Chuyên môn hay bằng cấp?

Anh Tú 15/11/2019 08:00

Đến thời điểm này, công chức, viên chức vẫn loay hoay với câu hỏi: Chú tâm làm chuyên môn hay chịu khó “sưu tầm” bằng cấp chứng chỉ để “đáp ứng yêu cầu” của chức vụ hay ngạch bậc?

Hôm nọ, nhân dịp họp lớp tôi gặp lại anh bạn hiện làm trưởng phòng một cơ quan cấp Sở một tỉnh miền núi. Chuyện xuôi chuyện ngược lại trở về công việc. Làm trưởng phòng gần 10 năm, bạn tôi vẫn chỉ là chuyên viên thường với phụ cấp 0,5 chứ chưa được lên “chính” đừng nói là “cao cấp”. Hỏi thì anh bạn cười buồn: Vài năm trước thì thiếu chứng chỉ ngoại ngữ. Năm nay thì chưa có chứng chỉ bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính.

“Cơ quan tôi cũng chỉ có vài người đi thi. Toàn người làm hành chính nên có điều kiện học hành đủ thứ bằng cấp, chứng chỉ. Chứ bọn tôi làm chuyên môn, thiếu người nên trưởng phòng cũng lăn ra làm, thời gian đâu mà học. Cố được chứng chỉ chính trị lại thiếu chuyên viên chính” - anh bạn ngán ngẩm.

Đấy là bạn tôi nằm trong số những trưởng phòng xuất sắc được quy hoạch phó giám đốc sở, nhiều năm liền được nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua. Nhưng lúc lên danh sách thi nâng ngạch thì những người làm việc lại thiếu văn bằng, chứng chỉ còn lại toàn chuyên viên loại nhàng nhàng nhưng… đủ điều kiện cứng.

Không chỉ công chức hành chính, nạn giấy tờ, văn bằng chứng chỉ “hành” không từ một ai trong bộ máy. Ví như tâm sự của một nhà giáo trên báo: Xưa nay, thầy cô giáo chỉ biết rằng mình tốt nghiệp một trường sư phạm chính quy, được tuyển dụng vào ngành làm công việc giảng dạy và giáo dục học sinh thế là đủ. Vậy mà, hết yêu cầu phải có chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ, nay lại đến chứng chỉ nghề nghiệp. Mỗi chứng chỉ phải bỏ tiền ra học nhưng chẳng khác gì đi mua, và làm thế để làm gì?

Câu trả lời muôn thuở vẫn là: Để hoàn thiện hồ sơ theo chỉ đạo của cấp trên.

Vấn nạn “bằng cấp hành cán bộ” đã lên tận nghị trường. Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thừa nhận, bản thân Bộ trưởng cũng thấy rất phiền hà trước tình trạng yêu cầu quá nhiều văn bằng, chứng chỉ.

Theo Bộ trưởng, không chỉ riêng trong thi nâng ngạch hoặc xét thăng hạng viên chức, quy định bổ nhiệm bây giờ yêu cầu tới 7 bằng cấp tiêu chuẩn, điều kiện là quá nhiều. Nhưng vấn đề này không phải chỉ do mỗi Bộ Nội vụ đặt ra. Tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức ngành hành chính được ban hành từ năm 1993. Đến bây giờ là hai mươi mấy năm rồi thì cũng cần phải sửa. “Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm này khi để một quyết định hơn 20 năm không sửa, khiến thủ tục rườm rà” - Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.

Về giải pháp, theo Bộ trưởng, Bộ Nội vụ sẽ quy định kiểm định tiêu chuẩn bằng cấp, chứng chỉ theo phương thức thực chất, không để những chuyện bằng cấp là gánh nặng đối với cán bộ, công chức nữa. Ví dụ tin học, ngoại ngữ phải thi trên máy tính, bài làm sát hạch bằng tiếng Anh. Ông Tân cũng dẫn kinh nghiệm ở nhiều nước tiên tiến, việc tuyển chọn công chức không cần văn bằng, chứng chỉ, mà thông qua phỏng vấn để xác định người ứng tuyển có tương xứng, phù hợp với vị trí cần tuyển hay không.

Nhưng có lẽ vấn đề không phải ở tấm bằng. Trên báo chí có nhiều bài phản ánh việc đi học - thi chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, chức danh nghề nghiệp như đi chơi, có mặt cho đủ, kiểu “đóng tiền lấy bằng”. Như vậy, những chứng chỉ đó không thể hiện năng lực thực sự của mỗi công chức, viên chức.

Cái gốc vấn đề vẫn là việc đổi mới tuyển dụng công chức, viên chức. Cần đề ra “mức sàn” về bằng cấp như có bằng đại học đối với một số chức danh. Còn các kỹ năng hành chính, ngoại ngữ, tin học, chuyên môn thể hiện qua việc thi cử nghiêm minh. Thi vào vị trí nào có những bài thi được thiết kế cho vị trí đó chứ không phải cào bằng, ào ào như cách chúng ta đang mở các kỳ thi tuyển dụng hiện nay.

Muốn vậy thì từng cơ quan phải có đề án việc làm với những vị trí xác định cùng các tiêu chuẩn về bằng cấp, chuyên môn cụ thể, tỉ mỉ cũng như với một mức lương xác định. Từ đó, mới có thể có những kỳ thi tuyển mà người thi lẫn người chấm đều biết trước về những yêu cầu, điều kiện cũng như mức thu nhập ở vị trí đó.

Nhưng đó vẫn là câu chuyện ở thì tương lai khi mà những đề án việc làm, đề án lương đang được các cơ quan hữu quan xem xét. Từ nay cho đến lúc những đề án này đi vào hiện thực, việc tuyển dụng, nâng ngạch hay thăng hạng vẫn phụ thuộc vào bằng cấp chứng chỉ.

Dù Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã 2 lần nhận khuyết điểm trong phiên chất vấn nhưng tình thế vẫn chưa thay đổi. Bên ngoài hội trường, công chức, viên chức vẫn loay hoay với câu hỏi: Chú tâm làm chuyên môn hay chịu khó “sưu tầm” bằng cấp chứng chỉ để “đáp ứng yêu cầu” của chức vụ hay ngạch bậc?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyên môn hay bằng cấp?