Mới đây, Tập đoàn Hòa Phát và Công ty Formosa đã nộp đơn lên Bộ Công thương kiến nghị điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu, sau khi gia tăng một lượng thép nhập khẩu.
Ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng Giám đốc Hòa Phát cho hay, trong 3 năm trở lại đây có hiện tượng thép ngoại tràn vào các nước trong đó có Việt Nam. Một số hãng thép nhập khẩu có giá rẻ, chào hàng giá thấp có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh để được tiêu thụ được sản phẩm tại Việt Nam. Ngành sản xuất thép nội địa đang bị ảnh hưởng.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2023, lượng nhập khẩu thép cuộn cán nóng bằng 143% so với lượng sản xuất trong nước. Quý 1/2024, lượng nhập khẩu HRC đạt 3 triệu tấn, gấp 1,5 lần so lượng sản xuất trong nước.
Đáng chú ý, thị phần thép cuộn cán nóng của hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng từ 32% lên gần 46% trong năm 2023.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), doanh nghiệp (DN) sản xuất hướng tới xuất khẩu bền vững nhưng cũng phải giữ thị trường nội địa chắc chắn. Phòng vệ thương mại đã trở thành xu hướng, chiến lược song hành với mở cửa hội nhập của mỗi quốc gia. Vì thế DN trong nước cũng cần liên kết với nhau, tiêu thụ sản phẩm của nhau.
Hiện Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Trong bối cảnh các quốc gia nỗ lực bảo hộ hàng sản xuất trong nước thì chính Việt Nam cũng cần sử dụng một số công cụ chính sách thương mại để bảo vệ DN nội đối với hàng hóa nhập khẩu.
Giới chuyên gia phân tích, bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp, việc cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá nhiều sản phẩm sẽ diễn ra nhiều hơn. Đặc biệt với ngành thép, hầu như DN từ lớn tới nhỏ trong các năm vừa qua đều đối diện với tình trạng thua lỗ, giảm sản xuất, giảm bớt lao động. Do vậy, chính bản thân DN cũng cần nâng cao chất lượng sản phẩm và liên kết các DN cùng ngành để xây dựng hàng rào bảo vệ sản xuất nội địa.
TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhấn mạnh, DN yêu cầu khởi kiện điều tra chống bán phá giá là việc bình thường. Cơ quan quản lý nhà nước khi tiếp nhận yêu cầu sẽ thực hiện theo quy trình cũng như các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Quan trọng nhất là cần đánh giá tác động đầy đủ nếu không áp thuế chống bán giá phá thì sẽ tác động đến sản xuất trong nước như thế nào? Còn nếu áp thuế chống bán phá giá vừa phù hợp với cam kết quốc tế vừa giảm thiểu tiêu cực cho DN sản xuất thì tác động thế nào đến tổng thể của ngành… Do đó một cuộc điều tra để có đánh giá cụ thể, chi tiết cũng rất cần thiết.
Chia sẻ với báo giới, ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, từ trước đến nay hiệp hội nhất quán quan điểm là bảo vệ sản xuất trong nước nói chung. Những năm qua, Nhà nước cũng có nhiều giải pháp bảo vệ các hoạt động sản xuất trong ngành khi áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, đánh thuế chống bán phá giá với một số sản phẩm nhập khẩu như thép cán nguội, tôn mạ màu, thép không gỉ... Chính vì vậy, khi có dấu hiệu thép cán nóng nhập khẩu vào Việt Nam bán phá giá thì cần thiết mở cuộc điều tra để có thông tin chi tiết. Từ đó sẽ đưa ra các giải pháp để bảo vệ sản xuất cho ngành thép.
Trước việc thép ngoại tràn vào Việt Nam, nhiều chuyên gia đã đưa ra khuyến nghị cần xem xét xây dựng quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam. Theo đó, thép nhập khẩu cần phải có giấy chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam trước khi nhập khẩu; tăng cường điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để hạn chế sản phẩm thép cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước.