Trà Vinh đang triển khai chương trình vận động, khuyến khích nông dân chuyển đổi sản xuất khoảng 7.900 ha đất trồng lúa do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thiếu nước và bị xâm nhập mặn.
Trồng cam đem lại giá trị kinh tế cao hơn trồng lúa.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đang triển khai chương trình vận động, khuyến khích nông dân chuyển đổi sản xuất khoảng 7.900 ha đất trồng lúa ở những vùng không thuận lợi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thiếu nước và bị xâm nhập mặn sang trồng màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn trái, kết hợp nuôi thủy sản…Trong đó, tại huyện Cầu Kè, số diện tích nằm trong quy hoạch vùng lúa chất lượng cao luôn bị phá vỡ, chủ yếu phải chuyển sang trồng cam sành.
Theo tính toán của Phòng Nông nghiệp Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè, hiện nay, hiệu quả kinh tế của 1 ha đất trồng lúa ba vụ, ước năng suất bình quân mỗi vụ 6 tấn/ha, với giá lúa bán ra 5.000 đồng/kg, chỉ thu được 90 triệu đồng/năm; sau khi trừ chi phí, người trồng lúa chỉ còn lời khoảng 39.000.000 đồng/ha/năm (chi phí cho 1 ha đất sản xuất lúa 17 triệu đồng/ha/vụ).
Đối với những người có kinh nghiệm, tự chuyển đổi đất lúa sang trồng cam sành phải có từ 250 triệu đến 300 triệu đồng để chi phí cho 1 ha từ lúc lên liếp cho đến khi cho trái ổn định. Hiện nay, năng suất bình quân của 1 ha cam sành từ 20 - 30 tấn/năm, với giá bán trung bình 20 triệu đồng/tấn, thì giá trị sản xuất thu được trên 01 ha cam sành từ 400 triệu đến 600 triệu đồng/năm. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận của người trồng cam sành từ 150 - 300 triệu đồng/năm. Như vậy, so với trồng lúa, người trồng cam thu lời thực tế cao hơn từ 3,8 - 7,6 lần so với trồng lúa.
Từ hiệu quả kinh tế của cam sành cao, những năm gần đây, cây cam sành âm thầm, lặng lẽ từng bước thay thế dần diện tích lúa. Nhà vườn Mai Vũ Hiền, Giám đốc Hợp tác xã Cam sành Cầu Kè cho biết: Hiệu quả cây cam sành mang lại rất cao, những người trồng cam sành chuyên nghiệp phải thuê đất ruộng để trồng cam sành.
Do đất mới lên liếp trồng cam rất tốt, ít bệnh…nên giá thuê đất từng bước nhích dần lên. Nếu vườn cam thành công, từ năm thứ 3 đến 5 cho thu nhập phải từ 400 triệu đồng/ha/năm trở lên. Như vậy, sau 5 năm, người thuê đất phải bỏ ra khoảng 500 triệu/ha, cho tiền thuê đất và cả đầu tư vườn cây, thu lại khoảng 1,2 tỷ đồng, lãi ròng khoảng 500 triệu/ha sau 5 năm.
Bà Nguyễn Ngọc Hài, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đang tiến hành rà soát, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi giúp nông dân khai thác mặt tích cực của biến đổi khí hậu để sản xuất hiệu quả.
Trong 6.000 ha đã được chuyển đổi có trên 172 ha chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, 438 ha chuyển đổi sang trồng dưa hấu, 515 ha chuyển đổi sang trồng đậu phộng, 874 ha chuyển đổi sang trồng cỏ nuôi bò, 1.542 ha chuyển đổi sang trồng rau các loại và hơn 2.240 ha chuyển đổi sang trồng bắp. Diện tích đất trồng lúa sau khi chuyển đổi đã giúp nông dân tăng thu nhập gấp 1,5 đến 3 lần so với trồng lúa. |
Tỉnh Trà Vinh có diện tích đất trồng lúa hàng năm khoảng 234.000 ha, năng suất trung bình khoảng 5,3 tấn/ha, sản lượng đạt bình quân 1,2 triệu tấn/năm. Thực hiện chương trình tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tỉnh có kế hoạch chuyển đổi sản xuất trồng lúa đến năm 2020 còn 224.000 ha và đến năm 2030 còn 201.000 ha, sản lượng lúa ổn định 1,3 triệu tấn (lúa chất lượng cao chiếm 70-80% tổng sản lượng).
Qua 3 năm thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu, nuôi thủy sản... theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, đến nay nông dân trong tỉnh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng được gần 6.000 ha.