Chính sách dân tộc thúc đẩy sự phát triển bền vững vùng DTTS, miền núi

Phương Nguyên 10/11/2023 14:18

Để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã tích cực, chủ động thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện.

Huyện Đồng Hỷ chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu trong đồng bào DTTS và miền núi.
Huyện Đồng Hỷ chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu trong đồng bào DTTS và miền núi.

Thái Nguyên là nơi sinh sống lâu đời của 46 dân tộc anh em. Địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS tập trung chủ yếu ở các xã vùng sâu, miền núi thuộc 5 huyện Định Hoá, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ… Đây là các khu vực kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã tích cực, chủ động thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng DTTS và miền núi giảm từ 19,22% năm 2016 xuống còn 3,21% vào cuối năm 2022.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, ông Phan Đức Cường cho biết: Thái Nguyên là một trong những tỉnh trong cả nước có tiến độ triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 sớm nhất. Theo đó, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về tiêu chí, nguyên tắc phân bổ vốn; UBND tỉnh phê duyệt Chương trình, kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021-2025 và ban hành cơ chế lồng ghép các nguồn vốn để làm cơ sở triển khai thực hiện Chương trình.

Đến nay, Chương trình đã phát huy được hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch đúng mục đích, đối tượng. Hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc đã kịp thời phối hợp với các ngành liên quan tham mưu cho UBND các cấp phân bổ nguồn kinh phí được giao, ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch.

Theo đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi được coi trọng, tạo động lực, điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế-xã hội. Tỉnh đã và đang xây dựng mới 222 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, như: đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa xã, xóm, trường học, trạm y tế; duy tu, bảo dưỡng 64 công trình cơ sở hạ tầng đã được đầu tư từ những năm trước.

Các dự án, tiểu dự án, nội dung khác của Chương trình MTQG 1719 cũng có những kết quả tích cực, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Hơn 200 hộ được hỗ trợ làm nhà ở, hơn 500 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, 12 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được triển khai; nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo sinh kế cho đồng bào được hỗ trợ ở nhiều địa bàn vùng DTTS, miền núi trong tỉnh...

Sau gần ba năm thực hiện Chương trình MTQG 1719 cùng với việc triển khai các chương trình, dự án đầu tư khác, đến nay tỉnh Thái Nguyên đã có 100% các xóm, xã vùng DTTS, miền núi có điện lưới quốc gia, trạm y tế, trường học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên, nhà ở cho học sinh; hơn 90% số xã có bác sĩ; hơn 95% số hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trên 98% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế… Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng DTTS và miền núi giảm từ 19,22% năm 2016 xuống còn 3,21% vào cuối năm 2022. Ước tính đến hết năm 2023, tỉnh Thái Nguyên có 53,33% số xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, vượt mục tiêu 50% trong giai đoạn 2021-2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chính sách dân tộc thúc đẩy sự phát triển bền vững vùng DTTS, miền núi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO