Thời gian này, cấp tập các doanh nghiệp lớn bước lên chuyến tàu mang tên cổ phần hóa để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. “Sẽ phải đảm bảo kế hoạch chứ không thể cứ nói mà không làm”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo.
Tốc độ cổ phần hóa tại các doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Ảnh: TL.
Ngày 13/11, tại Hà Nội diễn ra hội nghị Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước năm 2015, nhiều ý kiến khẳng định, sẽ ráo riết truy trách nhiệm về từng bộ. Một số doanh nghiệp “thuộc diện” khó hoàn thành cổ phần thuộc các bộ: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông cùng một số địa phương như Nam Định, Tiền Giang, TP HCM, Bình Dương, Bình Phước, Đăk Lăk, Gia Lai.
Đôn đáo lên kế hoạch
Nhiều người cho rằng, quá trình cổ phần hóa DNNN thời gian này đang rất chạy. Nếu đặt nhiệm vụ cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN trong bối cảnh 5 năm thì thu được kết quả chậm, nhưng chỉ riêng quãng thời gian cuối của năm kinh tế 2015 dường như hối hả hơn khi cổ phần hóa đang tăng tốc.
Những doanh nghiệp lớn vốn nghìn tỷ đang chạy đôn đáo cho kế hoạch cổ phần hóa. Gần đây nhất là Công ty TNHH Một thành viên Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) phấn đấu đến hết ngày 31-12-2015 hoàn thành xác định giá trị doanh nghiệp và sẽ hoàn tất việc cổ phần hoá vào cuối năm 2016. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa phê duyệt Phương án cổ phần hóa và chuyển thành công ty cổ phần Công ty mẹ - Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1.
Ngày 10/12 tới Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Hà Nội, thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, chính thức bán đấu giá cổ phần.
Để đẩy nhanh con tàu cổ phần hóa, thời gian gần đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật yêu cầu doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước phải công bố thông tin công khai, minh bạch. Và toàn bộ thông tin này đều được cơ quan quản lý nhà nước giám sát, kiểm tra, đánh giá lại.
Hiện nay nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đến tìm hiểu các doanh nghiệp chuẩn bị cổ phần hóa, doanh nghiệp nằm trong diện thoái vốn. Tuy nhiên, họ vẫn rất dè dặt trong việc tham gia thị trường, vì còn e ngại về tính công khai, minh bạch thông tin của khu vực doanh nghiệp này.
Về thoái vốn Nhà nước, 10 tháng đầu năm 2015, cả nước thoái được 9.152,2 tỷ đồng, thu về 13.767,5 tỷ dồng, bằng 1,5 lần giá trị sổ sách. Đa số các doanh nghiệp thoái vốn hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng… Lũy kế từ năm 2012 đến 28-10-2015, cả nước thoái được 16.450 tỷ đồng, thu về 22.870 tỷ đồng.
Có địa phương chưa cổ phần hóa được doanh nghiệp nào
Tại hội nghị, ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cập nhật số liệu, từ đầu năm đến ngày 10-11, cả nước đã có 175 doanh nghiệp được sắp xếp. Trong đó, 159 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa; 16 doanh nghiệp thực hiện sắp xếp theo các hình thức khác:4 doanh nghiệp thực hiện bán, 5 doanh nghiệp sáp nhập, 2 doanh nghiệp giải thể, 5 doanh nghiệp chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên. Dự kiến hết năm nay, tổng số doanh nghiệp được cổ phần hóa sẽ đạt 210 doanh nghiệp.
Ông Lê Mạnh Hà cũng chỉ ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông cùng một số địa phương Nam Định, Tiền Giang, Bình Dương, Bình Phước, Đăk lắk, Gia Lai... chưa cổ phần hóa được doanh nghiệp nhà nước nào.
Tiến độ thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước tuy đã được đẩy nhanh, nhưng số lượng doanh nghiệp phải hoàn thành cổ phần hóa trong 2 tháng cuối năm vẫn còn khoảng 20% kế hoạch giai đoạn 2011-2015. Số vốn các tập đoàn, tổng công ty còn phải thoái khỏi các lĩnh vực: bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng từ nay đến cuối năm còn khoảng 60% tổng số vốn phải thoái. Đây là nhiệm vụ khá nặng nề.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng “chậm tiến độ” cũng được các bộ, địa phương này đưa ra, như khó khăn xác định giá trị doanh nghiệp, xử lý đất đai, phức tạp trong xử lý tài sản...
Bên cạnh đó về mặt khách quan, những biến động của thị trường tài chính, chứng khoán quốc tế và trong nước thời gian qua đã ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chứng khoán và việc bán cổ phần, thoái vốn Nhà nước. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp thực hiện sắp xếp cổ phần hóa có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, tình hình tài chính phức tạp, việc xử lý công nợ, phương án sử dụng đất… cần có nhiều thời gian để chuẩn bị, xử lý.
Truy trách nhiệm từng Bộ
Tuy nhiên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, những lý do đó không hợp lý, vì nếu trình lên thì sẽ có giải pháp.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng “sẽ phải đảm bảo kế hoạch chứ không thể cứ nói mà không làm”,
Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận Bộ này chưa cổ phần hóa được công ty nào. Bộ cũng đưa ra lý do các doanh nghiệp từ các đơn vị sự nghiệp chuyển thành doanh nghiệp nên trong quá trình sắp xếp, xem xét phương án sử dụng đất còn rất khó khăn. Bên cạnh đó đất đai nằm rải rác trên phạm vi cả nước liên quan đến việc thống nhất phương án sử dụng đất với các địa phương. Tuy nhiên việc này sẽ hoàn thành trong năm nay” - đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói ở một số nơi, một số đơn vị việc thoái vốn, cổ phần hóa DNNN còn chậm.
Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp đã đi làm việc với từng Bộ, từng địa phương và yêu cầu kế hoạch tái cơ cấu phải đảm bảo đúng tiến độ. Riêng kiến nghị của các địa phương cụ thể đối với từng đơn vị được chỉ đạo vị cổ phần hóa, Ban Chỉ đạo sẽ trả lời trực tiếp.