Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là 2 chuyển đổi quan trọng nhất của thế kỷ này. “Muốn xanh phải dùng số. Muốn số phải dùng xanh. Nếu không dùng công nghệ xanh sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng, tài nguyên và hủy hoại trái đất” - Bộ trưởng nói.
Đối với doanh nghiệp (DN), Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, chuyển đổi số trong DN không chỉ thuần tuý là ứng dụng công nghệ thông tin mà yêu cầu tiên quyết là thay đổi quy trình nội tại, quy trình xử lý công việc, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu suất, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới. Tương tự, chuyển đổi xanh không chỉ là phát triển, ứng dụng công nghệ hướng tới môi trường mà còn thay đổi cả quy trình sản xuất - kinh doanh nhằm nâng cao tính hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất trong chuyển đổi số chính là nhận thức. Chuyển đổi số không chỉ là công nghệ, mà còn là về thể chế và chính sách, nhận thức và năng lực của tổ chức. Tiếp đến là nguồn nhân lực, vật lực, an toàn thông tin cho đến việc kết nối và chia sẻ dữ liệu…
Thách thức trong chuyển đổi xanh chính là nguồn vốn để thực hiện Net Zero. Tiếp đến là về năng lực đổi mới với phát triển xanh. Trong đó, bao gồm hạ tầng và các điều kiện sản xuất; đào tạo đội ngũ nhân lực và người lao động; các chuẩn mực quản trị điều hành, công bố thông tin. Điều này dẫn đến quá trình chuyển đổi không phải DN nào cũng sẵn sàng, đặc biệt là về nguồn vốn đầu tư và hoạt động vận hành.
Theo ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông), số hoá toàn diện sẽ là nền tảng của một nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bao trùm và có sức chống chịu cao. Chuyển đổi số tạo ra kinh tế số và kinh tế số sẽ là động lực tăng trưởng chính. Do đó, để chuyển đổi số theo hướng chuyển đổi xanh thành công, Việt Nam cần phải đi theo con đường và cách tiếp cận riêng nhằm tận dụng lợi thế của chính mình. Đó là, dựa trên sự nhanh nhạy với cái mới, có khát vọng hùng cường, thịnh vượng của người Việt Nam; về chính sách phải có điều chỉnh cho phù hợp với từng địa phương; đồng thời, dựa trên đặc điểm về thể chế Đảng lãnh đạo, nên có thể huy động được tổng lực, cả hệ thống chính trị, toàn dân vào những việc lớn, vĩ đại như công nghiệp hóa - hiện đại hóa, và dựa trên các bài toán lớn của Việt Nam để tìm con đường chuyển đổi số xanh cho phù hợp.
Ông Tuấn cho rằng, để Việt Nam chuyển đổi số xanh và công nghiệp hóa - hiện đại hóa thành công đến năm 2045, thì tốc độ tăng trưởng GDP tối thiểu là 7% liên tục trong giai đoạn và tốc độ tăng trưởng kinh tế số đến năm 2045 phải gấp 3 - 4 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Bên cạnh đó, cần sự tích hợp chéo của nhiều ngành khác nhau, đồng thời cần liên tục đưa ra hệ thống lý luận mới, tầm nhìn mới về chuyển đổi số, kinh tế số và thiết kế cấp chiến lược có tính thực tế và khả thi. Làm tốt công tác quản trị số giúp nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước tác động bên ngoài.
Cần ưu tiên đưa vào sử dụng các nền tảng số dùng chung, thống nhất trong từng ngành, lĩnh vực. Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra trên 30 nền tảng số xuất sắc phục vụ chuyển đổi số DN theo Chương trình Hỗ trợ DN chuyển đổi số cho DN nhỏ và vừa. DN nhà nước sẽ đóng vai trò chủ đạo trong tự chủ công nghệ lõi, công nghệ nguồn và dẫn dắt hệ sinh thái chuyển đổi số DN ở Việt Nam…
“Đồng thời, vấn đề quan trọng nữa là nguồn vốn đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh” - ông Tuấn nói.