Vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm hiện đang là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội. Thực phẩm bẩn, sản phẩm kém chất lượng không chỉ gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn “bóp chết” những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất sạch, tác động xấu đến nền kinh tế… Đồng hành với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tuyên chiến với thực phẩm bẩn, từ năm 2016, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chọn vấn đề an toàn thực phẩm để tổ chức giám sát với thông điệp rõ ràng
Cơ quan chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm.
Hà Nội là địa bàn đông dân cư với nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm đứng đầu cả nước. Đặc điểm ấy khiến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của Thủ đô luôn ở mức báo động. Trước tình hình đó, Mặt trận Hà Nội đã tổ chức giám sát ATVSTP tại một số quận, huyện để cùng nhân dân tháo gỡ khó khăn, bức xúc trước vấn nạn thực phẩm bẩn.
Kiên quyết xử lý vi phạm
Xác định giám sát ATVSTP là vấn đề cấp thiết, ngay từ đầu năm 2017, UBMTTQ quận Long Biên đã coi nội dung giám sát ATVSTP là việc cần làm ngay. Việc lựa chọn giám sát chủ đề này đồng nghĩa với việc Mặt trận sẽ dấn thân vào một nội dung gai góc nhưng thiết thực, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi mà việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm để xử phạt còn khó khăn.
Lợi nhuận kếch xù, tiền lãi lớn khiến cho nhiều người sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm bất chấp mọi quy định của pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Để nâng cao ý thức người kinh doanh tại các chợ dân sinh nhỏ lẻ, UBMTTQ quận Long Biên đã tổ chức đi giám sát ATVSTP tại chợ Tư Đình (phường Long Biên) và chợ Ngọc Lâm (phường Ngọc Lâm).
Đoàn giám sát của quận đã tiến hành giám sát 9/30 tiêu chí chấm điểm chợ văn minh thương mại. Qua giám sát cho thấy chợ Tư Đình đã có nhiều tiến bộ, chợ Ngọc Lâm vẫn giữ được những tiêu chí đã đạt được so với lần giám sát trước, 9 tiêu chí giám sát 2 chợ đều đảm bảo ATVSTP.
Đã gần 20 năm buôn bán tại chợ Ngọc Lâm, tiểu thương Đinh Thị Xuyến chưa bao giờ thấy vấn đề ATVSTP lại được chính quyền cùng Ban quản lý chợ vào cuộc quyết liệt đến thế. Từ việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ cho đến kiểm tra thực phẩm chính, thực phẩm tươi sống đều được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, đảm bảo người tiêu dùng được sử dụng thực phẩm sạch sẽ nhất.
Ông Nguyễn Thế Trọng, Ban Quản lý chợ Ngọc Lâm cho biết: Ngoài kiểm tra giám sát hàng ngày, Ban Quản lý chợ đều yêu cầu các hộ kinh doanh ký bản cam kết tự đảm bảo ATVSTP, truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Xuất xứ ở đây chủ yếu là thịt được lấy từ các lò mổ trong nội thành, rau thì lấy ở xã Đông Dư, Vân Nội (Đông Anh). Từ ngày thực hiện việc khai báo, nhận thức và ý thức chấp hành của các hộ kinh doanh tại chợ Ngọc Lâm tăng lên rõ rệt. Bởi lẽ, tất cả tiểu thương đều phải truy xuất nguồn gốc thực phẩm để việc xuất trình giấy tờ, kê khai thuận lợi, không làm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa.
Đối với khu vực ngoại thành, huyện Hoài Đức là nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhất, với 3.011 cơ sở thực phẩm, trong đó, 922 cơ sở chế biến thực phẩm, 344 cơ sở chế biến nông sản thực phẩm nhưng chủ yếu hoạt động nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình.
Việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ khiến cho công tác tuyên truyền, quản lý ATVSTP gặp không ít khó khăn. Ông Đỗ Đức Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết: “Để bảo đảm ATVSTP, huyện Hoài Đức đã triển khai các biện pháp tổng hợp như tuyên truyền, vận động, tập huấn cho các lĩnh vực thú y, chế biến kinh doanh thực phẩm, tập huấn trong lĩnh vực bảo vệ thực vật... Riêng hệ thống MTTQ đã tổ chức 8 lớp tập huấn, đồng thời lồng ghép với các hoạt động của khối đoàn thể cho gần 1.300 hội viên.
“Chúng tôi thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra việc từ cấp huyện cho đến cấp xã, trong đó tập trung giám sát các cơ sở chăn nuôi, các vùng sản xuất rau, các cơ sở sản xuất bánh kẹo...”, ông Trung nhấn mạnh.
Tăng cường các công cụ giám sát
Trước tình hình thực phẩm bẩn đang xuất hiện tràn lan, nhiều địa phương đã có những động thái để ngăn chặn các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm mất vệ sinh hoạt động. Mới đây, nhằm đẩy mạnh công tác phối hợp quản lý và giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, Hà Nội đã công khai đường dây nóng tiếp nhận thông tin về mất an toàn thực phẩm và thông tin của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của ngành y tế trên địa bàn 30/30 quận, huyện. Ban chỉ đạo ATVSTP các quận cũng đã yêu cầu UBND phường rà soát lại danh sách các cơ sở trên địa bàn, cập nhật đủ thông tin của các cơ sở thuộc phường, xã quản lý để có báo cáo hàng tháng.
Trong quá trình giám sát ATVSTP, cán bộ Mặt trận luôn là những người tiên phong đi đầu. Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Chủ tịch UBMTTQ phường Ngọc Lâm cho biết, cùng với chính quyền sở tại, các lực lượng chuyên môn như Y tế sẽ có nhiệm vụ giám sát ATVSTP đối với thức ăn chín, bên Công thương giám sát đối với bánh kẹo, hoa quả; ngành Thú y giám sát thực phẩm tươi sống.
“Đặc biệt, đối với thực phẩm tươi sống sẽ được giám sát hàng ngày để kiểm soát tình hình. Cho đến thời điểm này, công tác phối kết hợp giữa các ban, ngành được thực hiện nhịp nhàng, bài bản”, bà Yến nhấn mạnh.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Ngô Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBMTTQ quận Long Biên cho rằng, ngay từ đầu năm 2017, UBMTTQ quận cùng phối hợp với chính quyền xây dựng kế hoạch phối hợp liên tịch để đưa nội dung giám sát ATVSTP vào hội nghị nhân dân, góp phần đảm bảo sức khỏe của nhân dân trên địa bàn.
Ban Chỉ đạo ATVSTP các phường cũng đã đi kiểm tra, giám sát hơn 150 cuộc tại các chợ, cửa hàng ăn uống, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể. Trong quá trình giám sát, đoàn kiểm tra, giám sát cũng đã phát hiện, xử lý hành chính 6 trường hợp vi phạm ATVSTP, phạt từ 600 nghìn đồng đến 2,5 triệu đồng và nhắc nhở, chấn chỉnh hàng chục hộ vi phạm nhỏ.
Với 24 chợ trên địa bàn quận Long Biên, UBMTTQ quận đặt ra mục tiêu xây dựng 100% KDC chấp hành các quy định pháp luật về ATVSTP; ít nhất 50% hộ sản xuất nông nghiệp, chế biến, kinh doanh cam kết bảo đảm thực hiện an toàn; tất cả các xã, phường, thị trấn được công nhận nông thôn mới, đô thị văn minh đều đạt tiêu chí ATVSTP.
“Để bảo đảm duy trì kết quả, MTTQ các phường giao cho các nhóm nòng cốt tiến hành tái giám sát, gắn với tuyên truyền, vận động các trường hợp vi phạm ATVSTP từng bị xử lý, nhắc nhở trước đó. Từ nay đến cuối năm, UBMTTQ quận tiếp tục tuyên truyền, bám sát các nội dung để quyết tâm thực hiện đạt kết quả cao”, ông Xuân nhấn mạnh.
Qua kiểm tra, công tác giám sát ATVSTP tại một số quận, huyện trên địa bàn thành phố, theo Phó Chủ tịch UBMTTQ thành phố Hà Nội Nguyễn Đình Đức, công tác đảm bảo ATVSTP đã có những chuyển biến tích cực; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn về ATVSTP đã được UBND quận, huyện xây dựng và triển khai thực hiện. Các địa phương cũng vận động các cơ sở kinh doanh thực phẩm làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP và cam kết đảm bảo ATVSTP theo đúng quy định.
“Trong thời gian tới, Mặt trận sẽ cần tăng cường tuyên truyền, vận động giám sát ATVSTP của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát; quan tâm công tác hậu kiểm tra, giám sát việc thực hiện đảm bảo ATVSTP. Trong quá trình triển khai chú trọng đến công tác tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nâng cao ý thức thực hiện đảm bảo ATVSTP vì sức khỏe của cộng đồng đồng thời kiên quyết xử lý, răn đe, ngăn chặn và có biện pháp giải quyết dứt điểm các hành vi, trường hợp vi phạm về ATVSTP”, ông Nguyễn Đình Đức khẳng định.
Đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân về các vấn đề liên quan đến ATVSTP tại Hà Nội là các số điện thoại 1900585826 của Sở Công thương, số 043 3800115 của Sở NN&PTNT và số 043 998 5765 của Sở Y tế. Với những cơ sở sản xuất không đảm bảo ATVSTP cũng sẽ bị nêu tên và công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. |