Tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TPHCM) chuẩn bị được đưa vào khai thác thương mại. TPHCM đang triển khái các phương án để khai thác hiệu quả dự án quan trọng này.
Với chiều dài xấp xỉ 20km, đi qua các khu vực dân cư đông đúc nằm trên địa bàn TP Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận 1, tuyến metro số 1 được kỳ vọng sẽ phục vụ hàng nghìn lượt hành khách mỗi ngày, thay đổi bộ mặt của toàn bộ hệ thống giao thông công cộng (mới có chỉ xe buýt) trên địa bàn. Tuy nhiên ghi nhận thực tế cho thấy, dự án này còn những hạn chế cần kịp thời khắc phục. Đầu tiên là nhân sự để vận hành tuyến metro.
Thời gian vừa qua, thông tin về việc thiếu hụt nguồn nhân lực, các thủ tục hành chính khiến công ty vận hành tuyến metro gặp khó khăn. Với nhu cầu thực tế hơn 700 người gồm cán bộ, kỹ sư công nhân để vận hành, bảo dưỡng, việc công ty vận hành gặp khó khăn tài chính khiến cho nhiều người lo lắng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có văn bản yêu cầu các Bộ, ngành tìm cách gỡ vướng thủ tục cho hoạt động của công ty vận hành tuyến metro số 1 tại TPHCM nhằm đảm bảo dự án có đủ nhân lực tốt nhất khi đưa vào khai thác. Trong đó, ngoài yêu cầu quan trọng về đảm bảo nguồn tài chính, việc chuẩn bị đầy đủ các khoá học vận hành thực tế cũng vô cùng quan trọng.
Cùng với đó, việc thu hút người dân sử dụng tuyến metro này cũng là vấn đề được nghiên cứu kỹ lưỡng và cẩn trọng. Theo nhiều chuyên gia về giao thông, thu hút hành khách sử dụng tuyến metro là bài toán không đơn giản bởi các phương tiện công cộng vẫn có một số hạn chế so với phương tiện cá nhân. Khi hành khách chấp nhận sử dụng phương tiện công cộng nhưng có nhu cầu di chuyển qua nhiều địa điểm khác nhau thì cần có thêm các phương tiện khác ngoài metro để lựa chọn.
Cần sự kết nối giữa các nhà ga của tuyến metro số 1 và khu vực khác, giúp hành khách có thể di chuyển tới metro hoặc từ ga metro tới địa phương khác. Trong tổng số 14 nhà ga, có 3 nhà ga ngầm, nằm sâu dưới lòng đất. Ngoài ga số 1 nằm ở Bến Thành được quy hoạch thành trung tâm thương mại, dịch vụ quy mô lớn thì các ga khác, việc kết nối chưa được ưu tiên. Các bến bãi đậu xe cho hành khách sử dụng metro là điều quan trọng nhưng tới nay vẫn khá thô sơ.
Đặc biệt hơn, TPHCM kỳ vọng người dân sẽ sử dụng xe buýt để tới các nhà ga metro hoặc từ ga đi ra và sử dụng xe buýt để tới các địa điểm khác. Đây có thể là điều khiến nhiều hành khách không mong muốn sử dụng metro vì dịch vụ của mạng lưới xe buýt từ lâu đã không được nhiều người ưa chuộng.
Cuối cùng, một trong những yếu tố quan trọng là giá vé của hành khách sử dụng tuyến metro số 1 này. Tuyến metro số 1 vẫn phải sử dụng nguồn ngân sách để tài trợ giá vé. Theo đề xuất vừa qua của Ban quản lý đường sắt đô thị, mức vé của hành khách sử dụng tuyến metro trung bình từ 9.000 đồng tới 23.000 đồng/hành khách/lượt tuỳ từng ga lên xuống.
Ngoài giá vé lượt thì hành khách có thể mua vé theo ngày, theo tháng để sử dụng tuyến metro này. Cũng theo Ban quản lý đường sắt đô thị ước tính, trong năm đầu tiên vận hành tuyến metro, lượng hành khách sẽ đạt khoảng gần 70.000 lượt hành khách/ngày. TPHCM dự kiến sẽ thu khoảng hơn 200 tỷ đồng từ tiền bán vé cho hành khách nhưng sẽ phải trợ giá khoảng 400 tỷ đồng để hỗ trợ việc vận hành dự án này.