Cô giáo dân tộc nặng lòng với trẻ khuyết tật

Ngô Hùng 28/10/2023 18:13

Hơn 30 năm gắn bó với bục giảng, nghỉ hưu, thấy còn sức khoẻ, cũng như mong muốn thực hiện ý định ấp ủ bao năm, cô giáo Hoàng Thị Vỵ (người dân tộc Cao Lan ở thôn Ngòi Khang, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) đã quyết định mở lớp học miễn phí cho trẻ em khuyết tật.

Những trẻ đến lớp học của cô Vỵ đều bị khuyết tật, việc tiếp thu bài học gặp khó khăn nhưng cô luôn tận tình giảng dạy. Ảnh: Ngô Hùng
Những trẻ đến lớp học của cô Vỵ đều bị khuyết tật, việc tiếp thu bài học gặp khó khăn nhưng cô luôn tận tình giảng dạy. Ảnh: Ngô Hùng.

Ngày 23/9/2023, trong số những người được UBND tỉnh Yên Bái vinh danh là tấm gương tiêu biểu “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tôi ấn tượng mãi với cô giáo Hoàng Thị Vỵ - người nặng lòng với trẻ bị khuyết tật. Ngay sau buổi vinh danh, phóng viên quyết định đến Ngòi Khang tìm gặp cô giáo người dân tộc có việc làm đầy nhân văn này.

Vượt quãng đường hơn 30km, từ thị trấn Yên Bình đến xã Bảo Ái mất cả tiếng đồng hồ chạy xe, đứng trước cửa “Nhà văn hoá và sân chơi trẻ em thôn Ngòi Khang”, chúng tôi đã nghe tiếng trẻ em đồng thanh đọc chữ, to, rõ ràng. Đi vào trong, hình ảnh cô giáo già đến từng bàn, cầm tay hướng dẫn từng bé bị khuyết tật luyện chữ, tập đọc khiến ai nấy đều cảm động.

Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo ở xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, sau khi tốt nghiệp Khoa Toán - Lý, Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái, năm 1987, cô giáo Hoàng Thị Vỵ về dạy học tại xã Yên Thành (huyện Yên Bình). Đến năm 1992, cô tình nguyện đến dạy học ở Trường Trung học cơ sở xã Bảo Ái (xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Bình khi đó). “Sau hơn 30 năm giảng dạy, tháng 5/2020, tôi nghỉ hưu, thấy còn sức khoẻ nên thường tham gia vào phong trào phổ cập giáo dục. Trong quá trình đến thăm, tặng quà các trẻ khuyết tật, tôi thường hướng dẫn gia đình cách chăm sóc, kiểm tra các em có thế mạnh gì để phát triển (đọc, viết, làm phép tính). Cũng trong năm 2020, tôi quyết định mở lớp dạy miễn phí cho trẻ em khuyết tật ở địa phương” - Cô Hoàng Thị Vỵ nói.

Để mở lớp, cô Vỵ đã phải đến tận nhà các em học sinh để động viên gia đình, đồng thời tự bỏ tiền mua bút, sách, vở cho các em. Ảnh: Ngô Hùng
Để mở lớp, cô Vỵ đã phải đến tận nhà các em học sinh để động viên gia đình, đồng thời tự bỏ tiền mua bút, sách, vở cho các em. Ảnh: Ngô Hùng.

Cũng theo cô Vỵ, sau khi có ý tưởng cô bàn với chồng (ông Trần Xuân Trường - Trưởng thôn Ngòi Khang), được đồng ý, ủng hộ, cô lên xã gặp lãnh đạo trình bày ý tưởng, đồng thời hỏi mượn nhà văn hoá thôn Ngòi Khang để mở lớp. “Nhà văn hoá sẵn bàn ghế, tôi đi xin thêm bảng, bỏ tiền ra mua sách vở, phấn, bút, sau đó đến tận nhà các em động viên gia đình cho các con đi học. Đầu tiên có 2 em, sau 7 em, đến nay là 13 em. Đến lớp, tôi không chỉ dạy đọc, viết, làm phép tính mà còn dạy các em cách tự chăm sóc bản thân, biết cách hoà nhập với xã hội. Sau gần 3 năm, nhiều em đã thay đổi rõ rệt” - cô Vỵ cho biết thêm.

Khác với các lớp học dành cho học sinh bình thường, mỗi em ở đây có những khiếm khuyết khác nhau, em thì bị khuyết về trí tuệ, em thì khó khăn về ngôn ngữ, vận động. Do đó, mỗi em, cô Vỵ lại phải sử dụng phương pháp dạy khác nhau. “Với những em hạn chế về vận động, tôi phải kiên trì cầm tay hướng dẫn cách viết, cách tô màu, với em hạn chế về ngôn ngữ thì phải chỉnh cách phát âm, với những em bị đa khuyết tật phải áp dụng đồng bộ các phương pháp. Cứ uốn nắn, chỉnh sửa từng chút một, dần dần các em cũng tiến bộ, giờ nhiều em trong lớp đã có thể đọc, viết thành thạo, làm được phép tính dưới 10” - Cô Vỵ chia sẻ.

Chị Trần Thị Hằng, mẹ của cháu Nguyễn Cao Ph. chia sẻ, khi em sinh cháu ra thì cháu đã không được may mắn như bao đứa trẻ khác. Gia đình rất vui khi cô Vỵ đến nhà thăm hỏi, động viên gia đình cũng như tạo điều kiện cho Ph. được tham gia lớp học miễn phí. Bây giờ cháu đã biết viết, biết đọc, biết chăm sóc bản thân, hoà đồng với mọi người. Gia đình tôi rất biết ơn cô Vỵ.

Nhờ sự uốn nắn, chỉ dạy tận tình, nhiều em học sinh đã biết đọc, biết viết, tự chăm sóc được bản thân. Ảnh: Ngô Hùng
Nhờ sự uốn nắn, chỉ dạy tận tình, nhiều em học sinh đã biết đọc, biết viết, tự chăm sóc được bản thân. Ảnh: Ngô Hùng.

Còn theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Ái, không chỉ giúp các em có hoàn cảnh khó khăn, cô Vỵ còn tích cực tham gia vào các phong trào địa phương, đồng thời động viên các thành viên trong gia đình và nhân dân trong thôn đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, cùng nhau giữ gìn vệ sinh môi trường,

“Với mong muốn của một số hộ gia đình có con bị khiếm khuyết, thiệt thòi, không theo học được các bạn cùng trang lứa, cô Vỵ đã tình nguyện mở lớp dạy miễn phí. Lớp học của cô Vỵ đã góp phần lan tỏa tình yêu thương, sự sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, những trẻ em bị khuyết tật, tránh sự kỳ thị để các cháu tự tin hòa nhập cộng đồng” - ông Thành cho biết thêm.

Không chỉ cả cuộc đời đi gieo chữ, cô Vỵ còn dành cả tấm lòng của mình để giúp đỡ và tiếp thêm niềm tin cho những đứa trẻ kém may mắn trong cuộc sống. Từ những việc làm cụ thể và thiết thực, cô giáo Hoàng Thị Vỵ vinh dự là một trong những tấm gương tiêu biểu được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, giai đoạn 2021 - 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cô giáo dân tộc nặng lòng với trẻ khuyết tật