GS Nguyễn Minh Thuyết- tổng chủ biên Chương trình, sách giáo khoa mới cho biết chương trình các môn học đang được tích cực chuẩn bị và dự kiến công bố vào cuối tháng 10 này. Theo đó, các chương trình đã được dự thảo lần một và đưa ra lấy ý kiến của các chuyên gia.
Đề cao vai trò của giáo viên
GS Nguyễn Minh Thuyết cho hay, trong suốt tháng 8 vừa qua, Ban soạn thảo đã tổ chức tới 18 hội thảo để lấy ý kiến về các chương trình này. Theo quy định, thời gian công bố công khai để lấy ý kiến nhân dân là 2 tháng. Sau đó, Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện đưa ra thẩm định, hoàn thiện sau thẩm định và trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký ban hành.
Lùi thời hạn thực hiện vào năm học 2019-2020, tiếp tục lấy ý kiến nhân dân đóng góp hoàn thiện trước khi tiến hành thực hiện chương trình, SGK phổ thông mới đang nhận được sự quan tâm của dư luận. GS.TS Đinh Xuân Khoa- hiệu trưởng Trường ĐH Vinh- cho rằng, việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý giãn tiến độ thực hiện Chương trình, SGK mới sẽ tạo điều kiện cho các trường sư phạm chuẩn bị tốt hơn về mọi mặt: Có thời gian chuẩn bị cho công tác đổi mới chương trình đào tạo giáo viên, chuẩn bị tốt hơn cả nội dung, phương pháp và cơ sở vật chất cho việc bồi dưỡng giáo viên đảm nhận giảng dạy chương trình và sách giáo khoa mới. Thêm vào đó còn có thời gian để dạy thí điểm chương trình mới và nhận đóng góp ý kiến của đông đảo các nhà khoa học và chuyên gia giáo dục. Với các địa phương thì việc giãn tiến độ này giúp các địa phương chủ động hơn trong công tác chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới. Hiện nay công tác chuẩn bị của các địa phương còn khó khăn cả về nhân lực, vật lực và tài lực.
Còn GS Đinh Quang Báo- nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khẳng định: Đội ngũ giáo viên đóng vai trò quyết định xây dựng và thực hiện chương trình nhà trường. Giáo viên không hạn chế ở chức năng là người dạy, người tiếp nhận, người thực hiện chương trình, mà còn là người quyết định chương trình giáo dục vì họ là lực lượng trực tiếp hiện thực hóa chương trình giáo dục, là người quyết định cuối cùng chất lượng giáo dục. Giáo viên là chủ thể trực tiếp giáo dục quyết định phương pháp giáo dục, dạy học, lựa chọn nội dung thông qua việc phân tích cụ thể các tiêu chuẩn chương trình quốc gia, địa phương để thích ứng với điều kiện bảo đảm chất lượng như tài liệu thiết bị, cơ sở hạ tầng, thực trạng hoc sinh, giáo viên.
Chú trọng sự phân hóa
Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ đề cao sự phân hóa. Theo các chuyên gia, phân hóa trong giáo dục là một nguyên tắc đã được thực hiện từ lâu ở mọi nền giáo dục, mọi thời kỳ với những yêu cầu, mức độ, hình thức khác nhau. Tuy nhiên, giáo dục phân hóa và cả tích hợp trong các nhà trường phổ thông Việt Nam so với yêu cầu mới còn nhiều hạn chế, bất cập. PGS.TS Đỗ Ngọc Thống- thành viên Ban soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể; Trưởng ban xây dựng chương trình Ngữ văn mới chia sẻ, dạy học phân hóa là định hướng trong đó giáo viên tổ chức dạy học tùy theo đối tượng, nhằm bảo đảm yêu cầu giáo dục phù hợp với đặc điểm tâm - sinh lý, nhịp độ, khả năng, nhu cầu và hứng thú khác nhau của những người học; trên cơ sở đó phát triển tối đa tiềm năng vốn có của mỗi học sinh.
Sở dĩ cần phân hóa trong chương trình giáo dục bởi nhà trường cần trang bị cho mọi học sinh những tri thức phổ thông nền tảng, cốt lõi; đồng thời có nhiệm vụ giúp mỗi học sinh phát triển tối đa tiềm năng cá nhân của mình. Tiếp đó, phân hóa là để đáp ứng yêu cầu phân công lao động trong xã hội và phân luồng học sinh. Do yêu cầu phát triển khoa học và đòi hỏi của thị trường lao động buộc nhà trường phổ thông, nhất là bậc THPT cần dạy học phân hóa để cung cấp nguồn nhân lực cho thị trường lao động, nguồn học sinh cho giáo dục ĐH, CĐ cũng như các trường nghề đáp ứng được yêu cầu đào tạo chuyên sâu về một lĩnh vực khoa học hoặc ngành nghề chuyên biệt.
Cụ thể, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, yêu cầu phân hóa được thể hiện cả trong phân hóa vi mô (các cấp học, lớp học, môn học…) và phân hóa vĩ mô. Chương trình giáo dục phổ thông mới còn thực hiện phân hóa ở các nội dung địa phương và các môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ được thực hiện ở tất cả các cấp học.
Hi vọng tới đây, việc công bố và lấy ý kiến rộng rãi sẽ giúp cho mọi người có cái nhìn tổng quan hơn về Chương trình giáo dục phổ thông mới; là cơ hội để người học và người dạy sẽ được đóng góp ý kiến để hoàn thiện chương trình trước khi chính thức triển khai.