Chính phủ xin giảm tổng mức đầu tư Dự án thu hồi đất, bồi thường sân bay Long Thành xuống còn 19.207,504 tỷ đồng

Việt Thắng 28/09/2023 18:35

Chiều 28/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Tại phiên họp, trình bày tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành có mục tiêu thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để có mặt bằng “sạch” giao Chủ đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đúng tiến độ.

Về phạm vi dự án, thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên các phần diện tích thuộc địa bàn huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai gồm: Đất xây dựng Cảng hàng không là 5.000 ha; Đất xây dựng 2 khu tái định cư là 364,21 ha, trong đó đất khu dân cư, tái định cư Lộc An-Bình Sơn là 282,35 ha, một phần đất Phân khu III-Khu dân cư, tái định cư Bình Sơn là 81,86 ha.

Tổng mức đầu tư: 22.856 tỷ đồng, trong đó, xây dựng hạ tầng các khu tái định cư là 4.189 tỷ đồng; tái lập hạ tầng ngoài ranh giới Cảng hàng không là 479 tỷ đồng; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 17.855 tỷ đồng; đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống người dân là 306 tỷ đồng; lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án là 27 tỷ đồng.

Thông tin về tình hình thực hiện dự án giải phóng mặt bằng, ông Tuấn cho hay, về công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong phạm vi 5.000 ha, trong đó về công tác thu hồi và bàn giao mặt bằng đã thu hồi tổng diện tích 4.859/5.000 ha, đạt 97,18%, trong đó đã bàn giao mặt bằng giai đoạn 1 cho Cảng vụ hàng không miền Nam với tổng diện tích 2.532/2.532 ha, đạt 100%.

Về bố trí tái định cư, tổng số hộ bị ảnh hưởng là 5.447 hộ, trong đó: Đã xét duyệt tái định cư cho 4.161 hộ (đã bố trí tái định cư: 4.045 hộ, đang bố trí tái định cư: 116 hộ); đã xét duyệt tái định cư nhưng không đủ điều kiện: 1.001 hộ; chưa xét duyệt: 285 hộ.

Về công tác giải ngân, theo Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh, tổng số vốn kế hoạch đã phân bổ cho Dự án là 22.855,035 tỷ đồng, kết quả giải ngân đến ngày 31/12/2022 là 16.697,132 tỷ đồng đạt 73,05% kế hoạch. Số vốn còn lại chưa thực hiện so với kế hoạch giao là 6.157,903 tỷ đồng đã hết thời hạn giải ngân theo quy định. Tổng mức đầu tư dự án kiến nghị điều chỉnh là 19.207,504 tỷ đồng.

Như vậy, nhu cầu vốn xin cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân là 2.510,372 tỷ đồng. Trong đó bao gồm: 1.543,623 tỷ đồng thuộc kế hoạch vốn năm 2021 và 966,749 tỷ đồng thuộc kế hoạch vốn năm 2020.

Về các nội dung đề nghị điều chỉnh, ông Tuấn cho biết, Chính phủ điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư Dự án từ 22.938 tỷ đồng xuống 19.207,504 tỷ đồng (giảm 3.730,496 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư 22.938 tỷ đồng tại Nghị quyết số 53/2017/QH14 của Quốc hội và giảm 3.648,496 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư 22.856 tỷ đồng tại Quyết định số 1487/QĐ-TTg ngày 06/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ). Trong đó điều chỉnh tổng mức đầu tư: Giảm chi phí xây dựng hạ tầng các khu tái định cư là 1.864,135 tỷ đồng; giảm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 1.859,1 tỷ đồng; tăng chi phí tái lập hạ tầng ngoài ranh giới Cảng hàng không 74,739 tỷ đồng.

Điều chỉnh diện tích đất thu hồi là 5.317,35 ha (giảm 82 ha). Trong đó: Diện tích đất của Dự án Cảng HKQT Long Thành là 5.000 ha; Diện tích đất khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn là 284,7 ha (tăng 2,35 ha); Tăng diện tích đất tái lập hạ tầng ngoài ranh giới Cảng hàng không 32,65 ha; (4) Giảm không thực hiện đầu tư đối với diện tích đất Phân khu III-Khu dân cư, tái định cư Bình Sơn 97 ha và giảm diện tích đất khu nghĩa trang 20 ha.

Điều chỉnh thời gian thực hiện dự án: Đến hết năm 2024. Đồng thời, bổ sung nội dung: Bố trí tái định cư các hộ dân thuộc 2 tuyến giao thông kết nối T1, T2 vào Khu dân cư, tái định cư Lộc An-Bình Sơn.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng việc xem xét điều chỉnh một số nội dung tại Nghị quyết số 53/2017/QH14 là cần thiết nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý cho các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Dự án, nhất là đối với việc điều chỉnh về thời gian thực hiện Dự án.

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ sự phù hợp của các nội dung điều chỉnh với chủ trương đầu tư Dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt cũng như tác động và ảnh hưởng của việc điều chỉnh đến Dự án; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc điều chỉnh các nội dung trên khác với nội dung tại các Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong khi chưa được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; chậm trễ trong việc đề nghị điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án và điều chỉnh một số nội dung tại Nghị quyết số 53/2017/QH14 của Quốc hội.

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng công tác lập dự toán ngân sách và rà soát nội dung của dự án thành phần chưa sát với thực tiễn, có sự điều chỉnh vốn đầu tư tương đối nhiều (giảm trên 15% so với tổng mức đầu tư ban đầu, trong đó có 3 hạng mục đề nghị điều chỉnh tăng); các căn cứ lập tổng mức đầu tư điều chỉnh và lý do điều chỉnh còn chung chung, mang tính định tính, đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá, cung cấp thêm thông tin, số liệu về điều chỉnh tổng mức đầu tư để đảm bảo tính minh bạch, chính xác, khả thi, tránh việc phải tiếp tục điều chỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chính phủ xin giảm tổng mức đầu tư Dự án thu hồi đất, bồi thường sân bay Long Thành xuống còn 19.207,504 tỷ đồng