Thông tin từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam: Năm 2016 kim ngạch xuất khẩu rau quả vào EU đạt trên 94 triệu USD trong tổng kim ngạch 2,4 tỷ USD của toàn ngành. Năm 2017 ở mức 107 triệu USD (toàn ngành 3,5 tỷ USD). Năm 2018 dù có cải thiện nhưng mới đạt 116 triệu USD trên tổng kim ngạch 3,8 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu rau quả vào EU mới đạt 78 triệu USD trong tổng số 2 tỷ USD kim ngạch rau củ quả xuất khẩu.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam hy vọng, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ tạo điều kiện thuận lợi để rau quả thâm nhập thị trường và gia tăng kim ngạch xuất khẩu cao hơn mức hiện nay.
Còn theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau khi EVFTA có hiệu lực khoảng 1 năm sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 10 - 20%. Trong đó, một số các ngành hàng chủ lực như nông thủy sản, dệt may, da giày hưởng lợi nhiều từ EVFTA. Với mặt hàng cá tra, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm- Tổng Giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn cho hay, trước đây cá tra xuất khẩu đi EU nhiều nhưng sau một số năm thị trường này đi xuống vì những thông tin hiểu lầm về chất lượng gây khó cho cá tra Việt. Thêm vào đó, thuế xuất khẩu vào EU cho mặt hàng cá tra đang ở mức cao 5,5%. DN trong ngành thủy sản đang kỳ vọng, khi thuế suất về 0% giúp cá tra cạnh tranh tốt hơn so với các loại cá nhập khẩu khác ở thị trường EU. EVFTA sẽ là cơ hội để sản phẩm cá tra Việt Nam khôi phục lại giá trị 500 triệu USD ở thị trường EU trong 2 - 3 năm tới, thay vì chỉ ở mức 300 triệu USD như hiện nay.
Thị trường EU rộng lớn và đầy tiềm năng nhưng thị trường này không nhập nhiều sản phẩm tươi. Tuy nhiên, điều rất đáng lưu ý, theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, tỷ lệ tổn thất đối với rau quả có thể lên đến 45%. Tương tự là 35% đối với các sản phẩm thủy, hải sản. Nguyên nhân chủ yếu là do các khâu xử lý sau thu hoạch còn gặp nhiều khó khăn vì thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu.