Chuyển từ giáo dục nặng kiến thức sang hoàn thiện phẩm chất

Phương Linh (thực hiện) 18/10/2016 04:11

Những ngày gần đây, nhiều địa phương trên cả nước đã xảy ra những vụ bạo lực học đường. Bên cạnh đó là những hành động như “đủ nghìn like sẽ đốt trường”… Những sự việc ấy đã gióng lên hồi chuông báo động cho sự xuống cấp về văn hóa một bộ phận người trẻ. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa.

Chuyển từ giáo dục nặng kiến thức sang hoàn thiện phẩm chất

Bà Nguyễn Thị Nghĩa.

PV: Quan điểm của bà như thế nào trước hành động của học sinh khi đăng lên facebook rằng “đủ nghìn like sẽ đốt trường”, hay những clip đánh nhau ở Bắc Giang, vụ tự tử của học sinh ở Yên Bái?

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Thực ra đó là những sự việc rất đáng tiếc, không ai mong muốn. Học sinh ở lứa tuổi THCS là lứa tuổi thay đổi tâm sinh lý lớn, dễ bị tác động, dễ bị lôi kéo.

Vấn đề này, tôi nghĩ có trách nhiệm của nhà trường, nhưng trách nhiệm của gia đình cũng có. Gia đình và nhà trường đều cần phối hợp thường xuyên, quan tâm theo dõi diễn biến, đặc điểm tâm sinh lý của các em, để kịp thời uốn nắn, nhắc nhở. Có như vậy mới tránh những tình trạng đáng tiếc như vừa rồi xảy ra…

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội thảo về Xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường. Đây là vấn đề mà xã hội đang đặc biệt quan tâm, do những vụ việc đáng tiếc về đạo đức người trẻ đã xảy ra liên tiếp. Xuất phát từ đây, Bộ GD&ĐT sẽ có những triển khai cụ thể như thế nào tới các trường học?

- Trong các trường học hiện nay cũng đã xây dựng môi trường văn hóa trường học. Bởi chúng tôi xác định văn hóa trong nhà trường có vai trò quan trọng trong việc giáo dục, đào tạo, hình thành phẩm chất, năng lực và hoàn thiện mỗi học sinh, sinh viên.

Môi trường văn hóa trong nhà trường bao gồm nhiều yếu tố, không chỉ là cảnh quan khuôn viên sư phạm nhà trường, không phải chỉ là cơ sở vật chất mà còn là các quy tắc ứng xử giữa học sinh, sinh viên với học sinh, sinh viên; giữa người học với các thầy cô giáo; cũng như ứng xử với cộng đồng xung quanh, với bè bạn…

Những yếu tố đó có vai trò rất lớn trong việc giúp cho các em được hình thành về phẩm chất, năng lực và hoàn thiện phát triển.

Hiện nay trong nhà trường chúng ta cũng đã có và thực hiện, thấy được vai trò của văn hóa trường học và đã xây dựng môi trường văn hóa trong trường học.

Cụ thể, từ năm 2008 Bộ GD&ĐT đã có chỉ thị về xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Từ đó đến nay hầu hết các nhà trường đã xây dựng quy tắc ứng xử và xây dựng khuôn viên cảnh quan môi trường sư phạm lành mạnh, thân thiện.

Nhiều nơi học sinh cũng đã tiếp thu kiến thức tích cực, tự giác trong học tập, và phần lớn học sinh chúng ta có phẩm chất đạo đức tốt.

Tuy nhiên trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, trong đó nhấn mạnh phải chuyển từ giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực phẩm chất học sinh thì chúng ta phải đặc biệt chú trọng giáo dục về đạo đức, truyền thống lý tưởng cách mạng. Chúng ta cũng cần chú trọng tới việc xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường.

Chúng tôi nhấn mạnh, thứ nhất phải xây dựng và hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường, trong đó chú trọng mối quan hệ giữa người học với người học; giữa thầy cô giáo với học sinh, sinh viên và thầy cô trong nhà trường. Thứ hai là quan tâm đến cảnh quan trong nhà trường, trong đó khẩu hiệu là phương tiện để giáo dục học sinh, và cũng là phần tạo nên thẩm mỹ của nhà trường, tạo nên môi trường giáo dục, từ đó góp phần tạo môi trường văn hóa.

Hội thảo vừa qua chúng ta đã thống nhất những hành động, nhận thức trong các cơ sở giáo dục. Tôi cũng nhấn mạnh vai trò người đứng đầu trong việc triển khai hoạt động này.

Thời gian trước, chúng ta đã triển khai tốt nhưng chưa thực sự đồng đều, có những trường chưa thực sự quan tâm đến việc giáo dục đạo đức lối sống, đặc biệt xây dựng môi trường văn hóa trong trường học.

Vấn đề đạo đức của học sinh phải đặt lên hàng đầu, nhưng vừa qua có một số học sinh cá biệt đã gây ra những hiện tượng trên mạng xã hội như đánh nhau, câu like... Trong thời gian tới, cần có phương án như thế nào để nâng cao hơn nữa đạo đức trong trường học?

- Giáo dục đạo đức lối sống là việc rất quan trọng, trọng tâm. Bộ GD&ĐT đã rất quan tâm, tập trung chỉ đạo. Vừa rồi Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành quyết định 154 về tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho Thanh thiếu niên, trong đó nhấn mạnh phải xây dựng môi trường thân thiện, an toàn, lành mạnh để đảm bảo cho học sinh có cuộc sống tốt.

Nếu học sinh được ở trong một môi trường lành mạnh thì học sinh sẽ được học tập rèn luyện tốt, và sẽ có những phát triển tốt. Chúng tôi nghĩ việc giáo dục đạo dức lối sống là vấn đề cần phải được quan tâm hơn, và cần có sự phối hợp tốt hơn nữa giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Như vậy môi trường văn hóa trong nhà trường mới được đảm bảo, mới phòng chống được bạo lực học đường ngay trong nhà trường.

Hiện Bộ GD&ĐT cũng đang xây dựng dự thảo Nghị định về xây dựng trường học an toàn, thân thiện, lành mạnh. Nghị định sẽ được trình Chính phủ. Đó cũng sẽ là động lực, căn cứ pháp lý để chúng ta tạo nên môi trường tốt, giáo dục học sinh.

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển từ giáo dục nặng kiến thức sang hoàn thiện phẩm chất