Xuất khẩu gạo: Chú trọng khâu chế biến

DUY KHANG 16/07/2023 07:16

Xuất khẩu gạo đang có nhiều tín hiệu vui khi tăng trưởng ở hầu hết các thị trường, đặc biệt là tại một số thị trường chính như Philippines, châu Âu, Mỹ. Giới chuyên gia nhận định, các doanh nghiệp (DN) ngành gạo cần phải đẩy mạnh hơn nữa đầu tư vào chế biến sâu, tạo ra những sản phẩm làm từ gạo đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng ở thị trường thế giới.

Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đến nhiều thị trường tăng trưởng rõ nét. Ảnh: Quang Vinh.

Bức tranh xuất khẩu nhiều điểm sáng

Nhận định về bức tranh xuất khẩu ngành lúa gạo, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho hay, hoạt động xuất khẩu gạo sang hầu hết thị trường đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt, thậm chí đột biến ở những thị trường mới.

Cụ thể, đi qua nửa chặng đường của năm 2023, xuất khẩu gạo sang các thị trường quốc tế đều ghi nhận những con số tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Theo đó, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, đạt 772 triệu USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm trên 40% tổng khối lượng gạo xuất khẩu và chiếm tới 89,6% tổng giá trị nhập khẩu gạo của quốc gia này.

Gạo xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sau một thời gian khá dài chứng kiến sự sụt giảm đến nay cũng bật tăng mạnh, tính đến hết tháng 5/2023, quốc gia này đã chi 364,2 triệu USD mua gạo Việt Nam, tăng 79,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, Indonesia bất ngờ vươn lên vị trí số 3 về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023 với khối lượng đạt 369.032 tấn, tăng 16 lần so với cùng kỳ năm ngoái, với kim ngạch đạt 181,4 triệu USD. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu gạo sang Chile và Thổ Nhĩ Kỳ trong 5 tháng đầu năm đã tăng vọt lần lượt là 2.930% và 12.843% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu gạo sang một số thị trường tại EU cũng ghi nhận mức tăng trưởng ở mức ba con số như: Ba Lan tăng 117,4%, Bỉ tăng 164,9%, Tây Ban Nha tăng 307,6%...

Giá gạo xuất khẩu cũng trong xu hướng tăng mạnh, lên mức cao nhất trong vòng 2 năm qua. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, một trong số những nguyên nhân khiến giá gạo Việt Nam neo cao kỷ lục có thể do hiện tượng El Nino kéo theo những điều kiện thời tiết nóng và khô hơn sẽ khiến lượng dự trữ gạo của thế giới giảm 5%, xuống còn 173,5 triệu tấn trong niên vụ này, gây hậu quả nghiêm trọng đối với vựa lúa gạo châu Á.

Những tín hiệu nói trên cho thấy, bức tranh xuất khẩu gạo đang có nhiều khởi sắc. Để có được sự khởi sắc đó, một phần nhờ sự nỗ lực rất lớn của nhà quản lý, cộng đồng DN trong việc nâng cao chất lượng, giá trị hạt gạo, gây dựng thương hiệu và nâng sức cạnh tranh cho hạt gạo Việt Nam. Điều này thể hiện rõ nét ở việc, gạo Việt đã đạt được thứ hạng cao trong các cuộc thi gạo quốc tế. Đáng chú ý, một số tập đoàn lớn đang tập trung sản xuất gạo chất lượng cao có thương hiệu xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản...

Bộ NN&PTNT cũng nhận định, cơ cấu xuất khẩu gạo đã có những chuyển biến tích cực. Hiện gạo cao cấp và gạo thơm chiếm khoảng 50% phân khúc gạo xuất khẩu.

