Kinh tế

Chuyển đổi số để du lịch cất cánh

Hà An 16/02/2024 17:10

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, hầu hết khách du lịch trong và ngoài nước (trên 60% và 75%) sử dụng các nền tảng trực tuyến để đặt phòng khách sạn và tour du lịch. Điều đó cho thấy, con đường dẫn đến du lịch thông minh được mở ra bởi công cuộc số hóa.

3.jpg
Bản du lịch cộng đồng Nà Sự (Điện Biên).

Hút khách nhờ "số hóa" du lịch

Với cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, cuốn hút, bản du lịch cộng đồng Nà Sự, thuộc xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ, Điện Biên) trở thành trạm nghỉ, dừng chân lý tưởng, hấp dẫn du khách trong hành trình chinh phục cực Tây của Tổ quốc.

Du lịch bản cộng đồng Nà Sự thực sự cất cánh khi trở thành bản du lịch cộng đồng đầu tiên tại Việt Nam áp dụng số hóa toàn diện trong hoạt động du lịch. Đây cũng là mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên trong cả nước áp dụng chương trình số hóa này.

Theo đó, du khách chỉ cần quét mã QR là có đầy đủ thông tin về dịch vụ cũng như những nét văn hóa, phong tục truyền thống của đồng bào bản địa. Theo Ban điều hành du lịch cộng đồng bản Nà Sự, sau một năm hoạt động, bản đã thu hút hơn 5.200 lượt du khách trong và ngoài nước. Một con số được giới chuyên gia đánh giá là khá ấn tượng.

Ông Phạm Hải Quỳnh - Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, đồng thời là người trực tiếp hỗ trợ chuyển giao mô hình này, cho biết: “Số hóa sẽ giúp cho du khách có điều kiện tìm hiểu nhiều hơn về nơi mình sẽ lựa chọn là điểm đến, tìm hiểu dịch vụ, về bản sắc văn hóa và con người ở đó. Theo đó, trong phần mềm số hóa còn có mục “hướng dẫn viên ảo” giúp giới thiệu cho du khách từng điểm đến, từng giá trị văn hóa riêng biệt, đồng thời có các trò chơi, tăng sự tương tác, trải nghiệm văn hóa giữa du khách và người dân trong cộng đồng.

“Đã có nhiều du khách trải nghiệm và vô cùng thích thú về sự tiện lợi này. Bên cạnh đó, chương trình số hóa còn giúp công tác quản trị một cách tổng quan để Ban điều hành du lịch cộng đồng của bản dễ cập nhật và quản lý kinh doanh”, ông Quỳnh cho hay.

Xác định được tầm quan trọng cũng như xu hướng tất yếu của chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, năm 2023, ngành du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin du lịch thông minh và Ứng dụng du lịch thông minh (App) trên nền tảng iOS và Android. Các nội dung số được tích hợp trên website visitvinhphuc.com và app du lịch thông minh để du khách dễ dàng tiếp cận nguồn thông tin đa dạng, đầy đủ, chính xác liên quan đến điểm đến, danh lam thắng cảnh, làng nghề tiêu biểu, nơi lưu trú, nhà hàng, địa điểm mua sắm và các tiện ích khác khi đặt chân đến Vĩnh Phúc.

Ngoài ra, hệ thống còn tích hợp bản đồ số về du lịch, tour tham quan ảo 360 độ, TVC (loại hình quảng cáo truyền hình), thuyết minh tự động đa ngôn ngữ… đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị, sinh động. Hệ thống dữ liệu số hóa của 60 điểm du lịch trên địa bàn tỉnh được thống nhất và liên kết với nhau hỗ trợ du khách tìm kiếm các điểm đến mong muốn tại Vĩnh Phúc thuận tiện, dễ dàng.

Chia sẻ về việc du lịch Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số các điểm du lịch, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, hiện Hà Nội đã liên kết, thống nhất hệ thống dữ liệu cho hơn 300 điểm du lịch trên địa bàn.

Các di tích, điểm đến cũng được số hóa để du khách dễ dàng tìm hiểu về điểm tham quan trước mỗi chuyến đi, đồng thời chuẩn hóa các nội dung thuyết minh tự động bằng 6 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn. Đặc biệt nhờ áp dụng công nghệ số hóa, các doanh nghiệp du lịch có thể tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng, giải đáp bài toán về nhân lực, chi phí vận hành, tiết kiệm thời gian.

Trong khi đó, theo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hiện ngành du lịch đã hoàn thành việc số hóa toàn bộ các dữ liệu về hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp lữ hành quốc tế, cơ sở lưu trú trong cả nước do cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương và địa phương quản lý; hình thành hệ thống thông tin số về khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch và khách du lịch; phát triển một số ứng dụng trên thiết bị di động hỗ trợ, phục vụ khách du lịch tra cứu các thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch, thuyết minh du lịch dịch tự động ra các ngôn ngữ phổ biến...

Thúc đẩy "số hóa"

Các chuyên gia nhận định, trong thời đại số, các hình thức tiếp thị thông qua các công cụ tìm kiếm chung và các nền tảng truyền thông như: Google, YouTube, Facebook hoặc Instagram, Tiktok… được xem là một trong số những xu hướng lớn tác động đến ngành du lịch. Theo báo cáo E-Conomy SEA năm 2023, du lịch trực tuyến tại Việt Nam đạt giá trị 5 tỷ USD, dự kiến sẽ đạt 7 tỷ USD vào năm 2025 và 10 tỷ USD vào năm 2030. Hầu hết mọi hoạt động của du khách như tìm kiếm thông tin, đặt phương tiện đi lại, chỗ ở hay chia sẻ kỷ niệm du lịch đều được thực hiện trực tuyến. Rõ ràng việc số hóa đem lại lợi ích không chỉ cho ngành du lịch mà còn góp phần kích cầu các nghành dịch vụ, bán lẻ...

Tuy nhiên, để thực hiện số hóa hoàn toàn các dữ liệu du lịch không đơn giản, bởi sản phẩm du lịch được hợp thành bởi một chuỗi cung ứng dịch vụ từ khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan…

Theo các doanh nghiệp, việc số hóa sẽ dẫn tới tái cấu trúc doanh nghiệp, quy trình kinh doanh. Và sự thay đổi này không phải đơn vị nào cũng sẵn sàng và đủ năng lực thực hiện. Do đó, các cơ quan quản lý cần có những chính sách kiến tạo môi trường để các doanh nghiệp có đủ thời gian tích luỹ nguồn lực, đổi mới công nghệ.

Đánh giá những kết quả mà ngành du lịch Việt Nam đạt được trong năm 2023, ông Caesar Indra - Chủ tịch Traveloka cho rằng, những nỗ lực số hóa gần đây như nâng cấp tính năng thực tế ảo (VR), đẩy mạnh truyền thông cũng như tăng cường cung cấp sản phẩm và dịch vụ là công cụ thúc đẩy ngành du lịch giúp du lịch Việt Nam cất cánh. Đặc biệt, với giải pháp tích hợp công nghệ vào việc nâng cao trải nghiệm và quản lý điểm đến đã góp phần hút khách du lịch quốc tế, nội địa.

“Ví dụ, tỉnh Thanh Hóa đã kết hợp thực tế ảo với các video clip 360 độ và đồ họa 3D vào ứng dụng điện thoại thông minh để biến các địa điểm du lịch nổi tiếng như Lam Kinh và Thành nhà Hồ trở nên sống động. Cách tiếp cận sáng tạo này đã thu hút mạnh khách du lịch, góp phần trong chỉ tiêu 10 tháng năm 2023, toàn tỉnh đã đón gần 12 triệu lượt khách, tăng 12,6% so với cùng kỳ 2022”, ông Caesar Indra dẫn chứng.

Từ kết quả đạt được ông Caesar Indra cho rằng, ngành du lịch Việt Nam phải tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và kỹ thuật số để tạo dựng thương hiệu riêng trong và ngoài khu vực. Ngoài ra, các tổ chức công và tư ở địa phương cũng cần phải đảm bảo sự hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch bằng cách thúc đẩy tăng trưởng bền vững, đặc biệt khuyến khích các hình thức du lịch có trách nhiệm gắn với văn hóa.

Tương tự, từ góc độ doanh nghiệp kết nối sản phẩm du lịch, ông Lê Hồng Thái - Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist cho rằng, cần xây dựng và làm mới các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn và có lợi thế so sánh để phục vụ du khách dựa trên các thị trường trọng điểm. Trong đó thúc đẩy triển khai số hóa các điểm đến bằng giao diện ảnh 360 độ, 3D, công nghệ thực tế ảo; triển khai vé điện tử...

Những nỗ lực số hóa gần đây như nâng cấp tính năng thực tế ảo (VR), đẩy mạnh truyền thông cũng như tăng cường cung cấp sản phẩm và dịch vụ là công cụ thúc đẩy ngành du lịch giúp du lịch Việt Nam cất cánh. Đặc biệt, với giải pháp tích hợp công nghệ vào việc nâng cao trải nghiệm và quản lý điểm đến đã góp phần hút khách du lịch quốc tế, nội địa.

Ông Caesar Indra - Chủ tịch Traveloka

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển đổi số để du lịch cất cánh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO