tiêu cực đến các kỹ năng tư duy của học sinh, sinh viên.
“Dù với khả năng ưu việt của mình, ChatGPT vẫn chỉ là một “cỗ máy” vô tri và không thể sao chép được các kỹ năng phân tích, phản biện của một người thực. Do đó, nó có thể đưa ra các gợi ý để cải thiện bài viết và câu trả lời, nhưng không thể thay thế được người học ở khả năng phân tích sâu sắc hay phản biện”, thầy Tâm phân tích.