Chưa bỏ biên chế giáo viên: Làn gió mát giữa ngày hè oi ả

Thế Tuấn 11/06/2017 08:10

Tại phiên họp Quốc hội ngày 9/6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, chủ trương chuyển giáo viên từ công chức, viên chức sang chế độ hợp đồng lao động sẽ tiến hành thí điểm trong phạm vi hẹp, để rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng. Ý kiến của người đứng đầu ngành giáo dục đã tạm khép lại nỗi lo lắng của nhiều người làm công tác giáo dục, được ví như làn gió mát giữa ngày hè oi ả.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: Trước mắt là thí điểm khu vực đại học và một số trường phổ thông, rút kinh nghiệm để nhân rộng. Đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng không thể không làm.

Việc bỏ hay không bỏ biên chế đối với giáo viên gây sự chú ý của toàn xã hội, nhất là với những người đang công tác trong ngành giáo dục, đặc biệt là với giáo viên các cấp. Tuy nhiên, tại phiên họp Quốc hội ngày 9/6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, chủ trương ấy sẽ chỉ làm thí điểm trong phạm vi hẹp, đã giúp nhiều nhà giáo bình tâm hơn.

Trước mắt chỉ làm thí điểm

Trong một phát biểu góp ý với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về chủ trương bỏ biên chế ngành giáo dục (từ công chức, viên chức chuyển sang chế độ hợp đồng lao động), GS Ngô Bảo Châu nói rằng việc này cần rất thận trọng. Bởi, xét trên bình diện thế giới thì hầu hết giảng viên đại học cỡ giáo sư là được biên chế.

Theo GS Châu, thường thì những người làm giảng dạy có thu nhập thấp hơn những người làm kinh tế. Đổi lại, họ có một sự an toàn về công việc. Cùng đó, có biên chế người ta mới cảm thấy mình là người chủ của trường.

“Tất nhiên, chúng ta muốn một môi trường năng động hơn. Nhưng không lẽ, một giáo viên phổ thông đã 40 - 45 tuổi mà lại có thể bị ngừng hợp đồng làm việc một cách dễ dàng chỉ đơn thuần họ không đáp ứng được nhu cầu hay sao?”- GS Châu nêu ý kiến phản biện.

Trở lại với phiên họp Quốc hội ngày 9/6, về vấn đề này PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu- Phó chủ nhiệm bộ môn Tim mạch Đại học Y Hà Nội cho rằng chủ trương đưa các cơ sở y tế, giáo dục công thành mô hình hoạt động độc lập như công ty, trao quyền lực lớn cho lãnh đạo đơn vị thì ngay từ khi chưa vận hành cũng đã xuất hiện một số vấn đề như: bảo hiểm y tế xuất toán ồ ạt ở địa phương; nhiều bác sĩ, giáo viên vùng sâu đồng loạt bỏ nghề; lạm dụng bảo hiểm y tế, kỹ thuật cao diễn ra tràn lan.

Vì vậy, ông đề nghị Chính phủ thận trọng với chủ trương này. “Nếu các đại biểu về thăm xã vùng cao, nơi ôtô không đến được, gặp các cô giáo và y bác sĩ ngày đêm bám trụ thì thấy không phải chỉ vì yêu nghề, họ gắn với đồng bào vùng cao vì vẫn yên tâm mình nằm trong biên chế nhà nước, là công chức trong hệ thống. Nếu bỏ biên chế trong y tế, giáo dục, cần chính sách cụ thể cho từng vùng miền”- PGS Hiếu nói đồng thời cũng cảnh tỉnh việc này có thể sẽ “giao trứng cho ác” khi hiệu trưởng toàn quyền.

PGS Hiếu cũng đề nghị, nếu bỏ biên chế y tế và giáo dục thì nên bỏ toàn bộ hệ thống, trừ lĩnh vực quốc phòng, an ninh, như hầu hết các nước. Như vậy mới bỏ được tâm lý chạy một suất biên chế cho người nhà mình. “Việc bỏ biên chế không quan trọng bằng đổi mới ngành giáo dục, vì nhược điểm ngành này ngày càng nhiều”- PGS Hiếu nói.

Tương tự, ĐBQH Nguyễn Thị Phúc- giáo viên trường THPT Minh Châu (Yên Mỹ, Hưng Yên) cho biết, ngành giáo dục nhiều địa phương đã dừng tuyển dụng từ lâu, có nơi dừng từ năm 2008. Nay lại thêm chủ trương tinh giản biên chế khiến lòng yêu nghề của giáo viên giảm sút, ngành giáo dục không thu hút được người giỏi yêu nghề.

Trước những băn khoăn rất thực tế ấy, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, việc bỏ biên chế ngành GD&ĐT sẽ được làm thí điểm trước khi nhân rộng. “Chúng tôi mới nghiên cứu, đề xuất thí điểm chuyển dần từ công chức, viên chức sang hợp đồng lao động. Trước mắt là thí điểm khu vực đại học và một số trường phổ thông, sau đó từng bước rút kinh nghiệm để nhân rộng. Đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng không thể không làm. Quan trọng là phải nghiên cứu kỹ lộ trình, thực hiện căn cơ”- Bộ trưởng nói.

Qua phát biểu trước Quốc hội của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, có thể nói đại bộ phận nhà giáo đã yên lòng hơn. Vẫn biết cần phải đổi mới, “lâu đài giáo dục” cũng phải năng động, mỗi giáo viên phải luôn trau dồi kiến thức để xứng đáng với vai trò người thầy trong điều kiện mới. Nhưng dẫu thế thì việc chế độ lao động chưa thay đổi ngay đối với họ cũng có thể ví như làn gió mát giữa ngày hè oi ả vậy.

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Với vùng cao, nhà giáo ngày đêm bám trụ gắn với đồng bào vì vẫn yên tâm mình nằm trong biên chế nhà nước, là công chức trong hệ thống.

Vẫn nóng chuyện thi vào lớp 10 trường công

Cũng trong những ngày qua, việc học sinh (HS) thi vào lớp 10 công lập thực sự nóng. Nhất là ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Tại TP HCM, năm học 2017-2018, các trường THPT công lập tuyển hơn 63.000 học sinh lớp 10, tăng hơn 1.000 chỉ tiêu so với năm trước. Tuy nhiên, so với con số 82.000 HS dự thi thì cũng có nghĩa là khoảng 20.000 học sinh rớt lớp 10 công lập.

Dù nóng, nhưng theo lãnh đạo ngành Giáo dục thành phố này thì đó cũng là điều bình thường vì chủ trương của thành phố từ nay đến năm 2020 chỉ có 70% học sinh tốt nghiệp THCS vào học lớp 10 công lập, còn 30% sẽ phân luồng. Do đó, từ năm 2017 này, mỗi năm TP sẽ giảm 3% tỉ lệ học sinh vào lớp 10 công lập, năm nay chỉ có 77%, thay vì 80% như năm trước.

Còn tại Hà Nội, năm nay có hơn 76.000 HS thi vào lớp 10, tỉ lệ “chọi” rất cao. Ví dụ như trường Chu Văn An chỉ tuyển 240 HS nhưng có đến gần 750 hồ sơ đăng ký nguyện vọng một, tỷ lệ chọi là 1:3.

Cũng chính vì khó khăn như vậy nên việc học để thi của HS cũng rất căng thẳng. Có em học tới 16 giờ mỗi ngày. Không khí căng như dây đàn. Dù đề thi không quá khó nhưng như vậy cũng có nghĩa nhiều HS đạt điểm cao, việc “lọt cửa” vẫn cứ khó đoán định. Trong những ngày trước và trong khi thi, nhiều phụ huynh đã đưa con tới Văn Miếu - Quốc Tử Giám để “xin” tiền nhân cho đỗ với tâm lý bất an.

Tuy nhiên, nếu như với giáo viên và cán bộ quản lý GD, việc chuyển từ chế độ biên chế sang hợp đồng sớm muộn gì cũng diễn ra, thì việc hệ thống trường công thu hẹp khiến cửa vào đối với HS khó hơn cũng sẽ là điều tất yếu. Vì thế, các bậc che mẹ HS rất cần chuẩn bị tâm lý cho mình và con em là trường nào cũng được, miễn là có thái độ học tập tốt. Vào được trường công ít đóng góp hơn nhưng học hành chểnh mảng thì kết quả không bằng học trường tư. Đó là một thực tế rất cần được nhìn nhận.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chưa bỏ biên chế giáo viên: Làn gió mát giữa ngày hè oi ả