Theo thông tin từ các DN xuất khẩu gạo, từ đầu năm đến nay, liên tiếp nhận được các đơn hàng lớn. Đơn cử, Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, từ đầu năm đến nay, công ty đã xuất khẩu hơn 5.000 tấn gạo sang thị trường châu Âu; khoảng 32.000 tấn gạo sang Hàn Quốc; ngoài ra còn xuất khẩu vào các thị trường như: Trung Đông, Malaysia, Trung Quốc…

Về giá gạo xuất khẩu, bình quân 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể: Tính đến ngày 23/6, gạo 5% tấm của Việt Nam có giá 503 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với 10 ngày trước đó, bằng với giá gạo 5% tấm của Thái Lan và cao hơn khoảng 15 USD/tấn so với gạo cùng loại của Ấn Độ. Gạo 25% tấm của Việt Nam cũng tăng 5 USD/tấn lên 478 USD/tấn, cao hơn 8 USD/tấn so với gạo cùng chủng loại của Thái Lan và cao hơn khoảng 25 USD/tấn so với gạo Ấn Độ.

Đầu tư mạnh vào chế biến sâu

Nhận định về tình hình xuất khẩu gạo những tháng cuối năm, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) Tô Ngọc Sơn đánh giá, nhu cầu nhập khẩu gạo tại thị trường truyền thống của Việt Nam như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia và các quốc gia châu Phi tăng cao mở ra nhiều cơ hội để ngành gạo tăng tốc xuất khẩu. Đặc biệt, cả Indonesia và châu Phi đều công bố lượng nhập khẩu tăng đáng kể so với năm trước, bảo đảm dự trữ lương thực quốc gia.

Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng đưa ra dự báo đầy khả quan: Xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục thuận lợi. Trong ngắn hạn, giá gạo vẫn ở mức tốt do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên. Đây là yếu tố mang lại nhiều thuận lợi cho các DN xuất khẩu gạo thời gian tới.

Có thể thấy, xuất khẩu gạo đang có nhiều dư địa và cơ hội để phát triển. Dù vậy, các DN xuất khẩu gạo vẫn còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn nâng tầm, nâng vị trí, thương hiệu của mình cao hơn trên thị trường quốc tế. Theo giới chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu gạo vẫn chưa đạt được giá trị gia tăng như kỳ vọng là do Việt Nam còn thiếu các sản phẩm chế biến sâu từ gạo trong khi nhu cầu tiêu dùng trên thế giới đối với các loại sản phẩm này ngày một tăng và giá bán cũng cao hơn gấp nhiều lần so với gạo thô.

Chính bởi vậy, các DN xuất khẩu gạo cần phải đẩy mạnh hơn nữa đầu tư vào chế biến sâu, tạo ra những sản phẩm làm từ gạo như: Nước uống từ gạo, sữa gạo, mỳ, bún... đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng ở thị trường thế giới. Theo ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, đây là phân khúc giá trị rất cao, vì nếu loại gạo chế biến có mức giá gần 700 USD/tấn thì giá trị đem lại của sản phẩm chế biến có thể nâng giá trị của 1 tấn gạo đó lên đến 2.500 - 3.000 USD...

Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua, các DN cũng đã nỗ lực trong việc hoàn thiện các khâu, chuỗi sản xuất. Theo đó, việc sử dụng các phụ phẩm trong quá trình chế biến lúa gạo, từ vỏ trấu đến cám gạo... cũng đều đã đạt được giá trị gia tăng lớn. Tuy nhiên, DN cần phối hợp với địa phương đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo theo hướng xanh, sạch, bền vững.

Để thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo, tận dụng thời cơ, cơ hội thị trường, tạo đà tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2023, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT trong việc cơ cấu lại chủng loại giống đặc thù, mã vùng trồng phục vụ cho chiến lược xuất nhập khẩu gạo, cơ cấu lại thị trường xuất khẩu… để cung cấp cho thị trường sản phẩm gạo chất lượng tốt hơn. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phù hợp với Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030, cũng như Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất khẩu gạo: Chú trọng khâu chế biến

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO