Kinh tế

“Áo giáp” phòng vệ thương mại

H.Hương 13/03/2024 07:33

Các nước nhập khẩu vẫn đang tăng cường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nước ngoài vào thị trường nước mình. Để giữ được lợi thế và hạn chế những rủi ro, doanh nghiệp cần chuẩn bị “áo giáp” ứng phó tốt với các vụ kiện và tham gia các lớp tập huấn, cập nhật các thông tin quan trọng về diễn biến thị trường.

cover.jpg
Đến thời điểm này, hàng hoá xuất khẩu Việt Nam đã đối diện với 239 vụ việc liên quan kiện phòng vệ thương mại (ảnh: Hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Tân Vũ, Hải Phòng). Ảnh: Quang Vinh.

Cách đây hơn 1 tuần, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ Canada điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) đối với mặt hàng dây thép nhập khẩu từ Việt Nam.

Những diễn biến phức tạp

Theo Phòng Xử lý PVTM nước ngoài, Cục PVTM (Bộ Công thương), tính đến nay, Canada đã khởi xướng điều tra 8 vụ việc PVTM đối với các mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có 5 vụ việc chống bán phá giá, 2 vụ việc chống trợ cấp và 1 vụ việc tự vệ.

Canada nhắm tới hầu hết các mặt hàng loại hình thép xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thép cốt bê tông, thép tấm chống ăn mòn, thép cuộn, ống thép dẫn dầu OCTG…

Với chính sách giám sát và siết chặt quản lý thép nhập khẩu để bảo vệ thị trường nội địa, dự kiến trong thời gian tới, Canada sẽ tiếp tục nghiên cứu, điều tra với những mặt hàng/loại hình thép còn lại của Việt Nam, trong đó có mặt hàng dây thép.

Cục PVTM đưa ra cảnh báo về nguy cơ Canada điều tra áp dụng biện pháp PVTM đối với mặt hàng dây thép nhập khẩu từ Việt Nam, đồng thời khuyến nghị doanh nghiệp (DN), hiệp hội, DN liên quan cần rà soát lại việc xuất khẩu dây thép sang thị trường Canada (tham khảo các mã HS sau: 7223, 7213, 7227, 7306). Đồng thời, chuẩn bị ứng phó trong trường hợp Canada tiến hành điều tra vụ việc PVTM; chủ động nghiên cứu, nắm vững quy định, thủ tục điều tra phòng vệ của Canada. Trong trường hợp bị điều tra, hiệp hội, DN liên quan cần có chiến lược tham gia, xử lý vụ việc; hợp tác đầy đủ theo yêu cầu của cơ quan điều tra; thường xuyên phối hợp để nhận được sự hỗ trợ từ Cục PVTM.

Chưa hết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) cũng đã phát đi thông tin tiếp tục gia hạn thời gian điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và lẩn tránh thuế PVTM đối với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. Theo thông báo của DOC, kết luận cuối cùng về điều tra xem xét phạm vi sản phẩm dự kiến được ban hành vào ngày 5/4/2024. Đối với điều tra lẩn tránh thuế, DOC cũng đã tiếp tục gia hạn thời gian ban hành kết luận sơ bộ và kết luận cuối cùng của vụ việc tới ngày 19/4 và ngày 18/7/2024.

Vụ việc điều tra phạm vi sản phẩm và lẩn tránh thuế PVTM bị DOC lần lượt khởi xướng từ tháng 5 và tháng 6/2022. Tháng 9/2023, DOC ban hành thông báo điều chỉnh kết luận sơ bộ tháng 3/2023, theo đó liệt kê 3 trường hợp tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam có các bộ phận sản xuất tại Trung Quốc, thuộc phạm vi của lệnh áp thuế gốc với Trung Quốc. Trước đó, từ 4/2020 đến nay, Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với tủ gỗ có xuất xứ từ Trung Quốc với mức thuế từ 4,37% đến 262,18%, mức thuế chống trợ cấp từ 13,33% đến 293,45%.

Ngày 14/2/2024, DOC đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với một số sản phẩm đĩa giấy nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam.

Một thông tin đáng lo ngại nữa là tổng vụ PVTM Ấn Độ (DGTR) đã khởi xướng điều tra chống trợ cấp đối với mặt hàng kính cường lực tráng và không tráng có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam. Tổng cục Nhập khẩu Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ (DGI) ban hành thông báo gia hạn áp dụng thuế tự vệ đối với sản phẩm bàn chải đánh răng nhập khẩu vào Thổ Nhĩ Kỳ kể từ ngày 3/2/2024 đến ngày 2/2/2027. Việt Nam không được loại trừ do nằm trong danh sách các quốc gia có lượng nhập khẩu đáng kể vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Trên thực tế, mặc dù các hiệp định thương mại (FTA) đều hướng tới mục tiêu dỡ bỏ các rào cản thương mại, nhưng vẫn cho phép các nước thành viên sử dụng một số công cụ chính sách thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, PVTM sẽ là công cụ để các quốc gia bảo vệ hàng hóa trong nước cũng như định hình thị trường, dẫn tới nguy cơ kiện PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam ngày càng lớn.

Theo Cục PVTM, tính đến nay hàng hoá xuất khẩu Việt Nam đã đối mặt với 239 vụ việc liên quan kiện PVTM. Mặt hàng bị điều tra PVTM ngày một đa dạng.

anh-to.jpg
Thép - một trong những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với các rào cản thương mại từ quốc gia nhập khẩu. Nguồn: TTXVN.

