Cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân: Chú trọng phân luồng lao động

P. Linh - L. Nhi 22/01/2016 08:07

Một trong những vấn đề đổi mới giáo dục, được nhiều chuyên gia bàn luận trong thời gian gần đây là việc nên phân luồng sau THCS hay THPT, và phân luồng như thế nào thì hợp lý. Tuy nhiên, nhìn vào Đề án cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mà Bộ GD&ĐT vừa trình Chính phủ, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc phân luồng vẫn còn mờ nhạt.

Ảnh minh họa.

Nên phổ cập Trung học cơ sở

Theo dự thảo Đề án cơ cấu giáo dục quốc dân của Bộ GD&ĐT, THPT được chia thành 3 nhánh theo 3 định hướng nghề nghiệp: định hướng chung (có tính hàn lâm/ khoa học), định hướng kỹ thuật/ công nghệ, và định hướng năng khiếu (nghệ thuật, thể thao). Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng: Phân nhánh như vậy thì cũng giống như phân ban hiện nay, chỉ phù hợp với các khối thi ĐH, CĐ, chứ không phải phân luồng lao động.

Về điều này, GS Nguyễn Minh Thuyết từng trao đổi trên báo chí rằng, đừng bắt tất cả HS phải học đủ 12 năm, vì có những em không cần thiết phải học bằng ấy năm. Chỉ những học sinh nào có nguyện vọng và đủ điều kiện học tiếp lên ĐH mới cần học 12 năm phổ thông. Còn đối với những em không có ý định và khả năng học tiếp lên, nếu tiết kiệm được 1 - 2 năm đi học thì sẽ đỡ lãng phí thời gian và cơ hội tìm việc làm. Gia đình cũng đỡ được nhiều chi phí.

Đồng tình với ý kiến trên, GS Phạm Tất Dong (Hội Khuyến học Việt Nam) phân tích: Trên thế giới hiện có 2 xu hướng phân luồng, một là sau khi tốt nghiệp THCS với tỷ lệ khá phổ biến và sau khi đã tốt nghiệp THTP, học xong lớp 12. Dự thảo của Bộ GD&ĐT vẫn thiên về xu hướng thứ 2, tức là phân luồng sau khi học xong lớp 12.

“Cá nhân tôi thiên về xu hướng thứ nhất bởi học sinh không nhất thiết phải học hết 12 năm rồi mới phân luồng vì trên thế giới người ta không phổ cập THPT mà chỉ phổ cập THCS. Thực tế cho thấy, với sức vóc được cải thiện so với các thế hệ trước đây, học sinh học xong lớp 9 không có nhu cầu học lên ĐH, hoàn toàn có thể theo học nghề để sớm tham gia vào thị trường lao động. Số còn lại tiếp tục học THPT. Sau khi tốt nghiệp, một số vào ĐH, một số vào CĐ. Nói cách khác, THPT là cấp định hướng nghề nghiệp nhưng phân luồng thì nên ở cấp THCS, sau khi tốt nghiệp lớp 9. Trong quá trình học nghề, HS vẫn phải học kiến thức, văn hóa, thậm chí là chính trị để đảm bảo có được những yêu cầu cần thiết khi tham gia vào thị trường lao động, và có thể theo học lên các cấp học cao hơn khi có nhu cầu. Như vậy thì cơ cấu nghề nghiệp mới dần cân xứng, giảm tình trạng thừa cử nhân và thiếu thợ lành nghề”.

GS Phạm Tất Dong cho rằng, Bộ GD&ĐT nên nghiên cứu, tiếp thu đề xuất của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam tiến hành phân luồng HS ngay sau khi tốt nghiệp THCS, các em sau khi tốt nghiệp được chia thành 2 luồng, luồng lên học THPT và luồng đi vào học nghề. n tính ưu việt, tuy nhiên luồng theo học nghề sẽ ra trường sớm hơn, đi làm sớm hơn mà vẫn được học lên cao khi có nhu cầu. Đây sẽ là sự lựa chọn tốt cho nhiều học sinh có năng lực nhưng không đủ điều kiện để theo học ĐH, tiết kiệm cả cho HS và đất nước.

Học không chỉ để vào đại học

Cùng vấn đề trên trao đổi với GS Phạm Minh Hạc, ông cũng khẳng định: Hệ thống giáo dục quốc dân theo tư tưởng của NQ 29, vấn đề quan trọng nhất là cấp THCS. Bậc THCS phải là bậc học bắt buộc. Còn THPT là bậc học định hướng nghề nghiệp – tức là mọi người, mọi trẻ em đến 15 tuổi nhất thiết phải phổ cập được bậc học THCS.

Nhìn cụ thể hơn, GS Phạm Minh Hạc cho rằng: Bậc học định hướng nghề nghiệp chỉ phân ra theo 3 hướng như Bộ GD&ĐT đề xuất, cũng cần phải xem lại. Nhiều nước trên thế giới họ đã đi trước ta hơn 10 năm nay, thì định hướng nghề nghiệp có thể chia thành: Khoa học xã hội cơ bản, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, khối ngành y dược, khối nông nghiệp, các nhóm kinh tế… Phân làm 3 loại như thế là ít và quá chung chung.

GS Phạm Minh Hạc cũng cho rằng: Cơ cấu hệ thống là một trong những vấn đề của cải cách giáo dục. Trong đó vấn đề cần quan tâm hơn cả là mục tiêu đào tạo, cần phải có sự đổi mới căn bản và toàn diện. Cần thay đổi được ý nghĩ, tâm lý xã hội trong toàn dân là học để có bằng cấp, phải vào bằng được các trường chuyên nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp cao trong thời gian qua, chính là vì không đổi mới căn bản và toàn diện mục tiêu đào tạo…

Các chuyên gia giáo dục cũng nói rằng, hiện nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN đang có xu hướng đầu tư vào các trường nghề và trang bị nhiều trường dạy nghề rất tốt. Nếu chúng ta đào tạo nghề không tốt thì không thể cạnh tranh được với khu vực và thế giới. Hiện nay, chúng ta đang mở ra rất nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất nhưng phải sử dụng lao động người nước ngoài do lao động trong nước chỉ làm được những công việc đơn giản hoặc phải đào tạo lại mới có thể đáp ứng được yêu cầu công việc. Sắp tới đây, khi cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành, lao động các nước sẽ được di chuyển tự do, nguy cơ người lao động Việt Nam có thể thua trên sân nhà là hoàn toàn có thể xảy ra.

“Hơn lúc nào hết, Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ, TB&XH cần ngồi lại với nhau để cùng bàn thảo, nghiên cứu đưa ra chiến lược đào tạo nghề phù hợp và dài hơi hơn cho đất nước - GS Phạm Tất Dong chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân: Chú trọng phân luồng lao động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO