Theo ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), với lượng dự trữ quốc gia hiện nay và chỉ mất khoảng 90 ngày để sản xuất một vụ lúa thì hoàn toàn yên tâm về an ninh lương thực cũng như chớp được thời cơ tốt nhất cho xuất khẩu.
Cũng theo ông Cường, mục tiêu sản lượng hơn 43 triệu tấn trong năm nay hoàn toàn có thể đạt được. Về nguồn cung lúa gạo không ảnh hưởng nhiều, hoàn toàn đảm bảo an ninh lương thực, nhu cầu tiêu dùng cũng như xuất khẩu.
Đến trung tuần tháng 7, cả nước gieo cấy được gần 6,2 triệu ha lúa. Các địa phương cũng đã thu hoạch gần 3,7 triệu ha. Năng suất bình quân đạt 65,7 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha. Dự kiến năm nay, cả nước sẽ sản xuất được từ 43,2 - 43,4 triệu tấn lúa, tăng 1,8-2% so với năm 2022. Với tình hình sản xuất lúa này sẽ đảm bảo an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu được từ 7-7,5 triệu tấn.
“Băn khoăn về việc thiếu gạo trong nước nếu đẩy mạnh xuất khẩu khi giá gạo trên thế giới tăng cao là điều khó có thể xảy ra” - ông Cường nhấn mạnh.
Kiểm tra tình hình sản xuất tại Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ, Cục Trồng trọt khẳng định đến thời điểm này sinh trưởng và phát triển của cây lúa đang rất tốt. Nếu không có gì bất lợi từ thời tiết, thiên tai xảy ra bất thường thì năm 2023 Việt Nam sẽ được mùa với sản lượng khoảng 43,2- 43,3 triệu tấn lúa. Năm 2024, 2025, hiện tượng El Nino sẽ có tác động đến cây lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, Việt Nam đã có kinh nghiệm ứng phó với hiện tượng này các năm 2015-2016 nên có những biện pháp, phương án để bảo đảm việc trồng lúa của Việt Nam sẽ ít bị tác động tiêu cực từ hiện tượng thời tiết này tới trồng trọt nói chung và cây lúa nói riêng.
Trước đó, Bộ Công thương đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xuất khẩu gạo và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) báo cáo về tình hình lúa gạo tồn kho, hợp đồng xuất khẩu về cơ quan này trước ngày 3/8/2023. Cụ thể: Bộ Công thương đề nghị VFA và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trước hết thực hiện nghiêm túc Nghị định 107 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo. Thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định nhằm đảm bảo cân đối giữa xuất khẩu và tiêu dùng nội địa nhằm góp phần bình ổn thị trường lúa gạo trong nước.
Liên quan đến việc Ấn Độ cấm xuất khẩu cám gạo có ảnh hưởng đến việc sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam hay không? Ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, nhu cầu sử dụng cám gạo của Việt Nam không lớn và cám gạo không phải là thành phần quan trọng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Mỗi năm Việt Nam cần khoảng 4,7 triệu tấn cám gạo để làm thức ăn chăn nuôi, tuy nhiên thị trường trong nước đã đáp ứng khoảng 4 triệu tấn, nhập khẩu chỉ 0,7 triệu tấn/năm và thành phần cám gạo chỉ chiếm từ 5-10%. Theo ông Đăng, cám gạo có thể thay thế bằng cám mì, bởi cám mì có giá trị dinh dưỡng cao, giá cũng phù hợp. Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu cám không đáng lo ngại với sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước.
Dự kiến năm nay, cả nước sẽ sản xuất được từ 43,2 - 43,4 triệu tấn lúa, tăng 1,8-2% so với năm 2022. Với tình hình sản xuất lúa này sẽ đảm bảo an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu được từ 7-7,5 triệu tấn.