Bất chấp đại dịch Covid-19 hoành hành, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường châu Mỹ lại tăng mạnh trong 8 tháng vừa qua.
Giới chuyên gia nhận định, Châu Mỹ là thị trường tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, cũng là cơ hội để các DN xuất khẩu bứt phá sau đại dịch.
Nhiều đối tác châu Mỹ quan tâm
Số liệu của Bộ Công Thương cho biết, từ đầu năm nay đến hết tháng 8, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các nước châu Mỹ vẫn đạt 69,3 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, đáng chú ý là xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này tăng 15,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Về đầu tư trực tiếp, tính đến hết tháng 8/2020, có 28 quốc gia châu Mỹ đầu tư tại Việt Nam với 1.530 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 22,85 tỷ USD.
Nhận định về thị trường châu Mỹ, các Tham tán thương mại Việt Nam tại thị trường này cho hay, chính trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam lại trở thành thị trường được nhiều đối tác châu Mỹ quan tâm.
Đơn cử, tại thị trường Argentina, một thị trường khá khó tính với các biện pháp bảo hộ sản xuất trong nước liên tiếp được đưa ra, song, do bối cảnh dịch bệnh nên thị trường này đang có xu hướng “cởi mở” hơn, đa dạng hóa thị trường. Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Argentina, đây chính là thời điểm để chúng ta tăng cường thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang Argentina.
Số liệu thống kê cho biết, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Argentina đạt mức tăng trưởng hơn 30%, lần đầu tiên vượt ngưỡng hơn 500 triệu USD. Đáng chú ý, các DN Argentina đều đánh giá khá tốt chất lượng hàng hóa của Việt Nam. Chính bởi vậy, đây là thời điểm hàng hóa Việt Nam có cơ hội có thể thay thế sản phẩm truyền thống mà Argetina vẫn nhập khẩu trong chuỗi cung cấp của mình.
Không chỉ Argentina, Canada cũng đang nổi lên là một thị trường rất giàu tiềm năng khai thác. Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada khẳng định, đây là thị trường được đánh giá là có khả năng chi trả cho các sản phẩm có giá trị cao và là cầu nối quan trọng để DN Việt Nam mở rộng thị trường sang các quốc gia châu Mỹ khác.
Theo bà Đỗ Thu Hương, Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada, so với trước đây, thời điểm này, DN Việt Nam có nhiều cơ hội hơn trong việc hợp tác với DN Canada. Phân tích rõ hơn, bà Hương cho hay, những năm gần đây Chính phủ Canada theo đuổi chính sách đa dạng hóa thương mại, ưu tiên phát triển quan hệ thương mại với châu Á. Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng trực tiếp tới chiến lược thị trường của một số DN Canada. Dịch bệnh Covid-19 đã làm lộ rõ mặt trái của chuỗi cung ứng khiến DN phải xem xét lại chỗ mua hàng và sản xuất, đảm bảo cung ứng cho nhu cầu thị trường với mức giá rẻ. Và châu Á vẫn luôn được các DN thị trường này quan tâm trong thiết lập chuỗi cung ứng.
Thị trường khó tính bậc nhất
Có thể khẳng định, nắm bắt được thị trường Canada cũng là điều kiện để hàng hóa của DN Việt dễ dàng tiến đến gần hơn với các thị trường khác trong khu vực châu Mỹ. Bởi Canada là thị trường khá khắt khe, tiếp cận được thị trường này cũng đồng nghĩa với việc các sản phẩm, hàng hóa của chúng ta đủ tiêu chuẩn, chất lượng bước sang được các thị trường khác.
Tuy nhiên, đây là một thị trường xa xôi, cách trở về khoảng cách địa lý cũng như ngôn ngữ, các DN Việt nắm bắt được khá ít thông tin về thị trường châu Mỹ, đây chính là một trong những rào cản lớn đối với DN Việt khi đưa hàng vào thị trường này.
“Thêm vào đó, các DN Việt Nam cũng chưa nắm được đầy đủ các quy định về nhập khẩu hàng hóa, quy định về chất lượng an toàn thực phẩm và nhiều quy tắc đặc thù của thị trường này. Chính vì vậy, việc tìm hiểu về phong tục, tập quán, kinh nghiệm, kinh doanh mặt hàng là hết sức quan trọng đối với các DN Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đánh giá.
Một số chủ DN xuất khẩu có kinh nghiệm đưa hàng sang thị trường châu Mỹ cũng chia sẻ, châu Mỹ được xem là khách hàng khó tính bậc nhất và có nhiều tiêu chuẩn riêng cho các DN, sản phẩm xuất khẩu. Bởi vậy, muốn chinh phục thị trường châu Mỹ, các DN Việt không còn cách nào khác là phải tìm hiểu, nắm bắt rõ thông tin về thị trường này, từ thị hiếu người tiêu dùng cho đến những quy định, tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm... để từ đó gia tăng chất lượng hàng hóa, chinh phục thị trường giảu tiềm năng này.
Tính đến hết tháng 8, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các nước châu Mỹ vẫn đạt 69,3 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, đáng chú ý là xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này tăng 15,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Về đầu tư trực tiếp, tính đến hết tháng 8/2020, có 28 quốc gia châu Mỹ đầu tư tại Việt Nam với 1.530 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 22,85 tỷ USD.