Thời gian qua, công tác tinh giản biên chế được đặt ra nhằm xây dựng bộ máy hoạt động năng động, hiệu quả. Tuy nhiên, trong thực tế xuất hiện một bộ phận cán bộ, công chức có tâm lý né tránh trách nhiệm, đùn đẩy, co cụm không dám làm, cản trở sự phát triển. Vì thế, công tác cán bộ trong giai đoạn mới càng cần phải quyết liệt hơn nữa.
Theo Bộ Nội vụ, kết quả tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 tuy đạt về chỉ tiêu số lượng nhưng chưa thực sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Có ý kiến cho rằng việc tinh giản biên chế trong thời gian qua chủ yếu giảm số người về hưu, thôi việc, nghỉ việc, chưa thực sự gắn với việc đánh giá xếp loại hoàn thành công việc.
Đạt chỉ tiêu tinh giản nhưng chưa nâng được chất lượng đội ngũ
Số liệu thẩm tra tinh giản biên chế đến ngày 31/12/2022 của các bộ, ngành, địa phương là 79.178 người (bộ, ngành: 5.511 người; địa phương: 73.667 người). Tính theo đối tượng áp dụng thì số viên chức nghỉ tinh giản biên chế cao nhất (tỷ lệ 66,115%); cán bộ, công chức cấp xã (tỷ lệ 19,020%) và thấp nhất là người làm việc tại khu vực doanh nghiệp (tỷ lệ 0,216%); người làm việc tại các Hội (tỷ lệ 0,230%).
Tính theo lý do tinh giản biên chế thì tinh giản biên chế do đánh giá hàng năm không hoàn thành nhiệm vụ cao nhất (tỷ lệ 52,712%); do chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo (tỷ lệ 15,684%); dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự, đơn vị hành chính (tỷ lệ 15,447%) và thấp nhất là do sức khỏe không đảm bảo (tỷ lệ 3,746%).
Nếu tính theo chính sách được hưởng thì đối tượng hưởng chính sách về hưu trước tuổi cao nhất (tỷ lệ 81,813%); chính sách thôi việc ngay (tỷ lệ 18%); chính sách chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước (tỷ lệ 0,115%) và thấp nhất là chính sách thôi việc sau khi đi học nghề (tỷ lệ 0,072%).
Bên cạnh đó có những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện muốn nghỉ hưu, thôi việc nhưng lại không thuộc đối tượng tinh giản biên chế nên họ lựa chọn làm việc với hiệu quả làm việc không cao để “được” đánh giá xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ để thực hiện tinh giản biên chế. Thực trạng như vậy vừa gây ảnh hưởng đến tính hiệu quả của hoạt động công vụ, vừa gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, kết quả bước đầu đạt được của chính sách tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ là đã đưa ra khỏi đội ngũ những người không đáp ứng được yêu cầu công việc. Tuy nhiên, so với mục tiêu, yêu cầu đề ra thì kết quả tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 mới đạt về chỉ tiêu số lượng mà chưa thực sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
“Đây cũng là một thực trạng được thể hiện trong báo cáo đánh giá của Bộ Nội vụ về chính sách tinh giản biên chế. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ đã kiến nghị, đề xuất với Chính phủ các giải pháp chính sách khi xây dựng Nghị định về chính sách tinh giản biên chế thay thế Nghị định 108/2014/NĐ-CP, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP và Nghị định số 143/2020/NĐ-CP trong thời gian tới” - Bộ trưởng thông tin.
Để tinh giản hiệu quả
Để tiếp tục tinh giản biên chế hiệu quả, hiện Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023-2030. Dự thảo này đã đề xuất bổ sung thêm 6 đối tượng tinh giản biên chế. Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 108/2014, Nghị định số 113/2018 và Nghị định số 143/2020 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế. Hiện dự thảo nghị định này đang hoàn thiện các khâu cuối cùng để trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới.
Song làm sao để việc sắp xếp tinh giản những người “chưa tinh” và lựa chọn được người làm việc có đủ năng lực, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy là vấn đề đang được đặt ra bức thiết hiện nay. Theo ông Trần Ngọc Vinh (ĐBQH khoá XIII), nếu đưa ra khỏi bộ máy người thân quen, “con ông cháu cha”, năng lực kém thì sẽ giữ được người tài, người có tâm ở lại. Cho nên để thực sự chọn được người có tài ở lại cần phải có những tiêu chí cụ thể.
Để đảm bảo cho cán bộ “chuyển dịch” sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023-2030, theo ông Vinh, ngoài giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ dôi dư thì đối với những cán bộ được “giữ lại” phải sắp xếp vào những vị trí làm việc để họ phát huy năng lực sở trường của mình cũng như đảm bảo các vấn đề đời sống cho họ.
Trong khi đó, ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, quá trình tinh giản biên chế, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ đều tuân theo quy trình đề án, kế hoạch, lộ trình cụ thể. Trong đó lập và duyệt danh sách “cán bộ dôi dư” chứ không phải tùy tiện. Bởi ngay cán bộ dôi dư cũng có chính sách hỗ trợ. Về sai sót khi còn “cài đặt” người “chưa tinh” ở lại, ông Phúc cho rằng cũng không nhiều khi mà phần lớn người cho nghỉ là do đánh giá hằng năm không hoàn thành nhiệm vụ, đây là số chiếm tỷ lệ cao nhất.
Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ
Để không tinh giản nhầm người và giữ “người tinh” ở lại, PGS.TS Nguyễn Thị Báo (Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng việc này phụ thuộc rất lớn vào người đứng đầu cấp ủy và người đứng đầu cơ quan. Đó là những người “cầm cân nảy mực” quyết định bộ máy, chọn người đủ “3 chữ T”: tâm, tầm, tài hay không. Cấp cao hay cấp thấp cũng đều phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người đứng đầu trong việc xây dựng tổ chức bộ máy và thực thi pháp luật về tổ chức bộ máy.
Bà Báo phân tích: Nếu người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu cơ quan không phải là người làm việc vì lợi ích chung, đặt lợi ích của tập thể quốc gia, dân tộc lên trên hết, mà đặt lợi ích cá nhân họ lên trước, thì họ sẽ chọn người để tạo ra “cánh hẩu” phục vụ cho lợi ích cá nhân họ.
Theo các tiêu chí đánh giá, đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý trước hết phải có phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống trong sáng. Thứ hai là người có năng lực. Thứ ba là người có ý thức kỷ luật tốt và có lòng tự trọng để tạo ra “ê-kíp” những cán bộ lành mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ vì tổ chức, vì tập thể. Như thế mới đủ sức đạt mục tiêu cải cách bộ máy hành chính, để xây dựng bộ máy tinh gọn hiệu lực, hiệu quả. “Một việc không giao cho nhiều người, một người có thể đảm đương và hoàn thành tốt nhiều việc” - bà Báo nêu rõ.
Nhấn mạnh quá trình thực hiện phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người làm công tác tổ chức cán bộ, theo bà Báo, cần quan tâm tới vấn đề “hậu kiểm”, tức là kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức chạy quyền. Kiểm soát công tác cán bộ là để ngăn ngừa và xử lý nghiêm minh hành vi lợi dụng công tác cải cách bộ máy hành chính nhà nước để đưa những người không đủ tiêu chuẩn vào bộ máy.
“Nếu không làm đúng sẽ khiến người có bản lĩnh, có năng lực, có tinh thần phê và tự phê tốt bị sa thải” - bà Báo nói và cho rằng vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ chưa thực sự như mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đâu đó vẫn còn tình trạng bổ nhiệm, cấu trúc lại bộ máy theo ý chí chủ quan, cá nhân.
Vì thế, công tác cán bộ trong tinh giản phải được kiểm soát chặt chẽ.
Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Nội vụ dự kiến số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư là 48.951 người. Người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư là 27.972 người. Dự kiến nguồn kinh phí để chi trả trợ cấp đối với các đối tượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư nghỉ ngay (nghỉ trước 60 tháng so với lộ trình sắp xếp) là 9.732 tỷ đồng.