Được xây dựng vào năm 2015 với tổng số vốn lên đến 15 tỷ đồng, nhưng kể từ khi hoàn thành, chợ đầu mối tại xã Gia Tiến (huyện Gia Viễn, Ninh Bình) luôn trong tình trạng cửa đóng then cài, đắp chiếu suốt 5 năm.
Xây chợ chục tỷ để về đích nông thôn mới?
Tìm hiểu được biết, vào khoảng năm 2015, để hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại xã Gia Tiến và đáp ứng nhu cầu giao thương, thu mua nông sản tại các xã Gia Tiến, Gia Thắng, Gia Tân, Gia Phương…, tỉnh Ninh Bình đã đầu tư khoảng 15 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh để xây dựng một khu chợ đầu mối tại thôn Đại Quang, xã Gia Tiến với tổng diện diện tích 3.240 m2. Chủ đầu tư dự án là UBND huyện Gia Viễn.
Sau hơn 1 năm thi công, đến năm 2016, chợ đầu mối Gia Tiến được hoàn thành. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, ngôi chợ này lại nằm “đắp chiếu” giữa cánh đồng, chưa một lần mở cửa kể từ khi xây xong. Đến năm 2017, nhờ có ngôi chợ bạc tỷ này, xã Gia Tiến được công nhận là xã đạt chuẩn Nông thôn mới.
Theo ghi nhận, chợ đầu mối Gia Tiến nằm án ngữ ngay trên tuyến đường Bái Đính – Ba Sao đang xây dựng. Nơi đây có lưu lượng phương tiện và người dân qua lại khá đông đúc.
Qua quan sát, chợ đầu mối này có 2 cổng chính, hiện đang trong tình trạng cửa đóng then cài. Do bị bỏ hoang nhiều năm, cơ sở hạ tầng và máy móc thiết bị bên trong chợ đầu mối đã cũ, bụi bám và có nguy cơ hư hỏng khi không vận hành.
“Chợ này xây lên đẹp và bề thế như vậy, nhưng chưa một lần mở cửa. Trong khi đó, chợ dân sinh của xã nằm dưới triền đê, nhỏ và hẹp vẫn đang hoạt động để phục vụ nhu cầu của người dân. Chúng tôi kiến nghị chính quyền sớm có phương án đưa chợ mới này đi vào hoạt động, không thể để lãng phí nguồn ngân sách nhà nước như vậy được”, chị Lê Thị Lan, người dân xã Gia Tiến phản ánh.
Được biết, hiện tại, người dân xã Gia Tiến đang họp chợ tại chợ Đê thuộc thôn Hán Nam. Ngôi chợ sau hàng chục năm hoạt động đã xuống cấp, nằm dưới mặt đường, vi phạm hành lang an toàn đê sông Hoàng Long, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
“Chợ này xập xệ hơn chợ mới ngoài đường lớn, nhưng do vị trí thuận lợi cho việc giao thương nên trước nay mọi người vẫn mua bán ở đây. Từ khi chợ mới được xây xong, chúng tôi cũng chưa từng được vận động ra đó, cùng với việc dân cư đi chợ giờ ít hơn trước rất nhiều, nên chúng tôi vẫn bám trụ tại nơi này”, một tiểu thương chợ Đê chia sẻ.
Xin chuyển mục đích sử dụng chợ
Ông Đỗ Hữu Thanh, Chủ tịch UBND xã Gia Tiến cho biết, mục đích xây dựng ban đầu của chợ đầu mối là theo mô hình Nông thôn mới, khi hoàn thành sẽ thu mua nông sản của 4 xã trong huyện Gia Viễn.
“Khi chợ được xây xong, do mô hình trồng màu của bà con khá manh mún, nhỏ lẻ, không tập trung nên không đáp ứng được nhu cầu thu mua số lượng lớn của thương lái. Hơn nữa, do hệ thống hạ tầng giao thông ngày một phát triển nên thương lái có thể trực tiếp đến thu mua nông sản tại ruộng của bà con, không cần thông qua chợ”, ông Thanh cho hay.
Về giải pháp, ông Thanh cho biết, xã Gia Tiến đã có ý kiến lên huyện, xin chuyển đổi mục đích sử dụng của chợ đầu mối thành chợ dân sinh. “Chúng tôi đang tuyên truyền, vận động bà con rời bỏ khu chợ Đê cũ sang họp tại chợ nông sản mới để tránh lãng phí nguồn ngân sách nhà nước. Tuy vậy, do chợ cũ có vị trí thuận tiện, người dân đã sử dụng hàng chục năm nay nên cũng rất khó để bà con chịu di dời”, ông Thanh nói.
Tìm hiểu được biết thêm, trên địa bàn thị trấn Thiên Tôn (huyện Hoa Lư) cũng có một ngôi chợ tiền tỷ mang Cầu Huyện cũng xây xong và nằm “đắp chiếu” tương tự chợ đầu mối Gia Tiến. Để tránh lãng phí, một số hộ dân đã thuê diện tích bên trong chợ để làm nhà xưởng. Hay như tại chợ Vân Long (xã Gia Vân,huyện Gia Viễn) cũng có hàng chục kiot bỏ hoang suốt nhiều năm, nằm giãi nắng dầm mưa, không ai ngó ngàng.
Như vậy, trách nhiệm của UBND các huyện, xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến đâu khi để nhiều công trình tiền tỷ bỏ hoang, xuống cấp trong nhiều năm như vậy?