Dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt khoảng 6,5 - 7 triệu tấn, trong đó có khoảng 3 triệu tấn gạo chất lượng cao. Triển vọng xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn “rộng cửa” trong dài hạn với nhiều thị trường tiềm năng.
Những bứt phá ngoạn mục
Tháng 2/2023, 15 tấn gạo hữu cơ của nông dân tỉnh Quảng Trị được xuất khẩu sang thị trường châu Âu với giá 1.800 USD/tấn. Hiện nay, mỗi tháng có khoảng 30 - 50 tấn gạo hữu cơ Quảng Trị xuất khẩu sang châu Âu. Sự kiện này không chỉ mở ra triển vọng của riêng tỉnh Quảng Trị mà còn là cơ hội để ngành gạo mở rộng sản xuất lúa và gạo hữu cơ xuất khẩu.
Thời gian qua với chủ trương giữ vững sản lượng, tập trung vào chất lượng để ngày càng nâng cao giá trị xuất khẩu ngành gạo đã có những bứt phá ngoạn mục. Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2023 tuy giảm 19,3% về khối lượng, nhưng tăng 30,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Tính riêng trong tháng 3, xuất khẩu gạo ước đạt 900 nghìn tấn, trị giá 480 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2023 đạt 1,79 triệu tấn và 952 triệu USD, tăng tới 68,3% về lượng và tăng 67,6% về trị giá so với tháng trước; đồng thời so với cùng kỳ năm ngoái tăng 69,3% về lượng và 82,3% về trị giá.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng nhận định, giá gạo xuất khẩu đang có xu hướng tăng lên. Tính đến cuối tháng 3, giá gạo 5% tấm của Việt Nam dao động trong khoảng 468 - 472 USD/tấn, tăng 25 USD/tấn so với cuối tháng trước; giá gạo Jasmines cũng tăng khoảng 10 USD/tấn lên 548 - 552 USD/tấn. Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm của Thái Lan hiện đang giao dịch ở mức 480 - 484 USD/tấn, tăng 27 USD/tấn so với tháng trước.
Đề cập về triển vọng xuất khẩu gạo sang thị trường EU, ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết, sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, Lộc Trời là đơn vị được chọn xuất khẩu đơn hàng gạo đầu tiên sang thị trường EU. Đến nay, đơn vị này đã xuất khẩu khoảng 30 nghìn tấn gạo sang EU.
Cũng theo ông Thuận, cơ hội cho gạo Việt Nam tại thị trường này thực sự đến khi tháng 9/2022 lô hàng 500 tấn gạo mang thương hiệu riêng Cơm VietNam Rice đầu tiên được đưa lên kệ các chuỗi siêu thị bán lẻ lớn tại Pháp. Sau đó, các khách hàng đã nhập thêm 500 tấn và trong vòng 1 tháng đã tiêu thụ hết 1.000 tấn gạo thương hiệu riêng của Việt Nam.
Đáng chú ý, thông qua hệ thống siêu thị bán lẻ Leclerc (hệ thống siêu thị với gần 600 đại siêu thị và hơn 100 siêu thị trên khắp nước Pháp) và siêu thị Carrefour (hệ thống đại siêu thị lớn nhất châu Âu), gạo Cơm VietNam Rice không chỉ tiếp cận người tiêu dùng Pháp mà đã đến với thị trường Đức, Hà Lan... Đơn hàng đặt riêng cho năm 2023 lên đến 400 nghìn tấn.
Tương tự ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An chia sẻ, năm 2023, trong phân khúc gạo thơm ST xuất khẩu sang EU, phía Trung An đã ký kết xuất khẩu gạo thơm ST với giá 1.250 USD/tấn. Đây được xem là kỳ tích của ngành gạo nước nhà.
Nâng chất thương hiệu gạo Việt
Có được kết quả trên, theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) thời gian qua, các bộ, ngành đã có sự hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) để chuyển đổi từ phẩm cấp thấp và trung bình sang chất lượng cao, gạo thơm, gạo hữu cơ… Đây là nguyên nhân chính giúp giá xuất khẩu tăng cao và giúp gạo Việt Nam giữ vững được vị thế xuất khẩu.
Bộ Công thương dự báo xuất khẩu gạo năm nay có thể chạm ngưỡng 7 triệu tấn do sự quay trở lại của các thị trường như Indonesia, Bangladesh. Trung Quốc mở cửa lại sau dịch khiến nhu cầu nhập khẩu tăng.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức tiềm ẩn cho xuất khẩu gạo năm nay do thương nhân còn hạn chế trong chiến lược đa dạng hóa thị trường. Hơn nữa, thị trường xuất khẩu gạo vẫn có dấu hiệu thiếu bền vững, phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống. Song, theo đại diện Bộ Công thương, giữ vững sản lượng và tập trung vào chất lượng để ngày càng nâng cao giá trị xuất khẩu sẽ là hướng đi đúng đắn cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
"Đây là cách chúng ta đi vào thị trường khó tính một cách bền vững hơn thay vì hạt gạo giá rẻ chất lượng thấp. Với những thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu thì yêu cầu hạt gạo ở cấp độ khác. Giá bán gạo ở thị trường đấy cũng khác. Chúng ta cố gắng xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng hạt gạo để hướng đến thị trường như vậy" - ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết.
Bà Trần Thị Trà - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, cũng cho rằng cần xây dựng thương hiệu trong xuất khẩu gạo. Thương hiệu gạo chính là đầu ra của các sản phẩm lúa gạo. “Phát triển thương hiệu gạo, đặc biệt cho xuất khẩu mà không có quy mô sản xuất lớn sẽ rất khó thành công”- bà Trà nhận định.
Nhằm nâng cao giá trị gạo xuất khẩu, mới đây Bộ NN&PTNT đã triển khai đề án xây dựng vùng 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Không chỉ tập trung sản xuất các loại lúa có giá trị cao, vùng lúa này còn ưu tiên sử dụng các nguyên liệu đầu vào giảm phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, nhằm thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu và góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính.
Theo ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), triển vọng xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn "rộng cửa" trong dài hạn. Với những thị trường khó tính như: châu Âu, Hàn Quốc, Australia và một số thị trường mới mở ở các nước khu vực Trung Đông sẽ tiếp tục tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt gia tăng xuất khẩu khi người tiêu dùng đang rất chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam.