Thương mại điện tử Việt Nam được đánh giá là thị trường có mức độ tăng trưởng nhanh, đặc biệt trong 5 năm trở lại đây. Nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống pháp luật và cơ chế chính sách đã có vai trò rất tích cực trong việc tạo dựng môi trường cho sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam.
Thanh toán điện tử trong giao dịch thương mại chiếm tỷ lệ thấp.
Thống kê những năm qua cho thấy, quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến có tốc độ tăng trưởng ổn định, xu hướng tăng dần đều trên 20%/năm, từ 2,2 tỷ USD trong năm 2013 lên đến 6,2 tỷ USD vào năm 2017. Khảo sát cho thấy, tỷ lệ người dân tham gia mua sắm trực tuyến lên đến 67%. Các mặt hàng được mua sắm trực tuyến phổ biến nhất hiện nay gồm quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồ dùng gia đình, thiết bị điện tử,…
Thương mại điện tử là mô hình kinh doanh theo kiểu hiện đại nên giao dịch thương mại điện tử không chỉ diễn ra trên các website, qua thiết bị điện tử truyền thống mà còn phá triển mạnh trên các ứng dụng như điện thoại thông minh, đồng hồ thông minh, máy tính bảng. Mong muốn thị trường này thật sự phát triển, các chủ sàn không ngừng đáp ứng tốt yêu cầu khách hàng từ phong phú về sản phẩm cho đến việc đa dạng ở hình thức thanh toán.
Phương thức thanh toán và giao hàng được các doanh nghiệp thực hiện tương đối linh hoạt, đáp ứng hầu hết các yêu cầu của người mua từ chuyển khoản, thanh toán bằng thẻ cho đến thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng. Các chủ sàn thương mại điện tử cho hay, thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng là phương thức thanh toán phổ biến được người tiêu dùng lựa chọn, chiếm 82%. Chuyển khoản qua ngân hàng chiếm 48%, qua thẻ thanh toán quốc tế là 19%.
Đại diện Lazada cho hay, tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt trong giao dịch thương mại điện tử trội hơn hẳn. Đây là thực tế đáng buồn vì kéo theo nhiều chi phí xã hội. Phía Sen Đỏ cũng thừa nhận, những đơn hàng thanh toán bằng tiền mặt có tỷ lệ không nhận hàng rất cao. Điều này làm tăng chi phí giao nhận của các sàn và các nhà bán hàng.
Các nhà sàn cho rằng, nếu thúc đẩy được thanh toán giao dịch thương mại bằng tiền mặt từ hoạt động thương mại điện tử chắc chắn cơ quan chức năng thu thuế tốt hơn. Một số ý kiến cho rằng, dự kiến, doanh số thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng khoảng 20%/năm, đạt 10 tỷ USD vào năm 2020, chiếm 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Con số trên không hề nhỏ, nếu không thúc đẩy thanh toán điện tử phát triển thì nhà nước sẽ thất thoát ngân sách khá lớn do lọt tiền thuế.
“Khi kết nối với đuợc với dữ liệu và thanh toán qua hệ thống điện tử cơ quan thuế hoàn toàn kiểm soát, thu thuế tốt hơn. Nếu cơ quan thuế đến từng cơ sở nhỏ để thu từng món một thì chi phí đội lên rất nhiều. Bởi, doanh nghiệp tham gia bán hàng trên thương mại điện tử hầu hết là vừa, nhỏ, siêu nhỏ. Bộ Công thương nên có cơ chế phố hợp với ngân hàng nhà nước tìm giải pháp đẩy mạnh thanh toán điện tử để siết tình trạng thất thu thuế”, đại diện doanh nghiệp cho hay.
Bà Lê Thị Hà – Trưởng phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khẳng định, không giống như hình thức kinh doanh truyền thống có cửa hàng trực tiếp, có địa chỉ cụ thể, giao dịch thương mại điện tử được diễn ra trên môi trường mạng, khó kiểm chứng thông tin để nhận dạng người bán cũng như giám sát doanh thu. Thực tế trên dẫn đến khó khăn trong việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Để đảm bảo sự bình đẳng giữa các mô hình kinh doanh truyền thống và thương mại điện tử, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiến hành kinh doanh, vấn đề đặt ra là phải có một cơ chế giám sát và quản lý thuế hiện đại trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó chú trọng tính kết nối dữ liệu giữa các doanh nghiệp thương mại điện tử và cơ quan thuế.