Sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, tiêu dùng xanh… đã và đang trở thành xu hướng phát triển trên toàn cầu. Giới chuyên gia cho rằng trong xu hướng thương mại xanh toàn cầu, doanh nghiệp nào chủ động triển khai chuyển đổi xanh sẽ tiết giảm được nhiều chi phí, tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị phần. Tuy nhiên kết quả chỉ có thể khả quan khi doanh nghiệp có chiến lược đầu tư từ sớm, theo chiều sâu.
Kể từ Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Hội nghị COP26), một luật chơi mới về thương mại được bắt đầu. Ở trong nước, Chính phủ, cơ quan quản lý cũng như chính bản thân doanh nghiệp (DN) đang tích cực trên hành trình xanh hóa nền kinh tế với quyết tâm thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Quỹ thời gian không còn nhiều
Trong khi đó các quốc gia nhập khẩu đã đưa ra các yêu cầu khắt khe về ảnh hưởng môi trường trong thương mại. Chẳng hạn tại thị trường EU, Nghị viện châu Âu thông qua dự luật cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản như cà phê, ca cao, gỗ và cao su… có quy trình sản xuất làm giảm diện tích rừng. Hay từ 1/10/2023, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) bắt đầu đi vào hoạt động. Như vậy với những quy định này, tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) trong các lĩnh vực công nghiệp có cường độ carbon cao (thép, nhôm, xi măng, phân bón…) sẽ nằm trong phạm vi điều chỉnh.
Như vậy, để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, các nước xuất khẩu cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng, trong thương mại quốc tế đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường. Đáng chú ý Việt Nam đã chọn con đường tăng trưởng nhờ xuất khẩu do vậy việc chuyển đổi xanh của DN càng phải thực hiện nhanh, và theo lộ trình đã định sẵn.
Là DN thành công trong xuất khẩu, ông Võ Trung Hiếu - Giám đốc Kinh doanh quốc tế Vinamilk chia sẻ, hiện nay hầu hết các đối tác của DN ở các nhóm thị trường phát triển đã đề cập về các yêu cầu liên quan đến phát triển bền vững. Vinamilk đã và đang tiếp tục chủ động chuyển đổi phương thức hoạt động, tăng cường đầu tư trang thiết bị, chú trọng đào tạo phát triển nhân lực, tích cực chuyển đổi số và chuyển đổi xanh nhằm thích ứng với điều kiện mới.
Hay tại New Zealand và Australia, nơi có yêu cầu cao về yếu tố môi trường, Vinamilk đặt mục tiêu trước 2025 toàn bộ các sản phẩm xuất khẩu sang 2 thị trường này đều sử dụng bao bì HDPE (bao bì dễ tái chế). Hiện các sản phẩm xuất khẩu cung ứng đến New Zealand và Australia đều không có ống hút nhựa, nắp dễ mở hơn nhằm giảm rác thải nhựa ra môi trường.
Xu thế chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững theo tiêu chuẩn ESG ( là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của DN)… là lộ trình không thể đảo ngược mà các DN phải tham gia nếu không muốn bị bỏ lại phía sau trong cuộc chơi toàn cầu. Điều này đòi hỏi DN phải tái cấu trúc mô hình kinh doanh trong dài hạn, hướng tới chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ sản xuất, áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu về xanh và bền vững cho sản phẩm và dịch vụ của DN.
Nhưng với những ngành chịu nhiều tác động từ chuyển đổi xanh như thép hay xi măng... đã thực hiện lộ trình chuyển đổi như thế nào? Ông Đinh Quốc Thái - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, ngành thép đã đưa ra định hướng về công nghệ sản xuất, đó là cải tiến giảm các tiêu hao năng lượng, giảm bớt phát thải khí nhà kính đối với lò cao; đến năm 2035 các nhà máy lò cao sử dụng công nghệ mới và nghiên cứu áp dụng công nghệ CCS; đối với công nghệ lò điện, sau khi cải thiện đến năm 2025 sẽ đạt mức độ phát thải tối ưu; đến năm 2035 dần sử dụng năng lượng xanh như điện tái tạo.
Tương tự, dệt may cũng là lĩnh vực sớm chịu ảnh hưởng từ nhu cầu “sống xanh” và sử dụng các sản phẩm xanh của thị trường. Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, từ cách đây 5 năm, ngành dệt may Việt Nam đã phải chịu nhiều áp lực từ các thị trường với những yêu cầu về phát triển xanh, bền vững, khí thải, nước thải, môi trường làm việc, vấn đề liên quan đến chứng chỉ an toàn trong sản phẩm dệt may… Trong đó, thị trường châu Âu đưa ra những yêu cầu khắt khe nhất, tiếp đến là thị trường Mỹ. Đây là 2 thị trường lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam hiện nay.
Nhiều ý kiến cho rằng, năm 2024, thị trường được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt các quốc gia nhập khẩu lớn của ngành dệt may như: EU, Mỹ… sẽ áp dụng các cơ chế nghiêm ngặt như: cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất); CBAM; Chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD của EU; Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức… Đồng thời các nhãn hàng tiến tới chuyển đổi dần sang chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”…
Giá trị bền vững
Việc đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng xanh, bền vững là con đường tất yếu của các DN Việt trong bối cảnh mới. Dù việc chuyển đổi xanh sẽ có những áp lực đối với DN như chi phí đầu tư ban đầu cao, công nghệ cao, cần chuyên gia giúp doanh nghiệp định hướng phát triển nhưng việc này không thể kéo dài thời gian mà phải chạy nước rút. Bởi trong khó khăn về đơn hàng việc chuyển đổi xanh cũng mang lại các lợi ích như giảm chi phí do giảm chất thải, tăng hiệu quả hoạt động, giảm rủi ro phạt hành chính; thu hút nhà đầu tư và các ngân hàng hơn nhờ đó chi phí vay thấp hơn. Đặc biệt, chuyển đổi xanh giúp DN phát triển bền vững.
Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, đưa ra đánh giá, tương tự như đối với quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh sẽ đòi hỏi những thay đổi lớn về công nghệ và những người đi trước sẽ đạt được nhiều lợi thế so với những người áp dụng chuyển đổi sau về: nguồn nhân lực, tiếp cận nguồn vốn mới, giữ chân nhà đầu tư, thiết lập quan hệ đối tác, thu hút khách hàng, tối ưu chi phí, có kiến thức chuyên môn.
Tuy nhiên phần lớn DN trong nước là DN vừa và nhỏ, đưa sản phẩm ra thị trường đã khó, để sản xuất sản phẩm xanh còn khó hơn rất nhiều. Do đó với nguồn lực hạn chế, DN cần xác định được đâu là lĩnh vực mũi nhọn, dòng sản phẩm cạnh tranh nhất của mình. DN vừa và nhỏ cần có sự linh hoạt nhất định, tập trung một, hai sản phẩm chứ không nên dàn trải. Khi có kinh tế tốt có thể mở rộng nhiều sản phẩm.
Theo bà Nguyễn Minh Huệ - Quản lý dự án Công ty Tư vấn và dịch vụ đổi mới khí hậu KLINOVA, để chuyển đổi xanh phải bắt đầu từ nhận thức của DN có muốn làm hay không? Nếu DN không muốn làm thì tất cả hành động đều vô nghĩa. Tiếp đó là sự quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo DN để quyết định chuyển đổi và thực thi quá trình chuyển đổi xanh.
Còn TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, kinh tế xanh, kinh tế carbon, thị trường carbon... không chỉ còn là vấn đề môi trường mà nó đang trở thành thời đại kinh tế. Trong thời gian tới, việc minh bạch thông tin các báo cáo về phát thải, chỉ số carbon... chắc chắn sẽ mang tính bắt buộc. Khi DN niêm yết trên sàn chứng khoán, bên cạnh báo cáo tài chính, DN sẽ phải có báo cáo về việc định lượng, kiểm kê toàn bộ số lượng phát thải khí nhà kính của mình.
Trong khi đó, theo TS Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam), những quy định của EU sẽ có tác động tới các DN xuất khẩu của Việt Nam trên 3 góc độ chính. Trước hết là làm gia tăng tiêu chuẩn xanh đối với các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang EU. Thứ hai là làm gia tăng trách nhiệm tài chính xanh của một số nhà sản xuất liên quan đến những sản phẩm có khả năng gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất khi nhập khẩu vào EU. Thứ ba, làm tăng trách nhiệm giải trình về nguồn gốc sản phẩm cũng như các yêu cầu liên quan đến tác động môi trường của quá trình sản xuất, sử dụng và thải bỏ sản phẩm.
Do đó, các DN cần theo dõi sát diễn tiến các chính sách xanh ở EU, nhận diện kịp thời, chính xác các tiêu chuẩn xanh cụ thể có liên quan tới sản phẩm của mình. Đồng thời, có sự chuẩn bị, đầu tư và hành động từ sớm, từ xa để dần thích ứng và bảo đảm khả năng tuân thủ các yêu cầu bắt buộc khi EU áp dụng chính thức.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu hình thành hệ thống cơ cấu sản xuất, tiêu dùng bền vững; sử dụng hiệu quả giá trị tài nguyên, nguồn nguyên liệu, vật liệu đã qua sử dụng, hạn chế tối đa chất thải ra môi trường; thúc đẩy sự tái sinh của thiên nhiên trên cơ sở lựa chọn, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phổ biến và phù hợp; khai thác hiệu quả tiềm năng về đổi mới, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn, tạo dựng văn hoá trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, tiến tới hình thành xã hội tuần hoàn vật chất. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 là sử dụng hiệu quả tài nguyên, vật liệu, phát triển năng lượng tái tạo; kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế phát thải tác động xấu đến môi trường.