Cần sử dụng nguyên vật liệu có nguồn gốc

Việc bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM sẽ tác động tới xuất khẩu. Nếu các DN xử lý không tốt, hàng hóa xuất khẩu của DN sẽ bị áp dụng thuế PVTM ở mức cao, làm giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất một phần thị trường xuất khẩu. Thông thường, khi một thị trường tiến hành điều tra PVTM đối với hàng hóa của DN thì đó cũng là thị trường xuất khẩu lớn, thậm chí là thị trường xuất khẩu duy nhất của DN. Đặc biệt, bị áp dụng thuế PVTM ở mức cao có thể làm đảo lộn kế hoạch kinh doanh, đe dọa sự phát triển của DN.

Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục PVTM cho hay, ở cấp độ quốc gia, nếu nhiều DN xuất khẩu trong cùng một ngành bị áp dụng thuế PVTM ở mức cao, ngành sản xuất đó sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, có thể kéo theo những tác động kinh tế - xã hội tiêu cực đối với nhiều ngành sản xuất khác có liên quan cũng như đối với các địa phương có cơ sở sản xuất của các DN. Các quy định, thực tiễn điều tra PVTM của các nước mặc dù được xây dựng theo những nguyên tắc chung nhưng cũng sẽ có những thay đổi, điều chỉnh thường xuyên để phù hợp với tình hình thực tế. Điều này bắt buộc công tác xử lý các vụ việc điều tra PVTM không ngừng được cập nhật, nghiên cứu, rút kinh nghiệm để có những định hướng tốt nhất cho các DN xuất khẩu của Việt Nam.

Luật sư Đinh Ánh Tuyết - trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Văn phòng Luật sư IDVN cho rằng, DN cần thường xuyên cập nhật thông tin về các vụ điều tra PVTM và tham gia lớp tập huấn, cập nhật các thông tin quan trọng về diễn biến thị trường thường xuyên cho DN.

Để hỗ trợ DN ứng phó với các vụ việc điều tra PVTM, bà Nguyễn Hằng Nga - Phó Trưởng phòng Phòng Xử lý PVTM (Cục PVTM) cho biết, Cục PVTM đã ban hành danh mục cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra PVTM, công bố cho các DN, hiệp hội và các địa phương, bộ, ngành liên quan để cùng phối hợp với DN theo dõi. Đồng thời, DN cần cập nhật thông tin liên quan đến các vụ kiện từ các văn phòng luật sư hay từ chính các cơ quan PVTM.

Sự chuẩn bị này sẽ giúp DN có thời gian chuẩn bị nhiều hơn, tốt hơn về cả nguồn lực, kiến thức quy định pháp luật của nước sở tại. Đặc biệt, các DN cần quan tâm theo dõi diễn biến của các vấn đề liên quan đến kiện PVTM để có sự phối hợp và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Cục PVTM. Như vậy, với sự chuẩn bị từ sớm, từ xa, DN, ngành hàng sẽ có sự chủ động ứng phó với các vụ kiện PVTM một cách hiệu quả; đặc biệt là tránh được các thiệt hại, các ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu.

Để phòng tránh, giảm thiểu rủi ro do điều tra PVTM, tại Báo cáo kiến nghị của Trường Đại học Kinh tế quốc dân về phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới cho rằng, cần đẩy mạnh công tác dự báo, cảnh báo sớm cho các DN những mặt hàng có thể gặp rủi ro bị tiến hành điều tra.

Ngoài theo dõi dựa trên các mặt hàng có khối lượng xuất khẩu tăng đột biến hoặc chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu xuất khẩu tới các thị trường, việc điều tra cần tích cực theo dõi dòng chảy thương mại của từng mặt hàng trên thế giới, xây dựng mô hình dự báo chính xác hơn. Đặc biệt, cần thực hiện các giải pháp chứng minh hàng hóa Việt Nam không bán phá giá.

DN cần sử dụng nguyên vật liệu có nguồn gốc xuất từ các quốc gia nằm trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Đây là một trong những điều kiện cần có để minh chứng nguyên vật liệu được nhập khẩu từ thị trường ưu đãi, cùng với giá nhân công tương đối thấp, cấu thành mức giá xuất khẩu phù hợp, không có trợ cấp của Chính phủ.

anh-theo-box.jpg

Theo bà Nguyễn Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khi đối mặt với các vụ điều tra thương mại, doanh nghiệp bắt buộc phải sử dụng các dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp về mặt pháp lý, tư vấn về mặt kinh tế từ các chuyên gia về phòng vệ thương mại, thường sẽ phải sử dụng các dịch vụ ở chính các nước mà họ đang kiện chúng ta. Cùng với đó, doanh nghiệp vẫn phải chuẩn bị về mặt năng lực, hiểu biết liên quan đến bản chất của các biện pháp phòng vệ thương mại. Bởi doanh nghiệp hiểu vấn đề thì mới có cách hành xử đúng và phối hợp được tốt với các đơn vị, mới chủ động lựa chọn được đơn vị tư vấn để phối hợp tốt với đơn vị tư vấn cũng như các đơn vị liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Áo giáp” phòng vệ thương mại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO