Sau lùm xùm đào tạo chui ở ĐH Đông Đô, mới đây Bộ GDĐT đã chuyển đơn vị cung ứng phôi bằng: Chuyển giao nhiệm vụ quản lý cung cấp phôi văn bằng, chứng chỉ từ Văn phòng về Cục Quản lý chất lượng.
Việc thay đổi đơn vị quản lý cấp phôi bằng này nhằm tránh tình trạng thiếu kết nối trong các đơn vị trực thuộc Bộ, dẫn đến sai sót trong khâu kiểm soát văn bằng 2 như trường hợp của Trường ĐH Đông Đô thời gian qua.
Trước đó, khi xayry ra vụ việc tại Trường ĐH Đông Đô, trả lời về việc quản lý phôi bằng ra sao, đại diện Bộ GDĐT cho biết, Khoản 2 Điều 38 Luật Giáo dục ĐH 2012 đã quy định cơ sở giáo dục ĐH in phôi văn bằng, cấp văn bằng cho người học. Theo Luật này, Bộ không quản lý phôi bằng ĐH mà giao trách nhiệm cho các trường ĐH tự quản lý và tổ chức in phôi bằng ĐH của mình. Văn phòng Bộ là đơn vị cung cấp phôi văn bằng, chứng chỉ như các cơ sở in phôi văn bằng, chứng chỉ khác.
Thông tư số 19/TT-BGDĐT ngày 8/9/2015 cũng đã giao cho các trường chủ động in phôi bằng. Tuy nhiên, một số cơ sở giáo dục ĐH do có khó khăn trong việc tổ chức in phôi văn bằng (về cơ sở vật chất, về nhân sự quản lý việc in phôi văn bằng chứng chỉ, số lượng phôi ít…) nên đề nghị được Văn phòng Bộ cung cấp phôi.
Sau sự việc tuyển sinh, đào tạo và cấp văn bằng 2 trái phép xảy ra ở Trường ĐH Đông Đô, dư luận đặt ra nhiều nghi vấn về việc thanh tra, giám sát chất lượng đào tạo văn bằng 2, chứng chỉ hiện nay; về việc lỏng lẻo trong quản lý văn bằng của. Trong đó đáng lưu ý là trách nhiệm của Bộ GDĐT trong việc cung cấp phôi bằng cho Trường ĐH Đông Đô nói riêng và các cơ sở đào tạo khác (nếu có).
Bởi chiểu theo Quyết định số 22/QĐ-BGDĐT ngày 2/6/2001 về quản lý đào tạo văn bằng 2 của Bộ trưởng Bộ GDĐT, cơ sở đào tạo muốn đào tạo văn bằng 2 phải có văn bản đề nghị với các ĐH quốc gia, ĐH vùng (nếu là thành viên của các ĐH này); hoặc với Bộ (qua Vụ Giáo dục ĐH và Vụ Kế hoạch tài chính). Trên cơ sở đề nghị của các cơ sở đào tạo, chỉ tiêu đào tạo ĐH hệ chính quy hằng năm và các điều kiện bảo đảm chất lượng, Bộ GDĐT sẽ giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 cho các cơ sở có đủ điều kiện.
Còn theo một quyết định của Bộ trưởng Bộ GDĐT từ tháng 6/2017, Cục Quản lý chất lượng của bộ này được giao trách nhiệm quản lý văn bằng, chứng chỉ. Theo đó, một trong các nhiệm vụ của Cục này là xây dựng các quy định và hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý văn bằng, chứng chỉ trong phạm vi quản lý của Bộ GDĐT.
Cho đến thời điểm này, câu chuyện văn bằng của Trường ĐH Đông Đô vẫn là mối quan tâm lớn từ dư luận. Câu hỏi đang được đặt ra là, việc rà soát sử dụng văn bằng 2 được đào tạo từ Trường ĐH Đông Đô đã làm đến đâu? Hiện có bao nhiêu thạc sĩ, tiến sĩ sử dụng văn bằng 2 từ Trường ĐH Đông Đô và một số cơ sở đào tạo khác nữa? Dư luận cũng đang trông chờ kết quả thanh tra, rà soát toàn bộ thực trạng đào tạo văn bằng 2 thời gian qua từ Bộ GDĐT, như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 8 vừa qua.