Với nhiều thăng trầm, có thời điểm thị trường chứng khoán xuyên thủng đáy 900 điểm. Thế nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tích cực đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Tính đến cuối tháng 6-2018 vốn hóa thị trường đạt 3.889 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2017, tương đương 77,7% GDP. So với quý I, thanh khoản trong những tháng gần đây có sự sụt giảm. Tuy nhiên, tính chung cả 6 tháng, giá trị giao dịch bình quân vẫn cao, đạt hơn 8 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 60% so với bình quân cả năm 2017.
Cũng theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), trong 6 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng với 38.752 tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và 1.788 tỷ đồng trên thị trường trái phiếu. Tính chung 6 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đã mua ròng 40.540 tỷ đồng trên trên thị trường chứng khoán (TTCK). Nếu loại trừ các giao dịch thỏa thuận lớn, giá trị giao dịch mua - bán của khối ngoại có thể nói gần như cân bằng, có bán ròng nhưng con số không lớn.
TTCK Việt Nam đang chịu tác động tiêu cực từ nhiều biến động của TTCK thế giới. Cụ thể TTCK thế giới điều chỉnh giảm trước tác động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới. Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang chiều hướng leo thang, Ngân hàng trung ương châu Âu cũng tăng lãi suất sớm hơn dự kiến. NĐTNN bắt đầu có xu hướng rút tiền khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có khu vực Đông Nam Á. TTCK thế giới từ Mỹ, châu Âu, châu Á đều đã điều chỉnh giảm. Giới chuyên gia cho rằng, không thể chủ quan với diễn biến kinh tế, tiền tệ, thương mại như hiện nay.
Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch UBCKNN cho rằng, Việt Nam vẫn đang có nhiều cơ hội và tiềm năng để thu hút vốn ngoại, vấn đề là làm thế nào để phát huy được lợi thế so sánh đó. Ông Dũng chỉ ra những lợi thế của Việt Nam như: Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo đạt tối thiểu 6,5% trong giai đoạn 2018 - 2020; những cam kết của Chính phủ trong việc tháo gỡ những rào cản đầu tư, hỗ trợ kinh tế tư nhân, quyết tâm thực hiện các đợt thoái vốn nhà nước, IPO doanh nghiệp nhà nước và niêm yết các doanh nghiệp lớn, chất lượng. Qua đó, TTCK Việt Nam vẫn có nhiều hấp dẫn giúp thu hút mạnh dòng các dòng vốn tham gia, đặc biệt là dòng vốn ngoại.
Phía UBCKNN cũng cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển và tái cấu trúc TTCK như đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các DNNN gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch; Trình Bộ ban hành Thông tư hướng dẫn sử dụng phương thức dựng sổ (Bookbuilding) trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và các quy chế đấu giá; Sửa đổi quy chế giao dịch ký quỹ…