Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH). Một trong những điểm nổi bật của Nghị định này là các hướng dẫn cụ thể nhằm sắp xếp lại hệ thống cơ sở GDĐH, với các quy định về phát triển và liên kết “trường đại học” thành “đại học”.
Muốn chuyển trường đại học thành đại học cần có 10 ngành đào tạo tiến sĩ nguồn. Ảnh: Vnn.Vn.
Liên kết 3 trường ĐH thành ĐH
Nghị định 99/2019/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 15/2/2020 và áp dụng đối với trường ĐH, học viện (gọi chung là trường ĐH), ĐH và tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động GDĐH.
Trong Nghị định có quy định chi tiết điều kiện để chuyển trường ĐH thành ĐH như sau: Trường ĐH đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở GDĐH bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp; Có ít nhất 3 trường thuộc trường ĐH được thành lập theo quy định tại Khoản 4 Điều này; Có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người; Có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường ĐH công lập; có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường ĐH tư thục, trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
Nghị định cũng quy định điều kiện để các trường ĐH liên kết thành ĐH bao gồm: Có ít nhất 3 trường ĐH cùng loại hình công lập hoặc cùng loại hình tư thục liên kết thành ĐH hoặc có ít nhất 3 trường ĐH là trường ĐH tư thục và trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận liên kết thành ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. Có dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của ĐH do các trường ĐH liên kết với nhau xây dựng, trong đó xác định mục tiêu, sứ mạng chung; các quy định về tổ chức, tài chính, tài sản; các nội dung khác (nếu có); Có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp trường ĐH công lập hoặc có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp tại mỗi trường ĐH tư thục, trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
Theo TS Lê Viết Khuyến- nguyên Vụ phó Vụ ĐH (Bộ GDĐT), việc thành lập các ĐH trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay là cần thiết nhằm tạo ra các ĐH lớn đủ tầm vóc để cạnh tranh, xếp hạng quốc tế. Từ đó lan tỏa tích cực, tác động trở lại đối với sự phát triển của hệ thống GDĐH Việt Nam. Tuy nhiên, TS Khuyến cũng cảnh báo không thể để các ĐH phát triển ồ ạt, phát triển nóng như việc ra đời hàng loạt trường ĐH trong thời gian trước đây. Quy định có 10 ngành đào tạo tiến sĩ mới thành lập ĐH là cần thiết. Vì các trường đều muốn sớm nâng cấp và muốn bỏ chữ “trường”.
Cần quy trình giám sát chặt chẽ
Trường ĐH Kinh tế TPHCM là một trong những trường ĐH đã có chủ trương phát triển thành ĐH từ năm 2017, ngay thời điểm Nhà nước bàn về việc sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH.
Hiện trường đang chuẩn bị cho việc xây dựng Đề án. Theo lãnh đạo nhà trường, dự kiến ít nhất cần từ 3-4 năm nữa để Trường ĐH Kinh tế TPHCM phát triển thành một ĐH. Trong đó, hướng đi trường dự định thực hiện là phát triển các khoa hiện tại thành 3-4 trường ĐH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Điều giữ nguyên là nhà trường dự định giữ ổn định quy mô đào tạo như hiện nay, khoảng 30.000 người học. Theo Nghị định 99, điều này hoàn toàn phù hợp. Cụ thể, Nghị định quy định có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người. Như vậy, thay vì tăng quy mô, trường sẽ tập trung vào phát triển chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh không chỉ trong nước mà cả quốc tế.
Tuy nhiên, TS Lê Viết Khuyến cho rằng chủ trương của các trường là không tăng quy mô mà tập trung vào phát triển chất lượng là đúng đắn trong bối cảnh xã hội cần cân bằng cả “thầy”, cả “thợ”. Nếu trường nào cũng tăng quy mô thì sẽ khó tránh khỏi việc “vơ bèo vạt tép” dẫn đến giảm chất lượng đầu vào. Tuy nhiên, nếu quy mô đào tạo chỉ trên 15.000 người đã trở thành ĐH thì liệu có dẫn đến việc nở rộ các ĐH? Mặc dù trên thế giới có một số ĐH tên tuổi có quy mô đào tạo dưới 10.000 người với hàng chục trường thành viên nhưng đó là những trường có bề dày lịch sử, có thương hiệu hàng trăm năm…
“Trường ĐH hay ĐH không nằm ở tên gọi hay quy mô đào tạo mà là ở chất lượng, tầm vóc, xếp hạng trong nước và quốc tế. Nếu các trường Việt Nam cũng ồ ạt bỏ chữ trường để lên thành ĐH mà không có việc giám sát chặt chẽ thì dù có quy định chi tiết, cụ thể cũng có thể xảy ra việc các trường chỉ là thay tên, đổi họ, không thay đổi ở chất lượng đào tạo”- TS Lê Viết Khuyến kiến nghị.