picsart_23-11-25_10-02-19-645.jpg

Xác định chuyển đổi số là nhu cầu thiết yếu và bắt buộc của xã hội trong thời đại mới nên ngay từ khi triển khai, tỉnh Thanh Hóa đã xác định đây là hành trình dài và phải liên tục đổi mới để bắt kịp xu hướng. Dù gặp không ít khó khăn, thách thức ngay những công việc đầu tiên nhưng bằng niềm tin, ý chí và sự quyết tâm, đến nay, một số kết quả khả quan đã được nhìn thấy, tạo động lực để những người đứng đầu vững tin thực hiện tiến trình này.

picsart_23-11-27_09-18-45-995.jpg

Là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số (CĐS), từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy CĐS trên địa bàn, trọng tâm là thực hiện Nghị quyết số 06 ngày 10/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; quyết định số 4216/QĐ-UBND ngày 5/10/2020 của UBND tỉnh ban hành kế hoạch CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…

picsart_23-11-23_21-16-51-955.jpg

Đến nay, kết quả đạt được là trong phát triển hạ tầng số được quan tâm đầu tư, chất lượng ngày càng được nâng cao, mạng di động băng rộng 3G, 4G đã phủ sóng tới 4.354/4.357 thôn, bản. Toàn tỉnh hiện có 2,38 triệu thuê bao Internet băng rộng, 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã và các đơn vị trực thuộc cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện kết nối đường truyền Internet tốc độ cao, sử dụng hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc.

picsart_23-11-22_08-44-39-813.jpg

Trong phát triển chính quyền số, hiện nay, đã triển khai chữ ký số tới 100% các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã. Từ năm 2021 đến nay, có trên 11 triệu lượt văn bản điện tử trao đổi, xử lý trên hệ thống. Với các hội nghị truyền hình trực tuyến, đã kết nối các điểm cầu của tỉnh đến 100% đơn vị cấp huyện, cấp xã.

Hiện tại, Cổng dịch vụ công của tỉnh và hệ thống một cửa điện tử cấp huyện, xã có hơn 85 nghìn tài khoản đăng ký với hơn 27,6 triệu lượt truy cập, cung cấp 890 dịch vụ công trực tuyến một phần và 872 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia hơn 1.200 dịch vụ. Từ đầu năm 2022 đến nay, đã tiếp nhận gần 1,52 triệu hồ sơ, giải quyết đúng và trước hạn đạt 97,61%.

Về kinh tế số, trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN), tỉ trọng kinh tế số trên GRDP đạt 8,28%. Trong số hơn 21.000 DN hoạt động tại tỉnh, có trên 6.500 DN đã tiếp cận và sử dụng các nền tảng số. Các hình thức thanh toán như: Ví điện tử, Mobile Banking, Internet Banking, mã QR... ngày càng phổ biến và trở thành xu hướng chính trong giao dịch của người dân, DN.

picsart_23-11-23_21-25-46-701.jpg

Đối với lĩnh vực xã hội số, hiện 100% nhà văn hoá thôn, khu phố, các điểm du lịch được lắp đặt Wifi miễn phí; các cơ sở giáo dục triển khai hiệu quả hình thức dạy học trực tuyến, đẩy mạnh sử dụng các bài giảng điện tử. Có trên 330 nghìn hồ sơ người có công được số hóa thông tin; hồ sơ của 70 nghìn người cao tuổi, 60 nghìn người có công, 48 nghìn hộ nghèo và 68 nghìn hộ cận nghèo được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ tra cứu thông tin, giải quyết các chế độ chính sách. Cùng với đó, 100% bệnh viện tuyến huyện đã kết nối hệ thống khám chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến Trung ương, 671/673 cơ sở y tế trên địa bàn sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ BHYT.

picsart_23-11-27_09-17-56-570.jpg

Ngày 20/2/2023, Thanh Hóa hoàn thành việc kết nối chính thức giữa Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa của tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó, giúp cho người dân, tổ chức, DN khi thực hiện các TTHC được định danh và xác thực điện tử thông suốt, không phải khai báo thông tin ban đầu.

picsart_23-11-23_21-12-50-775.jpg

Song song với đó, Cổng dữ liệu mở của tỉnh đã được đưa vào triển khai, sử dụng với 15 nhóm dữ liệu của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Tỉnh cũng đã hoàn thành việc phê duyệt phương án đảm bảo an toàn thông tin theo hồ sơ cấp độ cho 856 đơn vị. Vào tháng 5 vừa qua, đây là tỉnh đầu tiên ban hành bộ tiêu chí CĐS cấp xã và ngay lập tức đã có 94 xã, phường, thị trấn đăng ký thực hiện.

Sau đó 1 tháng, tỉnh lần đầu tiên thực hiện đánh giá, công bố bảng xếp hạng (BXH) mức độ CĐS của nhóm 1 là các sở, ban, ngành và nhóm 2 là các huyện thị, thành phố trong tỉnh với thang điểm 1.000. Kết quả, 2 đơn vị dẫn đầu nhóm 1 là Văn phòng UBND tỉnh (962,75 điểm) và Sở Thông tin và Truyền thông (957,68 điểm). Hai đơn vị đứng đầu nhóm 2 lần lượt TP Thanh Hóa và huyện Như Thanh.

picsart_23-11-23_22-15-02-260.jpg

Đến ngày 12/7/2023, trong bảng xếp hạng về CĐS năm 2022 do Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) công bố, Thanh Hóa tiếp tục nằm trong top đầu khi xếp thứ 15/63 toàn quốc, trong đó, một số chỉ tiêu thành phần có tăng mạnh, như: Nhận thức số (xếp thứ nhất); hoạt động xã hội số (xếp thứ 3); an toàn thông tin mạng (xếp thứ 6).

Về thực hiện CĐS trong doanh nghiệp, theo ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc VCCI Chi nhánh Thanh Hóa đánh giá thì hiện nay, đây vẫn là một hành trình dài hơi bởi rất nhiều doanh nghiệp đang còn đứng ngoài cuộc.

picsart_23-11-22_10-33-19-895.jpg

“Qua khảo sát, tại Thanh Hóa hiện có gần 21.000 doanh nghiệp hoạt động và có phát sinh doanh thu, tuy nhiên, có tới 60% đơn vị đang vướng rào cản về công nghệ, vốn, nguồn nhân lực phục vụ CĐS. Thậm chí, có những doanh nghiệp cho rằng, đây là vấn đề quá mới mẻ và mơ hồ. Có những doanh nghiệp chuyển đổi số theo phong trào nên chưa đạt hiệu quả”, ông Hiệu chia sẻ.

picsart_23-11-27_09-14-18-976.jpg

Với vai trò là người đứng đầu cơ quan dẫn dắt công cuộc CĐS của tỉnh, ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở TTTT tỉnh Thanh Hóa cho biết: Về kết quả ban đầu, quá trình CĐS đã giúp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cũng như hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo, năng suất lao động của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động ở địa phương.

Ngoài ra, quá trình CĐS còn giúp kiểm tra, giám sát công việc ở các cơ quan, đơn vị giao một cách hiệu quả. Ở cấp nào, khâu nào nếu chậm trễ thì người đứng đầu ban, ngành đó đều sẽ nắm được và có những chỉ đạo kịp thời để xử lý. Khi từng phần việc được gắn với trách nhiệm của từng cá nhân cụ thể và ảnh hưởng đến công việc chung thì buộc lãnh đạo các cơ quan, đơn vị sẽ phải quan tâm sâu sát để theo dõi, kiểm tra, đôn đốc để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

picsart_23-11-27_11-24-25-750.jpg

Quá trình thực hiện CĐS cũng đã tạo ra nhiều công cụ giúp người dân, DN tăng cường hoạt động giám sát đối với các cơ quan công quyền, từ đó, giảm được tình trạng làm việc trì trệ, quan liêu, dám chấp nhận và nhìn thẳng vào vấn đề để thay đổi. CĐS còn góp phần công khai, minh bạch các TTHC, đẩy mạnh việc giải quyết văn bản, hồ sơ qua mạng, giảm thiểu tình trạng tham nhũng vặt. Minh chứng thấy rõ là qua các kỳ họp của HĐND tỉnh, hiện đã sử dụng quét mã QR để lấy tài liệu mềm thay vì phải ôm nhiều văn bản cồng kềnh khi đi họp như trước kia.

Ngoài những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện CĐS tại tỉnh Thanh Hóa cũng đã bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập cần được khắc phục. Nói về vấn đề này, ông Đỗ Hữu Quyết thẳng thắn chia sẻ: Câu chuyện cơ sở dữ liệu của các ngành hiện nay còn rời rạc, chưa đồng bộ; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu hai chiều từ hệ thống thông tin của các bộ, ngành với các cơ sở dữ liệu tỉnh còn vướng mắc, chưa tích hợp được các loại giấy tờ của các cá nhân và chưa thực sự giảm được thời gian trong việc thực hiện TTHC.

picsart_23-11-27_11-39-17-470.jpg
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa quyết tâm thực hiện chuyển đổi số một cách nhanh, gọn, hiệu quả.

Ngoài ra, việc hỗ trợ CĐS cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định ngày 26/8/2021 của Chính phủ còn nhiều khó khăn, vướng mắc do chưa có thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính; một số nền tảng số do Bộ TTTT công bố như nền tảng tổng hợp; phân tích dữ liệu; truy xuất nguồn gốc nông sản; tối ưu hóa chuỗi cung ứng... chưa có hướng dẫn cụ thể nên khi triển khai chưa đem lại hiệu quả trong thực tế.

Cùng với đó, các chức danh chuyên trách về CĐS chưa được các bộ, ngành quy định cụ thể nên tỉnh chưa thể tuyển dụng cán bộ cho vị trí này. Đối với chức danh chuyên trách về an toàn thông tin mạng, đòi hỏi cán bộ phải được đào tạo chuyên sâu, do vậy, việc phân công thực hiện nhiệm vụ này tại tuyến xã đang gặp khó khăn.

Nói về quá trình thực hiện CĐS tại Thanh Hóa, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TTTT đánh giá rất cao việc tỉnh ưu tiên phát triển lĩnh vực CNTT bên cạnh các lĩnh vực khác là công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch. Từ sự quan tâm đặc biệt này, quá trình CĐS được UBND tỉnh đầu tư nguồn lực, mang lại hiệu quả thực tế, giúp nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua.

picsart_23-11-24_23-14-14-446.jpg

Quá trình thực hiện CĐS, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025, địa phương sẽ phấn đấu nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước. Đến năm 2030, nằm trong trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chính quyền số; kinh tế số chiếm 30% trở lên trong GRDP của tỉnh; DN CĐS chiếm 80% trở lên trong tổng số DN có phát sinh thuế; 100% các huyện, thị xã, thành phố và 80% trở lên các xã, phường, thị trấn hoàn thành CĐS…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển đổi số tại Thanh Hóa: Nỗ lực vì sự đổi mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO