Sông Tích còn được người dân đôi bờ quen gọi là sông Tích Giang. Dòng Tích Giang bắt nguồn từ dãy núi Ba Vì, đầu nguồn là các hồ Suối Hai, Đồng Mô rồi xuôi theo hướng Tây Bắc - Đông Nam mang theo dòng nước tưới tắm đất đai vùng ngoại thành gồm các huyện, thị xã: Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất, Quốc Oai... Dòng sông ấy không chỉ cung cấp nước tưới cho khoảng 16.000ha đất nông nghiệp mà còn chứa đựng nhiều câu chuyện thú vị.
Dòng Tích giang với nhiều truyền thuyết lưu truyền trong dân gian.
Khúc gỗ quẩn quanh nơi bến nước
Thôn Yên Lạc (xã Cần Kiệm - huyện Thạch Thất - Hà Nội) nằm bên bờ sông Tích. Với người dân ở đây, dòng Tích Giang đã đi vào tâm hồn họ, trở thành thân thuộc. Những đứa trẻ lớn lên ở đây đều chơi đùa, tắm mát bên dòng sông này.
Đặc biệt, quanh khu vực này ai cũng thích thú với bến nước gần đình làng Yên Lạc. Ở đó, có một khúc gỗ kỳ lạ, mà dân trong làng vẫn bảo đó là khúc “gỗ thiêng”, “khúc gỗ biết đi”, hay “khúc gỗ đen”.
Khúc gỗ bên bến nước. Một khúc gỗ nhỏ, mỏng, nổi nênh trên bến nước, không có bất kỳ sợi dây nào buộc lại mà chẳng hề bị dòng nước cuốn đi. Những người dân ở Yên Lạc đều bảo “rất khó lý giải”. Với người dân ở đây, khúc gỗ vẫn là một di vật họ luôn nhớ, gìn giữ với nhiều niềm tin và nhắc nhở con cháu không được tham lam, lấy những thứ không thuộc về mình. |
Thầy giáo Tùng dẫn chúng tôi xuống sát mép nước sông Tích chỉ vào một khúc gỗ nửa nổi nửa chìm giới thiệu, đó là khúc gỗ mấy chục năm nay không ai neo buộc nhưng chỉ quanh quẩn với bến nước này. Trong cuộc đời ông đã chứng kiến những trận mưa bão lớn, nước xối xả. Thậm chí, những năm có lụt, nước thượng nguồn ầm ầm đổ về cuồn cuộn kéo theo bao rác rưởi, cành khô củi mục. Ai cũng nghĩ thế nào khúc gỗ cũng sẽ bị cuốn đi. Ấy thế nhưng, bao năm nay, kỳ lạ là khúc gỗ vẫn ở nguyên ở đó.
Thầy Tùng kể: “Khi tôi còn bé, vào mùa hè, tụi trẻ con vẫn thường tắm sông. Ngày ấy, khúc khỗ còn to gấp 3-4 lần hiện nay, vì thế nhiều đứa còn mang khúc gỗ ra làm “phao” tập bơi”. Còn cụ Khâu năm nay ngoài 70 tuổi thì nhớ lại: “Hồi tôi mới 5-6 tuổi mỗi lần ra đình làng chơi tôi đã thấy có 2 khúc gỗ nằm đó. Nhưng giờ chỉ còn một.
Trước đây khúc gỗ to lắm, rất chắc và nặng. Đến giờ, trải qua bao năm tháng cọ xát với sông nước, khúc gỗ đã nhỏ đi rất nhiều”. Cụ Điều thì cho biết, “khúc gỗ biết đi” này gỗ thông, màu đen. Ngày còn nhỏ thường đi bơi sông, cụ nhớ khúc gỗ có hình chữ Y”. Ông Nguyễn Văn Dậu- nguyên Trưởng ban quản lý khu di tích làng Yên Lạc cũng gật đầu xác nhận trước đây bến sông Tích có 2 khúc gỗ. “Nhưng tôi nhớ quãng năm 1981 hay 1982 gì đó, có một người đàn bà lấy một khúc chẻ làm gỗ. Sau đấy người ta thấy bà bị tâm thần rồi bỏ đi đâu biệt tích đến giờ”, ông Dậu kể.
Một vài bậc trưởng lão ở làng cho biết, từ xưa, họ đã được nghe kể rằng, khi dân làng làm đình, còn thừa một khúc gỗ khá to, mọi người đem ra bến nước làm cái bàn giặt. Người làng đi làm đồng về đều ghé qua bến nước, để chân lên khúc gỗ kỳ cọ, gần Tết còn làm bàn rửa lá dong. Mùa hè, trẻ con vẫn thường lấy nó làm phao tập bơi, thậm chí có đứa nghịch ngợm còn trèo lên để làm cầu, nhảy tùm xuống dòng nước trong mát.
Nhưng điều kỳ lạ ở chỗ: Một khúc gỗ nhỏ, mỏng, nổi nênh trên bến nước, không hề có bất kỳ sợi dây nào cột lại mà không hề bị dòng nước cuốn đi. Những người dân cả vùng này cũng đều bảo “rất khó lý giải”. Ông Kiều Văn Võ sống cách bến nước gốc đa không xa thì bảo, tôi sinh ra ở đây đến nay đã 40 năm, chứng kiến nhiều trận lũ lớn, nước sông Tích dâng cao, dòng nước chảy xiết nhưng lạ kỳ là cứ sau khi con nước rút đi ít lâu, lại thấy khúc gỗ lập lờ trên mặt bến nước. Đặc biệt, năm 2008 xuất hiện trận lũ lớn, khúc gỗ bị cuốn trôi theo dòng nước, cuốn trôi bờ bãi, cây cối, rác rưởi. Những lúc đó, người làng Yên Lạc tìm cũng không thấy khúc gỗ quen thân đâu. Nhưng đến khi hết lũ, nước rút, dân làng lại thấy khúc gỗ trở về nguyên chỗ cũ. Có đi hỏi khắp làng thì ai cũng lắc đầu rằng mình không mang nó về. Kỳ lạ lắm…
Cũng có người tìm cách lý giải về “khúc gỗ biết đi” này. Như ông Dậu chẳng hạn. Chính ông đã đẽo khúc gỗ lấy một mẩu về “nghiên cứu”. Nhưng ông cũng chỉ tạm đưa ra nhận xét: Đây là khúc gỗ thông, một loại gỗ có khối lượng riêng vào loại trung bình, khi thả xuống nước, nó không chìm hẳn, cũng không nổi hẳn, chỉ là là mặt nước...
Dù có nhìn hiện tượng với góc độ nào, thì với người dân ở đây, khúc gỗ vẫn là một di vật họ luôn nhớ, gìn giữ với nhiều niềm tin và nhắc nhở con cháu không được tham lam, lấy những thứ không thuộc về mình.
Thầy giáo Tùng bên khúc gỗ “biết đi”.
Cây đa 9 gốc và chuyện chiếc chìa khóa của người hành khất
Ngay cạnh bến nước làng Yên Lạc có một gốc đa trùm phủ cả một khoảng không gian rộng lớn. Người dân và các phương tiện giao thông đi lại dưới những nhánh, những gốc của cây đa. Đây là cây đa 9 gốc nằm cách chùa Tây Phương chừng 1km. Gốc đa này cũng từng được nhiều đạo diễn chọn làm bối cảnh cho phim. Ai có dịp đi qua cũng cảm thấy lạ và muốn dừng chân. Bây giờ, dưới gốc đa cổ thụ gần 550 tuổi vẫn là nơi vui chơi, hóng mát của người dân Yên Lạc. Trẻ con thường ra đây đá bóng, chơi ô ăn quan, nhảy dây…
Dưới gốc đa chính hiện người dân lập một miếu thờ nhỏ, cùng tấm bảng sơn màu xanh, trên đó ghi rõ: “Năm Hồng Đức nguyên niên (1469) đình Yên Lạc được xây dựng lại to rộng trên mảnh đất này. Cây đa được trồng trước cửa sân đình…”.
Một cụ già đang bế cháu ngồi dưới gốc đa kể rằng lúc còn bé, ông nghe kể lại rằng, ngày xưa, lúc dựng xong đình Yên Lạc thì trời có một trận mưa lớn khiến dòng sông Tích trước mặt nước dềnh lên. Khi nước rút đi, thì để lại một cây đa nhỏ. Ban đầu chả ai để ý. Sau đó, cây đa cứ lớn dần rồi cứ thế thả dễ hình thành 9 nhánh như hiện nay.
Các cụ cao niên ở làng Yên Lạc còn kể rằng, suốt những năm chống Pháp, đình làng bị máy bay bắn phá dữ dội nhưng vẫn chẳng hề gì. Cột đình được làm toàn bộ bằng gỗ lim, một người ôm không hết. Trong đình Yên Lạc ngày trước có một quả chuông đồng rất to, cao gần 2 mét. Trên thân chuông có khắc những hình long phượng và rất nhiều hoa văn đẹp mắt. Đặc biệt, nó còn khắc tên của làng Yên Lạc, xã Cần Kiệm. Trong làng Yên Lạc, người dân vẫn lan truyền câu chuyện đúc chuông đồng này.
Chơi bóng dưới cây đa 9 gốc.
Ông Nguyễn Văn Dậu vẫn còn nhớ như in câu chuyện được nghe từ các cụ đời trước truyền lại. Chuyện kể rằng, khi ngôi đình Yên Lạc vừa dựng xong thì thấy cần có một quả chuông để thỉnh mỗi khi làm lễ. Làng lúc đó nghèo, mọi người đi quyên góp đồng từ khắp nơi để đúc chuông.
Một ngày nọ, có một người hành khất đi ngang qua đình, trên người không có gì đáng giá mới góp một chiếc chìa khóa bằng đồng. Thấy người hành khất nghèo khổ, nhóm người phụ trách cho việc quyên góp đã không nhận. Người hành khất đem chiếc chìa khóa ấy thả xuống cái ao nhỏ trên đồng làng. Đến khi tiến hành đúc chuông, người ta phát hiện quả chuông bị thủng 1 chỗ nhỏ. Tiến hành đúc lại lần thứ 2 cũng vẫn y như thế. Đúc đến lần thứ 3 quả chuông vẫn bị thủng một lỗ.
Dân trong làng cử người đi xem, thầy bói bảo việc đúc chuông không thành, cứ bị thủng một lỗ là vì còn thiếu chiếc một chìa khóa bằng đồng. Dân làng lập tức nhớ tới chuyện người hành khất góp chiếc chìa khóa hôm nào. Lập tức dân làng đi tìm người hành khất để xin chiếc chìa khóa kia. Mãi rồi cũng tìm thấy… Khi tiến hành đúc chuông lại quả nhiên lần này chuông không bị thủng nữa và tiếng kêu vang vọng. Sau đó người dân dâng chiếc chuông này vào treo ở gian đại bái ngay trước cửa đình.
Bây giờ nhiều người dân Yên Lạc vẫn luôn nhớ về quả chuông thiêng này. Bởi lẽ quả chuông đã được treo trong đình làng suốt mấy trăm năm. Trải qua bom rơi đạn lạc, đình và chuông chỉ bị xước sát một chút. Nhưng đến năm 1968, quả chuông đã đột ngột biến mất. Suốt hơn nửa thế kỷ nay, người Yên Lạc vẫn luôn nhắc nhớ tới quả chuông này…
Dân trong làng cử người đi xem, thầy bói bảo việc đúc chuông không thành, cứ bị thủng một lỗ là vì còn thiếu chiếc một chìa khóa bằng đồng. Lập tức dân làng đi tìm người hành khất để xin chiếc chìa khóa kia. Mãi rồi cũng tìm thấy… Khi tiến hành đúc chuông lại quả nhiên lần này chuông không bị thủng nữa và tiếng kêu vang vọng. Sau đó người dân dâng chiếc chuông này vào treo ở gian đại bái ngay trước cửa đình. |