Trao đổi với Đại Đoàn Kết, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, xây dựng chính sách đối với người có công với cách mạng đã là khó, nhưng thực hiện tốt chính sách này còn khó hơn. Khó không nằm ở vật chất mà ở chỗ, làm sao thể hiện sâu xa trách nhiệm, lương tâm và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”. Chính vì vậy, đây luôn là nhiệm vụ chính trị hàng đầu không chỉ trong năm 2017 mà các năm tiếp theo. Đó cũng là cách làm để góp phần xoa dịu nỗi đau của
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.
PV: Thưa Bộ trưởng, chúng ta đã trải qua 70 năm thực hiện chính sách đối với người có công, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Trong suốt 70 năm qua, kể từ Sắc lệnh số 20/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành ngày 16/2/1947 đặt “chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sỹ”, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm đến công tác tri ân liệt sĩ, gia đình liệt sĩ và công tác thương binh. Đối với người có công (NCC) có khoảng gần 1.000 văn bản, hồ sơ liên quan đến chính sách này.
Theo thời gian, hệ thống chính sách NCC với cách mạng luôn luôn được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập theo hướng càng ngày càng mở rộng đối tượng thụ hưởng và tăng mức ưu đãi cho NCC phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội, khả năng ngân sách của Nhà nước. Chính vì thế, tuyệt đại bộ phận NCC với cách mạng đã được hưởng đúng, đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên qua thực hiện Pháp lệnh Người có công, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu nhất định song cũng còn những vướng mắc, bất cập cần phải sửa đổi. Đây là những vấn đề nảy sinh trong thực tế nhưng chưa đưa vào Pháp lệnh. Chúng tôi đã tổng kết, đánh giá những tác động của các vấn đề này vào đời sống, kinh tế - xã hội và đã báo cáo với cơ quan có thẩm quyền xem xét, bổ sung khi sửa đổi toàn diện Pháp lệnh Người có công với cách mạng.
Cụ thể những vướng mắc, bất cập đó là gì, thưa Bộ trưởng?
- Về vướng mắc, tôi xin tóm lại thành "2 khó, 10 chưa". Đó là, chưa có quy định ưu đãi người tham gia kháng chiến trong giai đoạn 1974-1975 nhưng chưa đủ thời gian được cấp Huy chương; Chưa có quy định chế độ BHYT với thân nhân lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa còn sống; Chưa nghiên cứu bổ sung chế độ người Việt Nam có công với cách mạng đang định cư ở nước ngoài.
Thế hệ thứ 3 bị ảnh hưởng chất độc hóa học là cháu của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Chưa cho phép người bị thương đã giám định, đã kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 21% được giám định vết thương tái phát; Chưa đảm bảo tính công bằng vì hạn chế thân nhân liệt sĩ được hưởng tối đa chỉ có 3 suất bởi họ có thể có tới 5 - 6 - 7 người con được hưởng; Chưa quy định cụ thể trợ cấp một lần đối với mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động thời kỳ kháng chiến đã mất mà chưa được hưởng trợ cấp; Chưa phù hợp khi Quy định chuyển tiếp đối tượng được hưởng trợ cấp người hoạt động kháng chiến, bị nhiễm chất độc hoá học từ hai mức sang bốn mức; Chưa quy định trợ cấp một lần cho người nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Chưa có quy định nếu một NCC thuộc hai đối tượng hưởng trợ cấp, phụ cấp thì họ được hưởng cả hai suất trợ cấp phục vụ; một bộ phận người có công vì nhiều lý do chưa được hưởng chính sách nên đời sống gặp khó khăn.
Còn “2 khó” trong chính sách đó là: Làm sao để thực hiện được nguyên tắc NCC đều được hưởng chính sách ưu đãi, trong khi họ không còn hoặc thất lạc hồ sơ, không có người làm chứng. Làm sao khi thực hiện chính sách xác định NCC thông thoáng trên cơ sở mới, nhưng không để bị man khai trục lợi chính sách. Thực tế khi chính sách cởi mở đơn giản hơn thì dễ bị lợi dụng trục lợi. Làm chặt thì NCC thật sự lại khó được xác nhận do thiếu hồ sơ, giấy tờ…
“Nỗi đau giả đè lên nỗi đau thật” đang là thực trạng gây bức xúc dư luận trong quá trình thực hiện chính sách NCC. Vậy tới đây Bộ sẽ có giải pháp như thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Qua tổng rà soát, hiện vẫn còn khoảng 28.500 trường hợp tự kê khai là NCC, chủ yếu thuộc vào 3 nhóm đối tượng là thương binh và người hưởng như thương binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người hưởng chính sách thanh niên xung phong. Đây thực sự trở thành thách thức, khó khăn rất lớn cho chúng tôi khi làm chính sách đối với NCC. Tại sao lại có khó khăn, thách thức? Bởi hầu hết đây là những hồ sơ tự khai, thường là không có căn cứ, giấy tờ, tài liệu để thiết lập hồ sơ; nhiều trường hợp đã lập hồ sơ nhưng không đủ điều kiện giải quyết (như bị chết, bị thương không thuộc các trường hợp xác nhận liệt sĩ, thương binh theo quy định) song thân nhân vẫn kiến nghị, khiếu kiện và có những trường hợp đã được giám định nhưng không có thương tích thực thể hoặc có thương tích nhẹ, không đủ tỷ lệ để xác nhận là thương binh (21% trở lên)…
Trong số kê khai song không đủ hồ sơ, chứng cứ như quy định ấy phần lớn họ là thương binh, là người bị ảnh hưởng chất độc hóa học hoặc TNXP tham gia kháng chiến là những người rất cần hưởng chính sách nhưng không đủ căn cứ chứng minh hoặc không có hồ sơ người làm chứng...
Bên cạnh đó, cũng có một số đối tượng dù biết không đủ điều kiện, nhưng họ vẫn cứ nộp hồ sơ, hoặc tìm cách man khai để trục lợi chính sách. Có những trường hợp cơ quan chức năng đã chỉ rõ hồ sơ không đủ điều kiện nhưng họ vẫn cứ kiên quyết khai, rồi khiếu kiện đòi hưởng chính sách. Kết quả tổng rà soát cho thấy, trong số 2.070.842 đối tượng được rà soát thì số đã hưởng đầy đủ chế độ là 1.982.769 trường hợp (chiếm 95,75%); số kê khai hưởng chưa đầy đủ là 86.201 trường hợp (chiếm 4,16%) và hưởng sai chính sách là 1.872 trường hợp (chiếm 0,09%). Ngoài ra, còn một bộ phận tại thời điểm nộp hồ sơ chưa đủ điều kiện do quy định của chính sách, nhưng nay do quy định mới nới rộng ra, điều chỉnh thì họ đủ điều kiện để hưởng chính sách, song chưa được kịp thời giải quyết.
Còn việc thực hiện chính sách đối với NCC, tinh thần thực hiện chung của Bộ là phải làm đúng theo 8 chữ: NGHIÊM TÚC - ĐẦY ĐỦ - KỊP THỜI - CHÍNH XÁC các chính sách đối với NCC mà Đảng và Nhà nước đề ra. Giải quyết hồ sơ tồn đọng phải thêm 4 chữ nữa, đó là: THÔNG THOÁNG và CỤ THỂ. Thông thoáng, cụ thể ở đây là xem xét theo tinh thần cởi mở trong phạm vi cho phép và xử lý linh hoạt từng trường hợp cụ thể để quyết định trong khuôn khổ pháp luật. Điều này phần nào thể hiện qua đợt tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC trong 2 năm 2014-2015 do Bộ LĐTBXH phối hợp cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện.
Với 8 chữ như đã nói cùng với cái Tâm của mình, chúng tôi xác định việc giải quyết tồn đọng này là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, cần ưu tiên tập trung thực hiện trong năm 2017 và những năm sau. Đó cũng là cách làm để góp phần xoa dịu nỗi đau của người có công, thân nhân NCC và góp phần xoa dịu nỗi đau của cả dân tộc.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Việc thực hiện chính sách đối với NCC, tinh thần thực hiện chung của Bộ là phải làm đúng theo 8 chữ: NGHIÊM TÚC - ĐẦY ĐỦ - KỊP THỜI - CHÍNH XÁC các chính sách đối với NCC mà Đảng và Nhà nước đề ra. Giải quyết hồ sơ tồn đọng phải thêm 4 chữ nữa, đó là: THÔNG THOÁNG và CỤ THỂ. Thông thoáng, cụ thể ở đây là xem xét theo tinh thần cởi mở trong phạm vi cho phép và xử lý linh hoạt từng trường hợp cụ thể để quyết định trong khuôn khổ pháp luật. |