Là một phụ huynh, tôi luôn dành thời gian theo dõi các thông tin giáo dục để kịp thời nhắc nhở, hướng dẫn con nếu có thay đổi. Với văn bản mới đây, Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ vừa ban hành quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức của Bộ GD&ĐT trong đó quy định giáo viên muốn nâng bậc lương buộc phải có trình độ ngoại ngữ bậc 2, tôi thấy có phần “đánh đố” đội ngũ người làm thầy nói chung. Bởi theo như tôi thấy, ngay cả giáo viên tiếng Anh nhiều người còn chưa đạt chuẩn
Ảnh minh họa.
Có lần tôi động viên con trò chuyện với mình bằng tiếng Anh. Qua đó, tôi nhận ra cách phát âm tiếng Anh của con “có vấn đề”. Con không biết nhấn trọng âm ở những từ nhiều âm tiết, chẳng hạn như “computer” cần được nhấn ở “pu”. Sau đó, tìm hiểu từ cô giáo chủ nhiệm tôi được biết cô giáo dạy tiếng Anh ở lớp của con tôi đã hơi lớn tuổi nên có lẽ cách đọc chưa được chuẩn xác lắm dù ngữ pháp và khả năng truyền đạt của cô rất tốt, học sinh cô dạy đi thi học sinh giỏi luôn đạt thành tích cao.
Tôi đã băn khoăn rất nhiều về việc có nên chuyển lớp cho con bởi từ kinh nghiệm của bản thân, tôi đã từng rất khổ sở khi phải luyện lại cách phát âm tiếng Anh đúng chuẩn ữ khác chuyển sang. Khổ nỗi, những từ tiếng Anh đầu tiên học đều là những từ thông dụng, được sử dụng nhiều nên dù đã cố gắng sửa lại cách đọc nhưng nhiều khi tôi vẫn theo thói quen, nói theo cách cũ. Cân nhắc mãi, tôi quyết định xin chuyển lớp cho con vì tôi nghĩ, một khi con phát âm không chuẩn thì con sẽ càng thiếu tự tin trong giao tiếp – yếu tố quan trọng để học tốt ngoại ngữ.
Kể lại câu chuyện này, tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng hiện nay vẫn còn nhiều giáo viên tiếng Anh chưa đạt chuẩn, nhất là giáo viên cấp tiểu học. Bồi dưỡng cho những giáo viên này nâng cao trình độ là một đòi hỏi cấp thiết từ thực tế nếu muốn cải thiện trình độ ngoại ngữ của thế hệ trẻ. Với những giáo viên bộ môn khác, công việc chuyên môn nhiều chiếm phần lớn thời gian giảng dạy rồi còn soạn giáo án, chấm bài, tham gia các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, bồi dưỡng học sinh giỏi… thì quỹ thời gian để tự học tiếng Anh chắc không nhiều.
Không phải ai và không phải địa phương nào cũng tạo điều kiện cho các giáo viên này đi tập huấn để nâng cao trình độ tiếng Anh. Quan trọng hơn, việc học tiếng Anh nếu chỉ để lấy chứng chỉ, không vận dụng trong công việc thì rất lãng phí và cũng sẽ khó có hiệu quả thực chất. Thời gian, công sức và tiền bạc dành cho việc này có lẽ nên dành để nâng cao trình độ chuyên môn trong lĩnh vực thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy thì tốt hơn chăng?