Bà Hoàng Thị Yến - TP Hà Nội hỏi: Năm 2015, tôi đóng BHXH, BHYT được 5 năm liên tục. Năm 2016, phải nằm viện điều trị nhiều lần, tổng giá trị hoá đơn thanh toán vượt 6 tháng lương cơ sở. Do không biết rõ quy định về quyền lợi khi đã đóng BHYT 5 năm liên tục, nên chỉ giữ lại mấy hoá đơn thanh toán của viện. Vậy, tôi có được cấp giấy không cùng chi trả trong năm 2017 không? Thủ tục gồm những giấy tờ những gì, có được thanh toán các hoá đơn của năm 2016 không?
Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:
Theo quy định tại Điểm C Khoản 1 Điều 22 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, người tham gia BHYT có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên, có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến) được cơ quan BHXH cấp giấy chứng nhận “không cùng chi trả trong năm”, khi đi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Về nội dung bà hỏi có được thanh toán lại số tiền cùng chi trả vượt quá 6 tháng lương cơ sở năm 2016 hay không: Trường hợp của bà có đủ điều kiện thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến), đề nghị bà mang các giấy tờ dưới đây đến BHXH cấp huyện nơi cư trú hoặc tạm trú để được xem xét, giải quyết theo quy định.
- Thẻ BHYT có giá trị trong thời gian điều trị
- Chứng minh thư hoặc giấy tờ chứng minh nhân thân hợp lệ
- Giấy ra viện (bản sao)
- Bản chính các chứng từ hợp lệ (hóa đơn mua thuốc, hóa đơn thu viện phí và các chứng từ có liên quan)