Các hội nghị gỡ khó cho doanh nghiệp (DN) của ngành ngân hàng liên tiếp được tổ chức trong thời gian ngắn, tại các địa phương lớn. Vực dậy nền kinh tế đang cần sự nhập cuộc của nhiều bộ, ngành. Nhiều ý kiến cho rằng hỗ trợ nhau vượt khó cũng chính là cơ hội để cùng tái cơ cấu.
Nguồn hỗ trợ từ các ngân hàng
Thời gian qua, nhiều tổ chức tín dụng (TCTD), kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ để hỗ trợ DN vượt khó, tái hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo thống kê sơ bộ, ngành ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 223 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 151 nghìn tỷ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 320 nghìn khách hàng với dư nợ gần 1,14 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt trên 767 nghìn tỷ đồng cho hơn 196 nghìn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch. Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho hơn 150 nghìn khách hàng với dư nợ trên 3.800 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho hơn 75 nghìn khách hàng với dư nợ gần 1.600 tỷ đồng, cho vay mới đối với hơn 680 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 25 nghìn tỷ đồng.
Theo khẳng định của Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, trận đại dịch vừa qua, có sự thắng lợi và đáng tự hào chính là sự điều hành của Chỉnh phủ, sự quyết liệt của tất cả các bộ, ngành, tổ chức, nên chúng ta không thiệt hại về người, người dân được đảm bảo ở mức cao nhất. Mục tiêu kép đặt ra là không để dịch bùng nổ, lây lan, đồng thời phải khôi phục, phát triển kinh tế.
Lường trước được dịch bệnh có thể tác động đối với nhiều lĩnh vực, NHNN đã kịp thời ban hành Thông tư 01/TT-NHNN ngày 13/3 tạo cơ sở pháp lý quan trọng để TCTD thực hiện nhiệm vụ cấp bách ngay lúc đó đến thời điểm này, thậm chí có thể kéo dài đến hết năm nay đó là hoãn, giãn các khoản nợ, lãi đến hạn của doanh nghiệp. Cùng với đó, tại Chỉ thị 02 của NHNN yêu cầu toàn ngành phải chia sẻ đồng hành những khó khăn của doanh nghiệp bằng chính tiềm lực của mình.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, ở nước ta có thể nói có nhiều chính sách rất nhân văn, nhưng hỗ trợ DN, khôi phục nền kinh tế sau dịch, chúng ta không thể chờ hết dịch nên rất cần sự phối hợp các chính sách, trong đó có chính sách tiền tệ, chính sách thuế ... Trong đó, chính sách hoãn, giãn nợ cũng rất trực tiếp, đồng thời chia sẻ lãi suất cho vay bằng cách giảm lợi nhuận của chính ngân hàng.
Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc, nguồn hỗ trợ từ phía ngân hàng không phải từ gói nào cả, mà từ sự huy động của chính các ngân hàng thương mại (NHTM) hiện nay, huy động từ gửi tiết kiệm, tiền gửi thanh toán,.. Còn gói lãi suất từ 1% - 2% cũng là cắt giảm từ chi phí, lợi nhuận thậm chí là tiền lương của nhân viên ngân hàng. Đối với các NHTM cổ phần nhà nước với vai trò chủ lực, NHNN cũng chỉ đạo giảm lợi nhuận, phê duyệt lại kế hoạch kinh doanh đến cuối năm. Đó là sự chia sẻ, đồng hành từ các NH, và cũng cần sự chia sẻ, thấu hiểu từ phía hai bên.
“Do đó, đây cũng là dịp cơ cấu tổng thể nền kinh tế đối với hệ thống các DN và chính các ngân hàng, trong đó hệ thống ngân hàng cũng phải cơ cấu lại trong tình hình hiện nay, phải chấp nhận một cuộc chơi cạnh tranh, thể hiện sức mạnh, thương hiệu của mình, ngân hàng phải làm tốt để giữ niềm tin của người dân và có quan hệ tốt với các DN. Về phía các DN cũng cần cơ cấu lại, NHTM nhìn vào đầy đủ hơn vào năng lực tài chính, có nguồn trả nợ, sinh sôi nảy nở, thực sự là DN thủy chung với ngành ngân hàng”- ông Tú nói
Quan tâm đến mọi doanh nghiệp
“Điều tôi thấy tâm đắc cho rằng rất cần được quan tâm ở đây chính là những doanh nghiệp mà chỉ cần hỗ trợ một chút là có thể khắc phục, vượt qua được khó khăn hiện nay. Chúng ta không phải chỉ quan tâm đến những doanh nghiệp khó khăn, yếu kém mà ngay cả những doanh nghiệp khỏe có khả năng bứt phá để phát triển nhưng vướng mắc trong vấn đề thị trường, trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm, chưa có dòng tiền” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết thêm.
Mặc dù các TCTD đã triển khai nhiều chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi, nhưng do nhu cầu tín dụng của khách hàng sụt giảm nên tín dụng những tháng đầu năm 2020 có tốc độ tăng thấp hơn so với các năm trước. Cộng đồng DN cho rằng, cần giảm chi phí đầu vào, để giảm lãi suất cho vay bền vững. Đây là giải pháp bản chất, căn bản vừa đảm bảo hỗ trợ DN, vừa đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo dư địa cho tăng trưởng.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: Tết Nguyên đán rơi vào tháng 1, doanh thu cuả ngành luôn tăng từ 30 – 50%, nhưng sau dịch, để chứng minh doanh thu để được giãn, hoãn nợ và giảm lãi suất thì không chứng minh được vì đây là đặc thù của ngành. Thời gian qua, ngành cùng với thành phố đảm bảo cung ứng đủ, các DN cam kết không tăng giá, tại thành phố Hồ Chí Minh, ngoài việc ổn định giá các mặt hàng thiết yếu cho 13 triệu dân chúng tôi có các mặt hàng tham gia giảm giá nữa.
“Câu chuyện là DN trong ngành lấy hết nguyên liệu dự trữ ra, bây giờ nguồn nguyên liệu dự trữ kế tiếp gặp khó khăn vì một số nguyên phụ liệu tăng giá, chi phí nhập kho vào cũng tăng lên, như vậy, hơn lúc nào hết, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của ngân hàng, tái cơ cấu lại sản xuất, muốn được nằm trong ngành được hỗ trợ, như các ngành khác dịch vụ, dịch vụ”, bà Chi nói.
Vị đại diện này cho rằng, để tái cấu trúc hiệu quả, DN rất cần sự hỗ trợ của ngành ngân hàng. Từ đó bà Chi đề xuất, các ngân hàng cổ phần cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất cho vay, do đó cần được hỗ trợ phân loại DN, các gói vay, trong đó tập trung ưu tiên các ngành trọng yếu như du lịch, lương thực, thực phẩm, tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận tạo điều kiện ổn định
Ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Việt Thắng Jeans, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để hỗ trợ cho các DN dệt may nói chung NHNN điều chỉnh tỷ giá giảm hỗ trợ xuất khẩu. Ông Việt mong muốn ngân hàng giảm lãi suất cho vay đối với khoản vay hiện hữu xuống 2%, trong thời gian hỗ trợ lên đến 24 tháng, vì doanh thu giảm rất mạnh cùng với đó ngân hàng hỗ trợ tỷ lệ kí quỹ, giảm chi phí thanh toán xuất khẩu, hỗ trợ kéo dài vay vốn lưu động; tạo điều kiện cho doanh nghiệp cơ cấu nợ.
Cơ hội hoàn thiện
Có thể nói rằng, ngành ngân hàng là một trong những ngành tiên phong hỗ trợ DN vượt khó. Chỉ trong quãng thời gian khoảng 2 tháng, 14 cuộc hội nghị gặp gỡ giữa ngân hàng và DN được tổ chức tại các địa phương. Nói như ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Vietinbank : Chúng tôi cũng là DN nên rất mong các DN hiểu. “Hệ thống NHTM vừa phải hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn, động chạm trực tiếp lợi nhuận giảm, Vietinbank cam kết lợi nhuận từ 3 – 4 ngàn tỷ; tức là ngành ngân hàng vừa cứu DN, vừa cứu mình, chúng tôi chắt chịu mũi kim sợi chỉ để chia sẻ với các anh, chị”- ông Dũng nói
Tuy nhiên ông Dũng cũng khẳng định, hỗ trợ DN nhưng đảm bảo tuân thủ không hạ thấp tiêu chuẩn tín dụng. Ngân hàng không được phép rút gọn hồ sơ. “Đề nghị các anh, chị đang giao dịch ở các ngân hàng, chúng ta nán lại hoàn thiện các hồ sơ, chứng minh ảnh hưởng bị thiệt hại để ngân hàng hỗ trợ. Nhiều kiến nghị thủ tục chứng minh phiền phức nhưng tôi không nghĩ thế. Ta làm DN mà không biết mình bị thiệt hại gì thì làm sao ngân hàng chứng minh được. Trong khó khăn cũng là cơ hội tái cơ cấu hoàn thiện của doanh nghiệp”, ông Dũng nói.
Lãnh đạo NHNN cho rằng, khi chính sách đưa ra, chẳng hạn như Thông tư 01 không phải là chính sách bất biến mà sẽ được có bổ sung, điều chỉnh cho hợp lý.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, đây cũng là dịp cơ cấu tổng thể đối với hệ thống các DN và chính các ngân hàng, trong đó hệ thống ngân hàng cũng phải cơ cấu lại để chấp nhận một cuộc chơi cạnh tranh. “Điều tôi tâm đắc rất cần được quan tâm ở đây chính là những DN mà chỉ cần hỗ trợ một chút là có thể khắc phục, vượt qua được khó khăn hiện nay. Chúng ta không phải chỉ quan tâm đến những DN khó khăn, yếu kém mà ngay cả những DN khỏe có khả năng bứt phá để phát triển nhưng vướng mắc trong vấn đề thị trường, trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm, chưa có dòng tiền”, ông Tú nói.