Sáng ngày 30/10, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo “Các giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và đẩy mạnh hội nhập”.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), cho hay Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp khá cụ thể để cải cách thể chế, chính sách, thủ tục hành chính với những ứng dụng về công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ cho người nộp thuế và thực hiện công khai minh bạch các thủ tục hành chính thuế. Ví dụ như việc ban hành Thông tư 119/2014 sửa đổi 7 thông tư, đơn giản hoá mẫu biểu, tờ khai thuế GTGT giúp doanh nghiệp không phải gửi cơ quan thuế nhiều mẫu biểu; việc thu hẹp sự khác biệt giữa kế toán và thuế; bỏ tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính theo quý.
Vẫn theo ông Phụng, “ phải kể đến việc nâng mức doanh thu để khai thuế giá trị gia tăng theo quý từ 20 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng. Nhờ quy định này, mỗi năm DN giảm từ 12 xuống còn 4 lần khai thuế GTGT, nhất là với DN vừa và nhỏ. Từ đó, năm 2014, số giờ thực hiện thủ tục hành chính thuế giảm được 290 giờ, giảm được 8 lần đối với khai thuế giá trị gia tăng và 4 lần khai thuế thu nhập DN tạm tính quý”.
Môi trường kinh doanh Việt Nam trong những năm qua liên tục đạt được những bước chuyển biến mạnh mẽ, được cộng đồng quốc tế và DN đánh giá cao. Năm 2017, Việt Nam xếp thứ 55/137 quốc gia về năng lực cạnh tranh toàn cầu; môi trường kinh doanh tăng 14 bậc (từ 82/189 lên 68/190 của bảng xếp hạng). Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), đây là mức tăng tốt nhất mà Việt Nam đạt được trong thập niên qua. Các chỉ số này được ghi nhận chính là nhờ vào nỗ lực cải thiện thủ tục nộp thuế, ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng giao dịch điện tử của Việt Nam trong thời gian qua.
Xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam đã được nâng từ mức ổn định lên mức tích cực trong năm 2017 (Theo nhận định của 3 tổ chức xếp hạng Moody’s, Standards and Poor’s và Fitch). Chỉ số nhà quản trị mua hàng toàn phần lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong tháng 12/2017 cũng đã tăng lên 52,5 điểm. Điều này minh chứng cho sự cải thiện mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất và điều kiện kinh doanh của nước ta hiện nay.
Kết quả khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2017) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực từ cộng đồng DN. Cụ thể, niềm tin của cộng đồng DN vào môi trường kinh doanh đang được khơi dậy: 52% DN tư nhân trong nước và 60% DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho biết, họ sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới. Đây là chỉ số niềm tin cao nhất của cộng đồng kinh doanh kể từ năm 2011 trở lại đây.
Tuy nhiên theo nhìn nhận của giới chuyên gia, Bộ Tài chính cần phải tiếp tục rà soát, kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, trên cơ sở đó kiến nghị sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật sao cho phù hợp với thực tiễn triển khai.