Nước Mỹ hậu sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001 dường như đã trở thành một câu chuyện kể về sự đoàn kết chặt chẽ mà thế giới chưa từng chứng kiến nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố. Nhưng ngày nay, câu chuyện đó đã đảo ngược, khi chính trường Mỹ ngày càng trở nên chia rẽ cũng vì chống khủng bố.
Ảnh minh họa. (Nguồn: NYdaily).
Đã qua thời chung tay chống khủng bố
Thời điểm mà Mỹ tổ chức lễ tưởng niệm lần thứ 15 ngày xảy ra sự kiện khủng bố kinh hoàng ngày 11/9, cũng là thời điểm mà chính trường nước này đang chia rẽ một cách sâu sắc về vấn đề làm thế nào để chống lại khủng bố và tăng cường an ninh quốc gia.
Donald Trump trước đây từng giành được vị trí ứng viên đại diện đảng Cộng hòa nhờ các quan điểm của ông về hậu 11-9. Trump đã buộc tội cựu Tổng thống George W. Bush, vị Tổng thống từng nhận được tỷ lệ ủng hộ cao nhất trong lịch sử nước này nhờ cách phản ứng của ông đối với vụ tấn công khủng bố, vì đã đã biến nước Mỹ trở thành một mục tiêu.
Không chỉ dừng ở đó, Trump còn đề xuất cấm người Hồi giáo được vào nước Mỹ. Hiện nay, dù đã giảm nhẹ các luận điệu chống người Hồi giáo của mình nhằm tranh thủ số phiếu bầu, nhưng quan điểm của tỷ phú này vẫn cho thấy một hình ảnh hoàn toàn trái ngược với chuyến thăm của cựu Tổng thống Bush tới Trung tâm Hồi giáo Washington D.C, chỉ 6 ngày sau sự kiện ngày 11-9, và tuyên bố rằng “Hồi giáo là hòa bình”.
Ngày nay, môi trường chính trị ở nước Mỹ đã khác xa so với những ngày trước đây, khi bà Hillary Clinton cùng một Thượng nghĩ sỹ mới nổi hồi đó - sau đó trở thành Thị trưởng New York Rudolph Giuliani - cùng nhau xoa dịu nỗi đau tang thương cho người dân thành phố New York sau sự kiện khủng bố. Vậy mà giờ, ông Giuliani đã trở thành một trong số những người ủng hộ hàng đầu của Trump, và là người liên tiếp công kích bà Clinton.
Về phần mình, bà Clinton, hiện là ứng viên đảng Dân chủ, vẫn không xóa khỏi cảm giác tội lỗi về quyết định ủng hộ cuộc chiến Iraq - phản ứng của Washington sau sự kiện 11-9 - và giờ đang phải đối mặt với nhiều câu hỏi liên quan tới sự việc này.
Trong khi đó, người dân Mỹ dường như ngày càng tỏ ra lo sợ và giận dữ hơn khi nghĩ lại về điều từng xảy ra trong ngày 11/9/2001; theo một bản thăm dò do CNN/ORC công bố mới đây. Thậm chí chỉ riêng việc nói về chủ nghĩa khủng bố ở nước Mỹ trong bầu không khí hiện nay cũng có thể thổi bùng một cuộc tranh luận chính trị gay gắt.
Cuộc tranh luận không hồi kết
Cả bà Clinton và ông Trump trong suốt mấy ngày vừa qua đã trải qua các cuộc khẩu chiến căng thẳng liên quan tới vấn đề cuộc chiến ở Iraq và cả hai đều cố gắng thể hiện quan điểm phản đối của mình đối với cuộc chiến này.
Bà Clinton từng bỏ phiếu thông qua kế hoạch cuộc chiến ở Iraq, nhưng giờ thừa nhận đó là một sai lầm, trong khi Trump nói rằng ông luôn luôn phản đối nó dù thực tế là ông đã ủng hộ nó ngay khi nó vừa bắt đầu. Trong cả hai trường hợp, người ta đều thấy rõ rằng dư luận Mỹ hiện nay phần lớn phản đối cuộc chiến chống khủng bố này.
Trong khi người dân Mỹ tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 15 sự kiện ngày 11/9 vào hôm Chủ nhật vừa qua, cuộc tranh luận về chủ nghĩa khủng bố vẫn chưa kết thúc.
Trong bối cảnh tình hình Syria còn bất ổn, chính quyền mới ở Washington sau bầu cử sẽ có nguy cơ bị kéo vào một cuộc bạo lực khác ở Trung Đông, khu vực mà chính các chính sách của Mỹ đã làm tan nát. Thêm vào đó, cuộc chiến chống phiến quân IS một lần nữa trở thành đề tài muôn thuở trong giới chính trị Mỹ, và có khả năng còn kéo dài, ảnh hưởng tới bầu không khí chính trị nước này.
Mới đây, khi Trump tuyên bố về một viễn cảnh mà nước Mỹ đang bị chủ nghĩa cực đoan nước ngoài tấn công, bầu không khí đó càng thêm phần căng thẳng.
“Thông điệp của ông ta là chúng ta đang thua cuộc chiến này, chúng ra dễ bị tấn công và bị bao vây bởi những kẻ khủng bố Syria”, Mathew Dellek, giáo sư nghiên cứu về an ninh quốc gia tại ĐH George Washington, nhận định - “Ông ấy càng khiến người ta nghĩ như vậy. Rất nhiều người cảm thấy điều tương tự”.
Thực tế, bất chấp những tranh cãi trong chính trường Mỹ về cuộc chiến chống khủng bố hiện nay, cuộc tranh luận nảy lửa về cách thức chống khủng bố đã bắt đầu kể từ sau sự kiện ngày 11/9/2001.
Theo giới phân tích, dù các ứng viên Tổng thống hiện tại có nói ra sao thì khả năng lớn là họ sẽ vẫn giữ lại nhiều hướng tiếp cận từ chính quyền trước để lại. Vị Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ sẽ phải đối mặt với hậu quả dài hạn của cả quyết định can thiệp quân sự vào Iraq của chính quyền Bush và cả quyết định rút quân khỏi Iraq của chính quyền Obama… trong khi đó cuộc chiến ở Afghanistan vẫn diễn ra và cuộc chiến chống IS vẫn chưa dừng lại.