Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo của phụ nữ dân tộc thiểu số

Khánh Ngân 08/11/2023 17:45

Những năm qua, chị em phụ nữ DTTS ở Gia Lai đã biết tận dụng nguồn tài nguyên bản địa như dệt thổ cẩm, đan lát, các nghề truyền thống, chuỗi liên kết làng du lịch cộng đồng… để khởi nghiệp thành công. Qua đó, phụ nữ làm chủ cuộc sống, phát triển kinh tế và nâng cao vị thế của mình trong xã hội.

hu hoạch lúa rẫy của người Gia Rai là một trong những hoạt động trải nghiệm tại “Làng văn hóa du lịch Gia Rai, xã Ia Mơ Nông”, huyện Chư Păh.
Thu hoạch lúa rẫy của người Gia Rai là một trong những hoạt động trải nghiệm tại “Làng văn hóa du lịch Gia Rai, xã Ia Mơ Nông”, huyện Chư Păh.

Hiện nay, để thúc đẩy phụ nữ đặc biệt là phụ nữ DTTS khởi nghiệp, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ. Là đơn vị được UBND tỉnh giao triển khai thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Gia Lai phấn đấu hỗ trợ ít nhất 500 chị em phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp. Hàng năm, cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” được Hội LHPN tỉnh Gia Lai phát động đã thu hút được hàng trăm dự án tham gia từ 17 huyện, thị, thành Hội. Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh tiếp tục mở lớp tập huấn nâng cao kiến thức khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho những hội viên phụ nữ có ý tưởng, mô hình khởi nghiệp.

Cùng với đó, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 đã tiếp thêm các nguồn lực để hỗ trợ phụ nữ vươn lên và khởi nghiệp thành công như: Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” đã giúp xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Hay như thực hiện Dự án 3 thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh Gia Lai đã đã tổ chức 7 hội chợ, phiên chợ giới thiệu sản phẩm và hội nghị thu hút đầu tư; 5 lớp tập huấn và tổ chức tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi…

Bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phát triển phụ nữ (Trung ương Hội LHPN Việt Nam) cho biết: Gia Lai là 1 trong 8 tỉnh điểm của Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Với địa hình vùng núi và có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn, phụ nữ có nhiều nguy cơ di cư mất an toàn, bị lôi kéo, dụ dỗ vào các hoạt động mua bán người. Do đó, Trung tâm Phát triển phụ nữ tổ chức giao lưu kết nối các gian hàng tại Gia Lai, giới thiệu các mô hình hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ đã thành công, những cách làm hay, những sản phẩm trở thành nguồn cảm hứng để chị em vận dụng khởi nghiệp.

“Khi phụ nữ tự tạo cho mình thu nhập thì sẽ chủ động hơn trong cuộc sống, có tiếng nói trong gia đình và ngoài xã hội, vấn đề như bạo lực, lôi kéo di cư không an toàn dẫn đến bị mua bán hoàn toàn có thể giảm tránh được. Chúng tôi muốn chia sẻ những cách làm hay và kinh nghiệm quý trong khởi nghiệp. Tôi tin rằng phụ nữ có thu nhập ổn định sẽ không bị kẻ xấu lôi kéo, như đi lao động ở nước ngoài bất hợp pháp. Bên cạnh hoạt động của Dự án 8 còn có Đề án 939 hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Từ đó, hoạt động khởi nghiệp có sự phát triển mạnh mẽ, lan tỏa ở các tỉnh, thành trong cả nước, tạo động lực giúp phụ nữ vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng”, bà Linh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo của phụ nữ dân tộc thiểu số

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO