Từ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đặt ra vấn đề, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát nội dung cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA); điều chỉnh chính sách đầu tư phù hợp để tận dụng cơ hội từ các FTA. Vậy làm sao có thể chớp thời cơ, tận dụng cơ hội từ các hiệp định FTA để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội?
Ông Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng đã trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết xung quanh vấn đề này.
Ông Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Quang Vinh.
PV:Thưa ông, kết quả điều tra gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, trên 70% doanh nghiệp chưa biết đến Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam-EU. Đây là con số đáng lo ngại khi các hiệp định này được cho là “cánh cửa” dẫn doanh nghiệp ra với thế giới. Vậy theo ông chúng ta cần giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?
Ông Trần Hoàng Ngân: Hiện nay Chính phủ, cụ thể là Bộ Công thương đã có những văn bản hướng dẫn, thông tin chia sẻ cho doanh nghiệp. Vấn đề quan trọng chúng ta phải tuyên truyền rộng hơn nữa. Bên cạnh đó thông qua các đối thoại, bàn tròn, hội thảo để phân tích cho doanh nghiệp hiểu rõ những cơ hội, thách thức khi ký kết các hiệp định này. Thực tế khi Chính phủ ký kết và thông qua Quốc hội phê duyệt, những vấn đề này đã được mổ xẻ, phân tích, thấy có lợi nhiều hơn bất lợi. Nhưng trong triển khai thực tế, nếu ta không tận dụng được các lợi thế đó thì bất lợi sẽ đến nhiều hơn. Do đó vấn đề chính là tận dụng được các cơ hội.
Phần lớn doanh nghiệp của ta là nhỏ và vừa nên khả năng tiếp cận với chính sách thường mỏng manh. Vì vậy cần phải có những tổ chức kết nối, giống như những trung tâm xúc tiến, trung tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp một cách phi lợi nhuận, nghĩa là chỉ phục vụ cho doanh nghiệp. Chúng ta phải hỗ trợ cho doanh nghiệp để họ có điều kiện giảm các chi phí. Khi doanh nghiệp giảm chi phí, lợi nhuận sẽ có điều kiện quan tâm tới người lao động như: Tăng sự hỗ trợ cho người lao động, tăng điều kiện phục vụ cho người lao động, tăng máy móc thiết bị phục vụ cho người lao động, tận dụng các lợi thế trong các hiệp định FTA.
Độ mở của nền kinh tế nước ta rất lớn, nằm trong những nước có độ mở lớn nhất trên thế giới. Do đó phải có cơ chế chính sách, và cần có “tổ trợ lực”, giống như tổ tình nguyện trong bộ máy chính quyền. Từ Chính phủ, các tỉnh, thành phố, quận, huyện cũng phải có “tổ trợ lực” để giúp cho các doanh nghiệp tiếp cận các lợi thế của các hiệp định FTA, phải có chiến lược đầu tư để tận dụng được các cơ hội.
Độ mở của nền kinh tế nước ta rất lớn, nhưng chỉ một tác động nhỏ của tình hình thế giới cũng sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam. Vậy trong bối cảnh đó, theo ông làm sao để tránh được các tác động hay những “cú sốc” đó đem lại?
- Tình hình thế giới diễn biến khó lường, cho nên theo tôi cần phải quan tâm tới thị trường nội địa- một thị trường 97 triệu dân. Thế nhưng, để làm được việc đó thì hàng Việt Nam cũng phải cạnh tranh chính trên thị trường trong nước, trong bối cảnh hàng nước ngoài vào nước ta rất nhiều. Để hàng Việt Nam có thể cạnh tranh được với hàng nước ngoài, ta phải giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm của doanh nghiệp. Muốn giảm những cái đó liên quan đến nhiều yếu tố. Ví dụ như cơ sở hạ tầng, kết cấu hạ tầng giao thông, giảm lãi suất ngân hàng, tức là chi phí trong sản xuất kinh doanh phải giảm, giúp cho doanh nghiệp cạnh tranh chính trên thị trường trong nước. Lúc đó mới hạn chế được các tác động do độ mở của nền kinh tế đem lại.
Trong bối cảnh xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc rất may ta lại ở giữa, tức nhập siêu từ Trung Quốc nhưng lại xuất siêu từ Mỹ, và thị trường châu Âu. Chính điều đó giúp cho ta cân bằng được cán cân thanh toán và cán cân thương mại. Xuất khẩu và nhập khẩu tăng, nhưng xuất khẩu tăng lớn hơn nhập khẩu.
Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với FTA. Ảnh: TTXVN.
Hiện nay vấn đề được nhiều doanh nghiệp than phiền vẫn là những thủ tục hành chính khiến phát sinh chi phí phi chính thức làm cho chi phí sản xuất tăng cao. Trong bối cảnh đó theo ông cần chính sách đột phá nào từ phía Nhà nước với vai trò “bà đỡ”?
- Chính phủ hiện đang đi đúng hướng, xây dựng Chính phủ minh bạch, kiến tạo, triển khai Chính phủ điện tử rồi vấn đề phân cấp, phân quyền rõ ràng giữa Trung ương và địa phương. Cho nên chúng ta phải có các trung tâm xúc tiến hỗ trợ. Như tại TP Hồ Chí Minh có tổ hỗ trợ đầu tư, nghĩa là nhà đầu tư vướng gì thì tổ đó và Chủ tịch thành phố sẽ trực tiếp giải quyết điểm nghẽn. Do đó cần có trung tâm xúc tiến hỗ trợ để thúc đẩy, làm cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan hành chính nhà nước. Thông qua đầu mối là các cơ quan quản lý nhà nước, họ sẽ nắm bắt tình hình, phối hợp để giải quyết thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, tôi muốn lưu ý là hệ thống luật pháp phải làm sao cho đồng bộ, và hạn chế việc chỉnh sửa liên tục, thiếu sự ổn định, gây ảnh hưởng tới tâm lý của nhà đầu tư. Thể chế cộng với sự tinh gọn của hệ thống chính trị hiệu lực, hiệu quả sẽ giúp cho nhà đầu tư, cụ thể là doanh nhân Việt Nam mạnh dạn đầu tư dài hạn hơn, đầu tư vào các sản xuất lớn tạo ra sản phẩm lớn giống như Tập đoàn Samsung, Intel.
Hiện ở ta, các doanh nghiệp lớn đều nhờ vào bất động sản và dịch vụ ngắn hạn. Để có nhiều doanh nghiệp lớn mạnh nhờ vào đầu tư dài hạn thì hệ thống luật pháp phải ổn định. Kinh tế vĩ mô đang làm điểm sáng vì ta giữ được ổn định kinh tế vĩ mô nên đồng tiền giữ được ổn định, lãi suất không tăng, doanh nghiệp dễ dàng vay dài hạn để đầu tư. Nhưng đi liền với nó ngoài thể chế; kinh tế vĩ mô còn kết cấu hạ tầng giao thông, giảm chi phí logistic. Nếu ta giải quyết được 3 bài toán này sẽ giúp tháo gỡ khó khăn để kinh tế tăng tốc.
Trân trọng cảm ơn ông!