Cơ hội cho hạt gạo Việt Nam

H.t 02/08/2023 10:00

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo, những ngày qua đã có tình trạng “hủy kèo”, không tôn trọng các hợp đồng đã thỏa thuận. Điều này khiến các DN, nhà máy chế biến gạo không nhận được lượng hàng hóa đã chốt, kể cả thỏa thuận trước đó chỉ 2 ngày.

Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Lý Anh Nam.

Thực tế thì nhiều DN liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa với nông dân cũng không nhận được hàng do tình trạng nông dân, thương lái một số khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bỏ cọc để bán ra bên ngoài với giá cao hơn. Về phía DN xuất khẩu gạo, họ cũng đủ tài chính để chuẩn bị đủ lượng hàng kinh doanh mà thường chỉ ở mức 50-60% lượng đơn hàng ký kết. Do đó dẫn đến tình trạng DN mua vào không kịp khi giá tăng mỗi ngày. Khi giá biến động quá nhanh như hiện nay thì các nhà máy cung ứng thường phải chịu lỗ để giao các đơn hàng đã chốt hoặc hủy hợp đồng.

Trước đó, Bộ Công thương yêu cầu duy trì mức dự trữ gạo lưu thông tối thiểu để bảo đảm cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá lúa, gạo tại thị trường trong nước và bảo đảm an ninh lương thực.

Ấn Độ là quốc gia chiếm tới 40% xuất khẩu gạo của thế gới, vì thế khi có lệnh cấm xuất khẩu thì những quốc gia xuất khẩu gạo khác đều tranh thủ thời cơ. Việt Nam là nước xuất khẩu gạo thứ 3 thế giới và hiện cũng đang ở thời điểm thuận lợi. Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cũng đề nghị các DN thực hiện nghiêm túc việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định của Chính phủ, bảo đảm cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá lúa, gạo tại thị trường trong nước và bảo đảm an ninh lương thực.

Số liệu thống kê của Ban chỉ đạo Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ NNPTNT cho thấy, tổng lượng lúa hàng hóa quy ra gạo của cả nước trong năm nay ước đạt 26,347 triệu tấn. Trong đó, quý I đạt 10,222 triệu tấn; quý II là 5,24 triệu tấn; quý III và quý IV lần lượt là 4,589 và 6,287 triệu tấn. Trong tổng lượng gạo của quí I, nhu cầu tiêu thụ của người dân là 4,594 triệu tấn; phục vụ chăn nuôi và làm giống lần lượt đạt 1,598 và 0,5 triệu tấn. Riêng phục vụ cho chế biến (bao gồm cả chế biến các sản phẩm sau gạo và phục vụ cho xuất khẩu) là 3,53 triệu tấn. Tương tự, đối với quý II, nhu cầu tiêu thụ của người dân là 2,294 triệu tấn; phục vụ chăn nuôi là 918.000 tấn và phục vụ chế biến là 2,028 triệu tấn. Quý III, dự báo nhu cầu tiêu thụ của người dân là 2,307 triệu tấn, phục vụ chăn nuôi 714.000 tấn và phục vụ nhu cầu chế biến 1,577 triệu tấn. Quý IV được dự báo qua các con số lần lượt là 2,796 triệu tấn, 1,088 và 2,403 triệu tấn.

Như vậy, sau khi trừ đi phần phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân, chăn nuôi và làm giống, thì tổng lượng gạo có khả năng phục vụ cho nhu cầu chế biến và xuất khẩu trong năm nay ước đạt khoảng 9,538 triệu tấn.

Một tính toán khác cho thấy, lượng gạo dư ra phục vụ cho nhu cầu chế biến và xuất khẩu năm 2023 có thể lên đến khoảng 11,1 triệu tấn.

Cả với hai cách tính kể trên đều cho thấy chúng ta hoàn toàn bảo đảm an ninh lương thực trong nước và có thể chủ động đẩy mạnh xuất khẩu. Nhiều ý kiến cho rằng, về việc thực hiện văn bản hỏa tốc của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), ngày 21/7, yêu cầu các DN phải đảm bảo dự trữ lưu thông tối thiểu đạt tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó nhằm bình ổn thị trường và đảm bảo an ninh lương thực - là hoàn toàn khả thi. Xuất khẩu gạo có thể yên tâm trong thực tế hiện nay.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện giá lúa thường tại ruộng cao nhất là 6.950 đồng/kg, giá bình quân là 6.882 đồng/kg, tăng 186 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cũng tăng trung bình 225 đồng/kg, ở mức 8.258 đồng/kg; giá cao nhất là 8.450 đồng/kg. Giá gạo bình quân tăng hơn 750 đồng/kg. Đặc biệt, giá gạo xát trắng tăng 963 đồng/kg. Giá gạo xuất khẩu bình quân tăng hơn 10% so với cùng kỳ 2022 và cũng là mức cao nhất trong vòng 12 năm qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ hội cho hạt gạo Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO