Cơ chế cho Hà Nội phát triển

MAI LOAN 20/09/2023 07:26

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV tới đây, Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, thảo luận. Nếu không có gì thay đổi, dự luật này sẽ được thông qua vào kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024). Cách đây vài tháng, UBND TP Hà Nội đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) với 9 nhóm chính sách quan trọng, theo hướng trao cho Hà Nội những cơ chế có tính vượt trội, khả thi.

Theo như lời nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị thì việc sửa đổi Luật Thủ đô ở thời điểm này là chín muồi. Thành phố đã đầu tư rất nhiều công sức, tâm huyết, trí tuệ để xây dựng hồ sơ Luật Thủ đô (sửa đổi). Ông Nghị cũng lưu ý, cần hoàn thiện bản dự thảo theo hướng cô đọng, khái quát cao hơn nữa và khẳng định tính vượt trội so với các luật khác.

Trong đó, đáng chú ý là việc dự luật đề xuất một mô hình tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại; tăng cường phân cấp, ủy quyền để nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Đây là điều được thành phố đặc biệt chú trọng. Nói về việc tìm kiếm một mô hình tổ chức chính quyền đô thị, ta có thể quay ngược thời gian về cách đây hơn 3 năm trước, tháng 7/2021, Hà Nội bắt đầu thí điểm mô hình chính quyền đô thị, không tổ chức HĐND cấp phường tại 12 quận và thị xã Sơn Tây theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019. Không tổ chức HĐND cấp phường nghĩa là bớt đi một cơ quan ở cơ sở; bớt đi một bộ máy cũng có nghĩa là bớt đi sự cồng kềnh và dần hướng tới mục tiêu phân cấp, ủy quyền đến tận cơ sở.

Tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), liên quan đến phân cấp, ủy quyền, ngoài việc ủy quyền theo nguyên tắc chung quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, thì dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) mở rộng việc phân cấp, ủy quyền của UBND thành phố Hà Nội. Trong đó, quy định UBND thành phố Hà Nội phân cấp hoặc ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn cho các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố Hà Nội, cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện, thị xã và thuộc thành phố Hà Nội. Các cơ quan chuyên UBND cấp dưới. Điều đó có nghĩa, quy định tại dự thảo đang hướng đến mục tiêu phân cấp, ủy quyền đến tận cơ sở, nhằm tạo tính chủ động, linh hoạt trong giải quyết công việc. Đây là một điểm tiến bộ trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) khi giảm bớt tầng nấc cần xin ý kiến; giao quyền để các cơ quan chính quyền cấp dưới được chủ động giải quyết công việc chung; qua đó, nhân dân cũng hy vọng được hưởng lợi từ việc bớt khâu trung gian.

Tuy nhiên, thực tế hoạt động của Hà Nội cho thấy, dù đã phân cấp, ủy quyền trên nhiều lĩnh vực, song thành phố đang gặp một số khó khăn, hạn chế, như các quy định pháp luật còn chồng chéo, thiếu thống nhất, cần phân cấp, ủy quyền để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công… Ai cũng có thể nhận ra, đời sống kinh tế - xã hội, trình độ dân trí, công tác an sinh xã hội… của Hà Nội ngày càng được nâng cao; nhưng để đạt đến tầm vóc như nhiều Thủ đô của các nước ASEAN thì vẫn còn một khoảng cách. Đó có thể là do cơ chế đang có những độ vênh nhất định nên xảy ra tình trạng “trói buộc” giữa các quy định với nhau. Nói thế là bởi ngay đến Thủ đô, khi đầu tư dự án quy mô từ 10.000 tỷ đồng trở lên phải được thông qua Quốc hội, thời gian trình và thông qua phải mất hàng năm.

Ở khía cạnh khác, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc trong một lần góp ý về dự luật đã đề nghị, dự thảo Luật cần quy định rõ việc cơ quan chuyên môn ủy quyền cho cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới để giải quyết các thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho người dân. Nhưng vẫn vị Thứ trưởng này lưu ý, đi cùng với ủy quyền là nhiều điều kiện, trong đó có thể kể đến điều kiện để người nhận ủy quyền thực hiện công việc, cơ chế giám sát thực hiện việc này để khả thi trong thực tiễn.

Nói chuyện cơ chế giám sát quả thực là không thừa với tất cả các địa phương, đơn vị được phân cấp, ủy quyền, Thủ đô cũng thế. Tất cả những điều nêu trên cần được tính đến khi xây dựng dự Luật Thủ đô (sửa đổi). Mục tiêu là làm sao “cởi trói” để Thủ đô phát triển xứng tầm với đất nước, để Thủ đô thật sự là trái tim của cả nước, để mỗi người dân Thủ đô và những người muốn gắn bó với Thủ đô thấy được nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong đóng góp xây dựng Thủ đô. Và nhất là để người Hà Nội cũng như những du khách đến đây đều cảm thấy hạnh phúc mỗi khi nhắc đến Thủ đô Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ chế cho Hà Nội phát triển